Nga vừa lần đầu phóng tên lửa Kinzhal từ Su-34?
Bulgarian Military dẫn thông tin từ một số báo Nga và các tài khoản mạng xã hội cho biết quân đội Nga vừa lần đầu tiên phóng thành công tên lửa Kh-47M2 Kinzhal từ máy bay chiến đấu Su-34 trong điều kiện tác chiến tại chiến dịch quân sự đặc biệt của Moscow ở Ukraine.
Tuy nhiên, ngay sau đó, nhiều phía đã rút nội dung này, đồng thời giải thích rằng thông tin trên chưa được xác minh cụ thể. Về phần mình, Army Recognition khẳng định thông tin này rất cũ và thực chất Nga đã sử dụng Su-34 phóng Kinzhal trong chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine từ gần 2 năm trước.
Dẫn nguồn từ TASS, Army Recognition cho biết vào tháng 9-2023, hãng thông tấn Nga trích nguồn tin từ Bộ Quốc phòng Nga cho biết kíp phi công đầu tiên điều khiển Su-34 khai hỏa Kinzhal trong chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine đã được trao phần thưởng cấp nhà nước. Đó chính là lần đầu tiên xuất hiện thông tin Nga dùng Su-34 phóng Kinzhal.
Việc đưa Kinzhal lên Su-34 từng được giới phân tích quân sự đánh giá là bước đi hợp lý của quân đội Nga, giúp đa dạng hóa khí tài, đồng thời giảm tải đáng kể cho biên đội MiG-31K. Trước đó, tên lửa này chỉ được trang bị trên tiêm kích đánh chặn MiG-31K và các dòng máy bay ném bom chiến lược hạng nặng Tu-160M và Tu-22M3M.
Tên lửa siêu vượt âm Kinzhal là một trong 6 siêu vũ khí được Tổng thống Nga Vladimir Putin công bố năm 2018, nổi bật với nhiều đặc thù về tốc độ, khả năng tấn công và khả năng né tránh các hệ thống phòng không. Kinzhal có tầm bắn lên đến 2.000km và tốc độ bay lên tới Mach 10 (tương đương khoảng 12.350km/giờ), là một trong những tên lửa nhanh nhất thế giới, giúp nó có khả năng vượt qua các hệ thống phòng thủ hiện đại.
Số lượng tên lửa Kinzhal mà Nga sở hữu không được công bố chính thức, do đây là một vũ khí chiến lược. Tuy nhiên, các chuyên gia quân sự ước tính rằng Nga đã sản xuất và sở hữu một số lượng đáng kể tên lửa Kinzhal, đủ để duy trì khả năng thực hiện các cuộc tấn công có độ chính xác cao. Bulgarian Military đánh giá, việc triển khai Kinzhal đã gửi đi một thông điệp mạnh mẽ về khả năng tấn công chính xác và sức mạnh răn đe của Nga trong bối cảnh chính trị và quân sự toàn cầu đang thay đổi.
Nhật Bản lên kế hoạch mua nhiều UAV tự sát
Theo Army Recognition, quân đội Nhật Bản đang chuẩn bị tích hợp máy bay không người lái kamikaze (UAV tự sát) vào kho vũ khí của mình. Cụ thể, Bộ Quốc phòng nước này cho biết sẽ chi 3,2 tỷ yên (khoảng 20 triệu USD) để mua 310 UAV tự sát trong năm tài chính 2026.
Trước đó, tờ The Sankei Shimbun đưa tin, một số cuộc thử nghiệm đang được tiến hành với các mẫu UAV tự sát được sản xuất tại Israel, Australia và Tây Ban Nha. Đây là một phần trong kế hoạch đầu tư khoảng 1 nghìn tỷ yên của Nhật Bản trong 5 năm, bắt đầu từ năm 2023, để đẩy nhanh việc triển khai UAV và các công nghệ tiên tiến khác.
Một trong những ưu điểm của UAV là góp phần giải quyết những thách thức về nhân khẩu học của Nhật Bản. Tỷ lệ sinh giảm và nghỉ hưu sớm trong quân đội nước này đã làm giảm số lượng nhân sự sẵn có.
Gần đây, UAV tự sát, được trang bị thuốc nổ nhằm phá hủy các mục tiêu cụ thể như xe bọc thép và tàu nhỏ, ngày càng có mặt nhiều hơn tại các cuộc xung đột hiện đại, nơi UAV nói chung đang đóng vai trò trung tâm, bằng chứng là chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine. Khả năng tự động và sức phá hủy của chúng mang lại hiệu quả hoạt động cao với chi phí tương đối thấp - lợi thế quan trọng trong các cuộc xung đột phi đối xứng hoặc kéo dài.
Hàn Quốc phát triển hệ thống tên lửa đất đối không L-SAM mới
Yonhap đưa tin, Cơ quan quản lý chương trình mua sắm quốc phòng (DAPA) Hàn Quốc thông báo đã khởi động việc phát triển một hệ thống tên lửa đất đối không tầm xa (L-SAM) II mới.
Với khả năng đánh chặn tên lửa bay tới ở độ cao lớn hơn, hệ thống L-SAM II dự kiến mở rộng phạm vi phòng thủ tên lửa lên gấp 3-4 lần so với phiên bản L-SAM hiện tại. Dự án có tổng kinh phí 567,7 tỷ won (khoảng 388 triệu USD), dự kiến sẽ hoàn tất vào năm 2028.
Trước đó, tháng 11-2024, Hàn Quốc đã hoàn tất phát triển hệ thống L-SAM, một thành tựu giúp tăng cường năng lực phòng không của nước này trước các mối đe dọa tên lửa và hạt nhân. Nước này dự kiến đưa L-SAM vào sản xuất hàng loạt từ năm nay và triển khai cho quân đội vào nửa sau của thập kỷ này.
Sau khi được triển khai, L-SAM sẽ đóng vai trò trung tâm trong lá chắn tên lửa đa tầng của Hàn Quốc có tên gọi “Phòng thủ tên lửa và phòng không Hàn Quốc” (KAMD). Mặc dù Bộ Quốc phòng nước này không nêu chi tiết độ cao chính xác mà hệ thống mới có thể bao phủ, nhưng L-SAM được cho là có thể bắn hạ các mục tiêu ở độ cao từ 50 - 60km, tương tự như Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) của Mỹ đang triển khai tại Hàn Quốc.