Đại sứ Vương quốc Anh tại Việt Nam Iain Frew tiễn Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng lên đường tham dự Lễ đăng quang của Nhà vua Anh Charles III. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)
Nhận lời mời của Hoàng gia Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ailen, từ ngày 4 đến 6/5, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Võ Văn Thưởng sẽ dẫn đầu Đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Lễ đăng quang của Nhà vua Anh Charles III diễn ra tại Vương quốc Anh.
Sự kiện này đặc biệt có ý nghĩa trong bối cảnh năm 2023 hai nước kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, góp phần tăng cường nền tảng chính trị thuận lợi cho thúc đẩy hợp tác nhiều mặt giữa hai nước.
Phát triển sâu sắc quan hệ chính trị-ngoại giao
Ngày 11/9/1973, Vương quốc Anh là một trong những nước phương Tây đầu tiên thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam trong bối cảnh Việt Nam vẫn đang tiến hành cuộc đấu tranh giành độc lập và thống nhất đất nước.
Trải qua chiều dài lịch sử, đặc biệt kể từ khi hai nước quyết định nâng quan hệ lên đối tác chiến lược vào năm 2010, quan hệ Việt Nam-Anh đã có những bước phát triển mạnh mẽ.
Năm 2020, Bộ trưởng Ngoại giao hai nước đã ra Tuyên bố chung nhân kỷ niệm 10 năm thiết lập quan hệ đối tác chiến lược (2010-2020) với tầm nhìn hướng tới nâng cấp quan hệ lên mức cao hơn.
Từ năm 2021, dù có những khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, phía Anh vẫn cử nhiều đoàn lãnh đạo cấp cao sang thăm Việt Nam, như Bộ trưởng Ngoại giao Dominic Raab (tháng 6/2021); Bộ trưởng Quốc phòng Ben Wallace (tháng 7/2021); Bộ trưởng Chính phủ Anh-Chủ tịch Hội nghị lần thứ 26 các Bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đối khí hậu (COP26)-Alok Kumar Sharma (tháng 2/2022)...
Về phía Việt Nam có Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự COP26, thăm và làm việc tại Vương quốc Anh (tháng 11/2021), Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thăm chính thức Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland (tháng 6/2022).
Hai bên cũng tăng cường hợp tác và phối hợp chặt chẽ với nhau trên các diễn đàn đa phương và tổ chức quốc tế, nhất là tại Liên hợp quốc (UN), Diễn đàn hợp tác Á-Âu (ASEM), Hiệp hội các quốc gia Ðông Nam Á (ASEAN), Liên minh châu Âu (EU), Tổ chức Thương mại thế giới (WTO)... Hai bên cùng là thành viên Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2014-2016.
Anh thúc đẩy hợp tác và tranh thủ vai trò Chủ tịch ASEAN 2020 của Việt Nam để mở rộng quan hệ với ASEAN; Việt Nam ủng hộ đề nghị Anh trở thành Đối tác đối thoại của ASEAN.
Hiện Anh đã đề nghị gia nhập Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) (tháng 2/2021) và mong muốn Việt Nam ủng hộ.
Hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư mang lại lợi ích thực chất
Hợp tác thương mại-đầu tư là điểm sáng và cũng là trụ cột ưu tiên trong quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam-Anh. Vương quốc Anh hiện là đối tác thương mại lớn thứ 3 tại thị trường châu Âu, thị trường xuất khẩu lớn thứ 9 của Việt Nam và là nhà đầu tư quan trọng của châu Âu tại Việt Nam.
Trong giai đoạn từ 2010-2018, tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất nhập khẩu song phương Việt-Anh tăng trung bình 17,8%/năm, cao hơn mức trung bình chung của Việt Nam 10%/năm, trong đó Việt Nam liên tục xuất siêu.
Việc ký Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam với Vương quốc Anh và Bắc Ireland (UKVFTA) vào cuối năm 2020 đã giúp kim ngạch thương mại giữa hai nước tăng gần 11% từ năm 2020 đến năm 2021. Tổng kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Anh năm 2022 đạt 6,83 tỷ USD, tăng 3,4% so với năm 2021 và tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam sang Anh năm 2022 đạt 6,06 tỷ USD, tăng 5,2% so với năm 2021.
