Quan chức Italy: Chính sách tiền tệ hiện nay của ECB là đúng đắn

(Vietnam+)| 05/06/2023 20:27

Thống đốc Ngân hàng Trung ương Italy cho rằng dẫu chính sách tiền tệ của ECB hiện hành là phù hợp nhưng nó cần đi kèm với chính sách tài khóa khôn ngoan và trách nhiệm từ các đối tác xã hội.

Quan chuc Italy: Chinh sach tien te hien nay cua ECB la dung dan hinh anh 1Đồng euro. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo Thống đốc Ngân hàng Trung ương Italy Ignazio Visco, đồng thời là thành viên của Hội đồng Quản trị Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), chính sách tiền tệ mà ECB đang theo đuổi là phù hợp với tình hình.

Đúng đắn, phù hợp dù tăng lãi suất

Phát biểu tại phiên họp có chủ đề "Italy, châu Âu và sự bất ổn kinh tế - các chính sách toàn cầu" ở thành phố Turin vào ngày 4/6, ông Visco khẳng định: Mặc dù thực hiện cách tiếp cận dần tăng lãi suất, chính sách tiền tệ hiện nay của ECB là đúng đắn để kiểm soát các yếu tố thúc đẩy nhu cầu và đáp ứng mục tiêu ổn định giá cả.

Ông nói thêm rằng lạm phát cơ bản có thể giảm do chi phí năng lượng giảm.

Trước đó, đầu tháng 5, ECB đã công bố quyết định tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản lên mức 3,25%, do lạm phát tại Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đang chậm lại với triển vọng ổn định.

Đây là lần tăng lãi suất thứ 7 liên tiếp của ECB kể từ tháng 7/2022 để ứng phó với lạm phát cao kéo dài.

Nhiều khả năng ECB sẽ tiếp tục theo đuổi chính sách này để kiềm chế lạm phát trong bối cảnh áp lực giá cả vả tiền lương tăng cao.

Các số liệu mới nhất được Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat) công bố cho thấy tỷ lệ lạm phát tại Eurozone trong tháng Ba ở mức tăng 6,9% so với cùng kỳ năm ngoái.

Con số này thấp hơn so với mức dự báo 7,1% mà hãng tin Bloomberg và công ty dữ liệu tài chính FactSet đưa ra trước đó, đồng thời hạ nhiệt đáng kể so với mức 8,5% trong tháng Hai. Đây cũng là mức tăng lạm phát thấp nhất trong vòng một năm qua của Eurozone.

Trong các dự báo gần đây nhất, ECB cho rằng lạm phát ở Eurozone sẽ ở mức trung bình 5,3% vào năm 2023, cao hơn nhiều so với mục tiêu 2%. Sau đó, lạm phát dự báo sẽ giảm xuống 2,9% vào năm 2024 và 2,1% vào năm 2025.

Tuy nhiên, ông Ignazio Visco nhấn mạnh, mặc dù chính sách tiền tệ hiện hành của Ngân hàng Trung ương châu Âu là phù hợp nhưng cần đi kèm với chính sách tài khóa khôn ngoan và trách nhiệm từ các đối tác xã hội.

Toàn cầu hóa là "một quá trình phi thường"

Thống đốc Ngân hàng Trung ương Italy chỉ ra trước đây có khoảng 2 tỷ người sống dưới mức nghèo khổ cùng cực, trong khi ngày nay con số này là 700 triệu người, tức chưa đến 10% dân số toàn cầu.

Theo ông Visco, những thay đổi tiêu cực đã ảnh hưởng đến một bộ phận lớn tầng lớp trung lưu ở các nước tiên tiến, trong khi phần còn lại của thế giới "đã phát triển vượt bậc."

"Nhưng, tại Italy và châu Âu, nhiều người vẫn chưa nhận thức được tầm quan trọng của sự đổi mới, kể cả trong lĩnh vực ôtô. Ông cho hay trong lĩnh vực ôtô điện, Italy và châu Âu đã bị tụt lại sau. Còn trong quá trình đổi mới kỹ thuật số, châu Âu cũng chắc chắn không còn đóng vai trò lãnh đạo," ông Visco nhận định.

Theo đó, toàn cầu hóa là "một quá trình phi thường," tuy nhiên cần những thay đổi rất mạnh mẽ, mang tới cả lợi ích lẫn phí tổn.

Trong số những lợi ích, ông Visco trích dẫn việc các nước mở cửa thị trường và sự đổi mới “phi thường" trong lĩnh vực công nghệ. Tuy nhiên, đó không phải là một con đường đầy hoa.

Ông Visco chỉ ra rằng đã có những biến đổi rất tiêu cực, trong đó khí hậu là một trong những thay đổi rõ ràng nhất có liên quan đến tiến bộ kinh tế. Vì tình trạng ô nhiễm đa phần liên quan đến hoạt động sản xuất sử dụng nhiều năng lượng có nguồn gốc từ nhiên liệu hóa thạch.

Kết luận cho những luận điểm của mình, ông Visco cho rằng, Italy và châu Âu có thể đóng vai trò lãnh đạo trong nhiều lĩnh vực với điều kiện có “sự thống nhất, gắn kết và mục tiêu chung."/.

Theo www.vietnamplus.vn
https://www.vietnamplus.vn/quan-chuc-italy-du-tang-lai-suat-chinh-sach-tien-te-cua-ecb-dung-dan/866531.vnp
Copy Link
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quan chức Italy: Chính sách tiền tệ hiện nay của ECB là đúng đắn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO