"Quả ngọt" từ công tác giảm nghèo
Trải qua 20 năm tái lập tỉnh, nhờ cách làm hay, sáng tạo, linh hoạt, công tác giảm nghèo của Đắk Nông đứng đầu khu vực Tây Nguyên và gặt hái nhiều “quả ngọt”.
Sau nhiều năm sống trong căn nhà tạm bợ, tháng 1/2024, gia đình anh Y Quyền, xã Trường Xuân, huyện Đắk Song được ở trong ngôi nhà mới do các cấp hội cựu chiến binh trao tặng. Niềm vui được nhân lên khi gia đình anh đã chính thức thoát nghèo, tạo động lực để vợ chồng anh cố gắng làm ăn, không còn nguy cơ tái nghèo.
Anh Y Quyền phấn khởi cho biết: Tôi sẽ tập trung để làm ăn, tích lũy để có thể trả được số tiền vay mượn làm nhà và cho con cái đi học”.
Cũng như gia đình anh Y Quyền, trong 20 năm qua, hàng ngàn hộ dân khác của tỉnh Đắk Nông đã thoát nghèo. Kết quả này cho thấy công tác giảm nghèo luôn được Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ VN tỉnh xác định là nhiệm vụ quan trọng.
Tỉnh Đắk Nông đề ra và thực hiện nhiều phong trào, chương trình hành động như “Đắk Nông chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”; “Tết Nhân ái - Lan tỏa yêu thương”, “Chợ Tết Nhân ái”…. Thông qua các chương trình này, công tác giảm nghèo đã thu hút sự vào cuộc của các tổ chức, doanh nghiệp và người dân.
Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Đắk Nông, năm 2023, mặc dù không đạt chỉ tiêu giảm nghèo chung, nhưng tỷ lệ giảm nghèo đồng bào DTTS vượt chỉ tiêu đề ra và đứng đầu trong khu vực Tây Nguyên. Năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo chung của tỉnh Đắk Nông giảm 2,79%, riêng tỷ lệ hộ nghèo đồng bào DTTS tại chỗ giảm 8,1% (kế hoạch là 5%). Tính cả giai đoạn 20 năm tái lập tỉnh, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm từ 33,73% năm 2004 xuống còn 5,18% năm 2023.
Có 3 yếu tố chính tác động đến kết quả giảm nghèo của tỉnh. Đó là vai trò của Nhà nước; vai trò của cộng đồng xã hội và bản thân các hộ nghèo chủ động vươn lên thoát nghèo.
Vai trò của Nhà nước được thể hiện thông qua việc xây dựng và ban hành kịp thời các chủ trương, chính sách hỗ trợ cho hộ nghèo, cận nghèo.
Vai trò của cộng đồng xã hội trong công tác giảm nghèo được thể hiện ở việc, các cấp, các ngành, các tổ chức hội đoàn thể trong tỉnh đã có nhiều mô hình hỗ trợ hộ nghèo như “5 cán bộ, đảng viên giúp một hộ dân thoát nghèo”, “Mẹ đỡ đầu”, hay phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”…
Yếu tố tiên quyết, tác động tích cực nhất đó chính là ý chí chủ động vươn lên của người dân. Nhiều hộ sử dụng và phát huy hiệu quả nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước và cộng đồng xã hội; thay đổi nếp nghĩ, cách làm, mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất…
Ông Hoàng Viết Nam, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Đắk Nông cho biết, năm 2024, Đắk Nông phấn đấu tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 2% trở lên, riêng tỷ lệ hộ nghèo đồng bào DTTS tại chỗ giảm từ 4% trở lên.
“Để đạt được mục tiêu trên, giải pháp của tỉnh là đẩy mạnh tuyên truyền về công tác giảm nghèo, khơi dậy ý chí chủ động vươn lên của người dân. Bên cạnh đó, các địa phương tiếp tục lồng ghép, phát huy hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia; tăng cường huy động nguồn lực đầu tư cho các thôn, bon có tỷ lệ nghèo cao; tạo cơ hội để người nghèo được tiếp cận trực tiếp các dịch vụ xã hội cơ bản, qua đó thực hiện hiệu quả nhiệm vụ giảm nghèo bền vững”, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Đắk Nông nói về nhiệm vụ trong thời gian tới.