Các mặt hàng xuất khẩu lợi thế của Việt Nam sang Anh bao gồm thủy hải sản, gỗ và các sản phẩm gỗ, hàng dệt may, giày dép, thiếc, máy vi tính, điện thoại và linh kiện điện tử…; các sản phẩm nhập khẩu chính từ Anh là máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất, dược phẩm, hóa chất…
Hợp tác đầu tư đạt được tăng trưởng ấn tượng. Tính đến hết tháng 4/2023, Anh có 519 dự án còn hiệu lực đầu tư vào Việt Nam, với tổng số vốn đăng ký đạt khoảng 4,2 tỷ USD, đứng thứ 15/143 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam. Các dự án đầu tư của Anh có quy mô vừa và nhỏ, tập trung vào các lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo; lĩnh vực kinh doanh bất động sản; lĩnh vực khai khoáng; bán buôn bán lẻ; sửa chữa ô tô, mô tô; dịch vụ lưu trú và ăn uống...
Về hợp tác phát triển, Anh là một trong những nhà tài trợ hàng đầu của Việt Nam (50 triệu bảng Anh/năm cho giai đoạn 2006-2010), đã hoàn thành Thỏa thuận về Đối tác phát triển (ADP) 10 năm với Việt Nam giai đoạn 2006-2015.
Mặc dù từ năm 2016, Anh dừng cung cấp viện trợ phát triển ODA, nhưng Anh vẫn duy trì hỗ trợ cho Việt Nam qua các quỹ phát triển như Quỹ Thịnh vượng, Quỹ Newton, tiếp tục hỗ trợ Việt Nam phát triển công nghệ, nghiên cứu và đổi mới sáng tạo, tăng cường quản trị công, cải thiện môi trường kinh doanh, tăng trưởng xanh, năng lượng tái tạo...
Tiếp tục vun đắp và nâng tầm quan hệ Việt Nam-Anh
Việt Nam và Vương quốc Anh không ngừng củng cố quan hệ hợp tác chặt chẽ trong các vấn đề toàn cầu, đặc biệt là ứng phó với biến đổi khí hậu. Hai nước đang hợp tác để hướng tới Chương trình Chuyển dịch Năng lượng công bằng (JETP); hợp tác chặt chẽ và hiệu quả trên các diễn đàn quốc tế và khu vực.
Việt Nam và Anh luôn coi trọng và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tôn trọng và duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, cũng như bảo đảm tự do hàng hải và hàng không tại Biển Đông phù hợp với luật pháp quốc tế, coi Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS 1982) là khuôn khổ pháp lý cho tất cả các hoạt động trên biển và đại dương.
Trong lĩnh vực y tế, Việt Nam và Vương quốc Anh đã và đang triển khai các hoạt động hợp tác rất tích cực và hiệu quả thông qua các cơ quan thuộc Chính phủ, các tổ chức phi Chính phủ và các quỹ của Anh. Đặc biệt, trong bối cảnh đại dịch COVID-19, Anh tích cực hỗ trợ Việt Nam trong tiếp cận vaccine và y tế nói chung khi Anh là một trong những nước đi đầu trong nghiên cứu và chế tạo vaccine phòng, chống dịch bệnh.
Vaccine AstraZeneca của Anh là loại vaccine đầu tiên được Bộ Y tế cấp phép lưu hành tại Việt Nam. Anh hỗ trợ Việt Nam, đưa Việt Nam vào danh sách ưu tiên của Anh về cung cấp vaccine phòng, chống dịch COVID-19 để góp phần bảo đảm chương trình tiêm chủng của Việt Nam diễn ra thành công.
Cuối tháng 7/2021, Anh tuyên bố cung cấp song phương cho Việt Nam 415.000 liều vaccine đầu tiên trong tổng số 100 triệu liều vaccine AstraZeneca do Chính phủ Anh hỗ trợ toàn cầu (bên cạnh cơ chế COVAX mà Anh là một trong những nước đóng góp nhiều nhất).
Mối quan hệ tương tác giữa nhân dân hai nước thông qua giáo dục là một trong những khía cạnh quan trọng nhất trong quan hệ song phương Việt Nam-Anh.
Anh hiện là đối tác hàng đầu của Việt Nam với 74 chương trình giáo dục xuyên quốc gia của 23 trường đại học Anh quốc giúp Việt Nam đào tạo hàng chục nghìn sinh viên bậc đại học và sau đại học ngay tại Việt Nam.Về du học, hiện có khoảng hơn 12.000 học sinh, sinh viên Việt Nam đang học tại Anh.
