Quan hệ Việt Nam-Đan Mạch ngày càng đi vào chiều sâu và hiệu quả

Mạnh Hùng (TTXVN/Vietnam+)| 19/09/2023 08:15

Đại sứ Việt Nam tại Đan Mạch Lương Thanh Nghị đã chia sẻ về thành tựu hợp tác giữa hai nước trong thời gian qua cũng như triển vọng phát triển hơn nữa quan hệ song phương.

Quan he Viet Nam-Dan Mach ngay cang di vao chieu sau va hieu qua hinh anh 1Thái tử kế vị Frederik cùng Công nương Đan Mạch thăm chính thức Việt Nam từ ngày 31/10-3/11/2022 theo lời mời của Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân. (Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN)

Ngày 19/9/2023 đánh dấu tròn 10 năm Việt Nam và Đan Mạch thiết lập Quan hệ Đối tác Toàn diện.

Nhân dịp này, phóng viên TTXVN tại châu Âu đã có cuộc trao đổi với Đại sứ Việt Nam tại Đan Mạch Lương Thanh Nghị về thành tựu hợp tác giữa hai nước trong thời gian qua cũng như triển vọng phát triển hơn nữa quan hệ song phương. Sau đây là nội dung cuộc trao đổi.

- Thưa Đại sứ, ông đánh giá như thế nào về thành tựu hợp tác giữa Việt Nam và Đan Mạch trong 10 năm qua kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ Đối tác Toàn diện?

Đại sứ Lương Thanh Nghị: Trong chuyến thăm cấp Nhà nước tới Đan Mạch của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, ngày 19/9/2013, hai bên đã ra tuyên bố chung nhất trí nâng cấp quan hệ song phương lên Đối tác Toàn diện, tạo khuôn khổ chung cho việc mở rộng và tăng cường quan hệ hợp tác song phương trong các lĩnh vực cùng quan tâm.

Kể từ đó đến nay, trên nền tảng truyền thống quan hệ từ khi Việt Nam và Đan Mạch thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1971, các lĩnh vực hợp tác ngày càng được mở rộng và đi vào chiều sâu, thực chất và hiệu quả.

Bên cạnh việc tăng cường các cơ chế hợp tác truyền thống trong các lĩnh vực như chính trị-ngoại giao, kinh tế-thương mại, môi trường, chống biến đổi khí hậu… hai nước đẩy mạnh hợp tác trong các lĩnh vực có tính chiến lược, nhiều tiềm năng như năng lượng, chuyển đổi xanh, phát triển bền vững. Một số kết quả nổi bật trong các lĩnh vực hợp tác cụ thể như sau:

Một là, quan hệ chính trị-ngoại giao giữa Việt Nam và Đan Mạch hiện nay thể hiện sự tin cậy chính trị cao và tình cảm, sự gắn bó đặc biệt giữa lãnh đạo và nhân dân hai nước.

Hai bên thường xuyên duy trì trao đổi đoàn các cấp, đặc biệt là các chuyến thăm, tiếp xúc cấp cao, vừa thể hiện sự coi trọng vai trò của nhau, vừa có tính định hướng cho các nội dung hợp tác cụ thể.

Gần đây nhất là chuyến thăm Việt Nam của Thái tử kế vị Đan Mạch Frederik và Công nương đầu tháng 11/2022, tập trung trao đổi về hợp tác trong lĩnh vực chuyển đổi xanh với sự tham gia của gần 40 doanh nghiệp hàng đầu của Đan Mạch và các doanh nghiệp Việt Nam.

Trong chuyến thăm, hai bên đã ký kết 14 Bản ghi nhớ hợp tác trong lĩnh vực năng lượng, nhất là năng lượng tái tạo.

Hai là, hợp tác kinh tế-thương mại-đầu tư đã phát triển mạnh mẽ, đạt kết quả rất đáng khích lệ. Tổng kim ngạch thương mại song phương trong 10 năm qua đã tăng gần gấp hai lần, từ 480 triệu USD năm 2013 lên mức gần 900 triệu USD năm 2022.

Ngày càng có nhiều nhà đầu tư Đan Mạch quan tâm tìm kiếm cơ hội, mở rộng kinh doanh, sản xuất tại Việt Nam.

Tính đến hết tháng 12/2022, Đan Mạch có 155 dự án đầu tư đang hoạt động với tổng số vốn đăng ký đạt hơn 1,787 tỷ USD, đứng thứ 22/141 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam, tập trung chủ yếu trong các ngành sản xuất, chế biến, chế tạo, vận tải biển và logistics, dịch vụ…

Nhiều công ty, tập đoàn lớn  của Đan Mạch đã có mặt tại Việt Nam từ rất sớm như Carlsberg, AP Moller-Maersk, Ecco, Vestas, ScanCom, Mascot…và gần đây nhất là dự án của tập đoàn Lego trị giá trên 1 tỷ USD xây dựng nhà máy trung hòa carbon đầu tiên trên thế giới tại Việt Nam.

Ba là, các chương trình hợp tác chiến lược theo lĩnh vực (SSC), trọng tâm là năng lượng-môi trường, nông nghiệp-nông sản, y tế, giáo dục và thống kê đang được hai nước triển khai hết sức hiệu quả.

Đáng chú ý là Chương trình Hợp tác Đối tác Năng lượng Việt Nam-Đan Mạch (đang trong giai đoạn 3 từ 2020-2025) được thực hiện từ năm 2013 đã góp phần thúc đẩy phát triển bền vững ngành năng lượng theo hướng tăng cường khai thác, phát triển các nguồn năng lượng sạch và năng lượng tái tạo, thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

Bên cạnh đó, hợp tác trong một số lĩnh vực khác như khoa học công nghệ, tư pháp, giao lưu nhân dân, văn hóa… cũng ngày càng trở nên thực chất và hiệu quả.

- Đại sứ nhận định như thế nào về tiềm năng hợp tác giữa hai nước, cả trong quan hệ song phương cũng như phối hợp trên trường quốc tế và tại các diễn đàn đa phương? Theo Đại sứ, hai nước cần làm gì để thúc đẩy hơn nữa quan hệ song phương trong thời gian tới?

Đại sứ : Tiềm năng hợp tác giữa Việt Nam và Đan Mạch là rất lớn, còn rất nhiều dư địa phát triển. Từ góc độ song phương, trên cơ sở những thành tựu hợp tác thời gian qua cũng như đánh giá tiềm năng hợp tác trong tương lai còn rất lớn, hai nước đang phối hợp nâng cấp quan hệ lên một tầm cao mới, tạo tiền đề thúc đẩy hợp tác trong nhiều lĩnh vực mới như Chuyển đổi Xanh, Chuyển đổi Số, phát triển năng lượng tái tạo, là những lĩnh vực có ý nghĩa chiến lược đối với sự phát triển của Việt Nam cũng như vì lợi ích của mỗi nước.

Từ góc độ đa phương, Việt Nam và Đan Mạch thường xuyên ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn đa phương quốc tế và khu vực như Liên hợp quốc và các tổ chức của Liên hợp quốc, Diễn đàn Hợp tác Á-Âu (ASEM), Hiệp hội Các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Liên minh châu Âu (EU), Hội nghị Thượng đỉnh Đối tác về Tăng trưởng Xanh và Mục tiêu Toàn cầu 2030 (P4G)…, vừa thể hiện sự tin cậy chính trị cao giữa hai nước, vừa cho thấy Đan Mạch coi trọng và đánh giá tích cực chính sách đối ngoại của Việt Nam trước các vấn đề quốc tế và khu vực.

Quan he Viet Nam-Dan Mach ngay cang di vao chieu sau va hieu qua hinh anh 2Đại sứ Việt Nam tại Đan Mạch Lương Thanh Nghị. (Ảnh: Mạnh Hùng/TTXVN)

Đan Mạch là nước có thế mạnh, đi đầu trong các lĩnh vực liên quan đến chuyển đổi năng lượng và phát triển bền vững, trong khi Việt Nam có nhu cầu rất lớn, có quyết tâm và khát vọng trong tiến hành chuyển đổi xanh, được Đan Mạch ghi nhận và đánh giá cao.

Do vậy, để thúc đẩy hơn nữa quan hệ song phương trong thời gian tới, tôi cho rằng trên cơ sở không ngừng vun đắp và làm sâu sắc hơn nữa nền tảng quan hệ hữu nghị, tốt đẹp được xây dựng hơn 50 năm qua, hai nước cần tiếp tục tăng cường tính thiết thực, hiệu quả của các nội dung hợp tác đã có và mở rộng các lĩnh vực hợp tác mới mà hai bên cùng có lợi, có nhiều tiềm năng và dư địa, nhất là các lĩnh vực mà bạn có thế mạnh và ta có nhu cầu như tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.

- So với những nước châu Âu khác, điểm nổi bật và khác biệt trong hợp tác của Đan Mạch với Việt Nam là gì, thưa Đại sứ?

Đại sứ Lương Thanh Nghị: Tôi cho rằng có hai điểm nổi bật trong quan hệ Việt Nam-Đan Mạch mà nếu chúng ta phát huy tốt sẽ góp phần thúc đẩy hợp tác song phương một cách bền vững, hiệu quả, và ngày càng đi vào chiều sâu.

Thứ nhất, quan hệ Việt Nam-Đan Mạch được xây dựng không chỉ dựa trên lợi ích song trùng của hai quốc gia mà còn được vun đắp trên tình hữu nghị giữa hai dân tộc và sợi dây kết nối tình cảm đặc biệt giữa lãnh đạo và người dân hai nước.

Lãnh đạo và người dân Việt Nam luôn ghi nhớ và trân trọng những năm tháng tuổi trẻ sinh sống và học tập tại Việt Nam của Hoàng thân Henrik cũng như sự gắn bó, tình cảm dành cho đất nước và con người Việt Nam và sự ủng hộ quan hệ Việt Nam-Đan Mạch ngày càng phát triển của Hoàng gia Đan Mạch.

Nhìn lại lịch sử có thể thấy Đan Mạch cũng là nước phương Tây thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam từ rất sớm vào năm 1971 và đã hỗ trợ hết sức hiệu quả quá trình khắc phục hậu quả chiến tranh và phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam.

Trong làm việc với các cơ quan và tiếp xúc với người dân Đan Mạch hiện nay, tôi cũng luôn cảm nhận được sự chân thành và tình cảm yêu mến dành cho Việt Nam của các bạn Đan Mạch. Do được vun đắp trên tình hữu nghị và tình cảm đặc biệt như vậy nên quan hệ Việt Nam-Đan Mạch đạt được sự tin cậy chính trị rất cao.

Thứ hai, Đan Mạch là quốc gia có quyết tâm cao, có các chính sách quyết liệt, cụ thể nhằm thực hiện mục tiêu đi đầu trong chuyển đổi xanh và phát triển bền vững trên thế giới hiện nay.

Đây cũng là những lĩnh vực mà ta có nhu cầu hợp tác rất lớn trên tinh thần chỉ đạo xác định lấy con người làm trung tâm trong mọi quyết sách, không đánh đổi tăng trưởng bằng mọi giá của “Chiến lược Phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021-2030” được đưa ra tại Đại hội lần thứ XIII của Đảng và “Chiến lược Quốc gia về Tăng trưởng Xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050” được chính phủ phê duyệt tháng 10/2021.

Phía Đan Mạch cũng đánh giá rất cao các cam kết về việc đưa phát thải ròng về “0” vào năm 2050 của Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đưa ra tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (COP26), coi Việt Nam là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu trong quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế Xanh.

Mặc dù là nước nhỏ chỉ với gần 6 triệu dân nhưng Đan Mạch là quốc gia có trình độ phát triển cao hàng đầu thế giới, thậm chí dẫn đầu trong một số lĩnh vực.

Với kinh nghiệm gần 50 năm tiến hành chuyển đổi năng lượng, Đan Mạch đã trở thành một trong những nước đi đầu tại châu Âu và trên thế giới về Chuyển đổi Xanh và năng lượng tái tạo.

Cụ thể, Đan Mạch hiện là nước có thế mạnh về phát triển điện gió ngoài khơi, công nghệ chuyển đổi năng lượng và công nghệ truyền tải, lưu trữ năng lượng tái tạo.

Đây đều là các lĩnh vực mà ngay cả nhiều nước có trình độ khoa học, công nghệ hàng đầu trên thế giới cũng có nhu cầu hợp tác phát triển cùng Đan Mạch.

Do đó, nếu Việt Nam có thể tận dụng được đà phát triển của quan hệ hai nước, đẩy mạnh hợp tác trong các lĩnh vực nói trên sẽ đóng góp cho sự phát triển bền vững của đất nước.

- Xin Đại sứ cho biết trọng tâm hợp tác của Việt Nam với Đan Mạch trong thời gian tới là gì?