Cộng đồng người Việt tại Anh có khoảng 110.000 người, nhìn chung sống hòa nhập, ổn định, có những hoạt động tích cực, góp phần củng cố đoàn kết cộng đồng và hướng về xâydựng quê hương.
Tại Hội thảo quốc tế “50 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam-Vương quốc Anh: Thành tựu và triển vọng” (ngày 21/3/2023), ông Phan Anh Sơn, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, đã khẳng định trong suốt 50 năm qua, mối quan hệ đó không ngừng được củng cố và phát triển, đặc biệt sau khi hai nước ký kết Tuyên bố chung chính thức nâng tầm quan hệ lên đối tác chiến lược đã mở ra nhiều khuôn khổ, cơ chế hợp tác giữa hai nước như đối thoại chiến lược, Ủy ban hỗn hợp hợp tác về Kinh tế và Thương mại, Nhóm công tác về Quốc phòng...
Hai nước không ngừng thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực quan trọng như an ninh-quốc phòng, hợp tác phát triển, giáo dục-đào tạo, khoa học công nghệ, phát triển bền vững, giao lưu nhân dân, tạo nền tảng vững chắc cho việc phát triển quan hệ song phương. Có thể nói quan hệ hữu nghị giữa hai nước đang ở thời kỳ phát triển rất tốt đẹp.
Về phần mình, Phó Đại sứ Anh tại Việt Nam Marcus Winsley nhận định, quan hệ giữa Việt Nam và Anh đang ở thời điểm tốt đẹp nhất trong 50 năm qua.
Bối cảnh dịch COVID-19 chính là thời điểm hai nước nâng tầm hợp tác lên tầm cao mới trên nhiều lĩnh vực từ chính trị, kinh tế, giáo dục, an ninh, quốc phòng, đặc biệt là trong lĩnh vực phòng, chống mua bán người và xử lý tội phạm xuyên biên giới.
Cũng tại Hội thảo quốc tế “50 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam-Vương quốc Anh: Thành tựu và triển vọng," Phó Đại sứ Marcus Winsley khẳng định Vương quốc Anh sẵn sàng hợp tác, hỗ trợ Chính phủ Việt Nam trong lĩnh vực nâng cao năng lực tiếng Anh cho người dân. Ông cũng cho rằng thời gian tới, hai nước cần chia sẻ hơn nữa thông tin về thu hút đầu tư, mở cửa thị trường, phát triển công nghệ, nhằm thực hiện cam kết về phát triển bền vững, đảm bảo mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050; đồng thời hợp tác để hướng tới JETP.
Còn Giám đốc Chương trình châu Á-Thái Bình Dương và quan hệ song phương Anh-Việt, Viện nghiên cứu Chatham House, ông Ben Bland, lại nêu một số gợi ý để đẩy mạnh quan hệ giữa hai nước trong thời gian tới.
Theo ông, hai nước có nhiều điểm chung, tương đồng nhưng cũng có một số điểm khác biệt. Do vậy, hai bên cần thẳng thắn, trung thực trao đổi về những điểm khác biệt này, bên cạnh đó là tìm những điểm chung, những lĩnh vực có thể phát huy tối đa mối quan hệ hợp tác song phương.
Ông Ben Bland nhấn mạnh song hành cùng với chính phủ hai nước làm cho quan hệ Việt Nam-Anh có thể đạt tới tầm cao mới, không chỉ có các cơ quan nhà nước, chính phủ, mà còn có các cơ quan nghiên cứu, các trường đại học, hiệp hội. Những cơ quan này có thể góp sức để đưa ra những sáng kiến tiếp tục vun đắp và nâng tầm quan hệ Việt Nam-Anh...
Nhìn lại 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Vương quốc Anh, có thể thấy rằng mối quan hệ tin cậy giữa hai nước đã mang lại nhiều lợi ích to lớn và lâu dài cho nhân dân hai nước. Và sự kiện Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng dẫn đầu Đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Lễ đăng quang của Nhà vua Anh Charles III diễn ra tại Vương quốc Anh tới đây sẽ góp phần làm sâu sắc hơn nữa quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước./.