Đại sứ Lương Thanh Nghị: Hiện nay, Việt Nam và Đan Mạch đang phối hợp để sớm nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược Xanh trong thời gian sắp tới. Trên cơ sở kết quả hợp tác thời gian qua và tiềm năng hợp tác trong tương lai, tôi cho rằng có một số trọng tâm hợp tác đáng chú ý như sau:

Thứ nhất, tiếp tục làm sâu sắc và củng cố nền tảng vững chắc của quan hệ chính trị-ngoại giao giữa Việt Nam và Đan Mạch, thường xuyên duy trì trao đổi đoàn các cấp, đặc biệt là tiếp xúc cấp cao nhằm tạo tiền đề và định hướng cho hợp tác trong các ngành, lĩnh vực mà bạn có thế mạnh và ta có nhu cầu như chuyển đổi xanh, chuyển đổi số và phát triển bền vững… cũng như mở ra các lĩnh hợp tác mới vì lợi ích cụ thể và thiết thực của mỗi nước.

Thứ hai, thúc đẩy hợp tác liên quan đến kinh tế, thương mại, đầu tư theo hướng ưu tiên các dự án chất lượng cao, bền vững và có giá trị lan tỏa, nhất là trong các lĩnh vực như sản xuất, phát triển năng lượng tái tạo, nông nghiệp công nghệ cao, y tế, vận tải và logistics, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo...

Hiện hầu hết các doanh nghiệp Đan Mạch hoạt động ở trong nước hay ở Việt Nam đã và đang đẩy nhanh quá trình chuyển đổi xanh và thực hiện trách nhiệm xã hội, nhất là bảo vệ môi trường, theo tiêu chí của Chính phủ Đan Mạch.

Điển hình là dự án xây dựng nhà máy trung hòa carbon đầu tiên trên thế giới với tổng mức đầu tư trên 1 tỷ USD mà Lego đang triển khai tại Bình Dương.

Quan he Viet Nam-Dan Mach ngay cang di vao chieu sau va hieu qua hinh anh 3Một góc nhà máy Lego đang xây dựng tại Khu công nghiệp VSIP III tỉnh Bình Dương. (Ảnh: TTXVN phát)

Do đó, việc tạo điều kiện để các doanh nghiệp lớn như Lego và các doanh nghiệp khác làm ăn có hiệu quả tại Việt Nam không chỉ mang lại lợi ích trước mắt là tạo ra công ăn việc làm, đóng góp cho kinh tế Việt Nam mà còn có giá trị lâu dài là khuyến khích, thu hút thêm nhiều doanh nghiệp Đan Mạch cũng như doanh nghiệp các nước khác yên tâm đầu tư vào Việt Nam.

Thứ ba, ưu tiên hợp tác trong các lĩnh vực liên quan đến Tăng trưởng Xanh, phát triển bền vững như phát triển năng lượng tái tạo, cụ thể là điện gió ngoài khơi và phát triển nguồn nhân lực, công nghiệp hỗ trợ trong lĩnh vực này.

Đây là lĩnh vực mà Việt Nam vừa có nhu cầu, vừa có tiềm năng phát triển trong khi Đan Mạch có trình độ khoa học, công nghệ, vốn và kinh nghiệm quản lý cũng như đặc biệt coi trọng và đánh giá cao khát vọng phát triển bền vững của Việt Nam.

Trong bối cảnh hợp tác giữa hai nước còn nhiều dư địa như vậy, Đại sứ quán Việt Nam tại Đan Mạch sẽ không ngừng nỗ lực để trở thành cầu nối giữa người dân và doanh nghiệp hai nước, góp phần vào sự phát triển chung của đất nước cũng như mối quan hệ vừa toàn diện, vừa có tính chiến lược giữa Việt Nam và Đan Mạch.

- Trân trọng cảm ơn Đại sứ./.

Theo www.vietnamplus.vn
https://www.vietnamplus.vn/quan-he-viet-namdan-mach-ngay-cang-di-vao-chieu-sau-va-hieu-qua/895132.vnp
Copy Link
https://www.vietnamplus.vn/quan-he-viet-namdan-mach-ngay-cang-di-vao-chieu-sau-va-hieu-qua/895132.vnp

    Nổi bật

        Mới nhất
        Quan hệ Việt Nam-Đan Mạch ngày càng đi vào chiều sâu và hiệu quả
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO