Quả ngọt trên vùng đất núi lửa Đắk Nông
Xoài Đắk Gằn huyện Đắk Mil (Đắk Nông) mang hương vị ngọt ngào đặc trưng, không chỉ trở thành niềm tự hào của người dân địa phương mà còn góp phần quảng bá Công viên Địa chất toàn cầu (CVĐCTC) UNESCO Đắk Nông đến bạn bè quốc tế.
Vườn xoài ở xã Đắk Gằn, huyện Đắk Mil (Đắk Nông) là điểm đến số 18, thuộc Tuyến 2 “Bản giao hưởng của làn gió mới”, CVĐCTC UNESCO Đắk Nông.
Hương vị ngọt ngào từ vùng núi lửa
Từ nhiều năm nay, mảnh đất Đắk Gằn, huyện Đắk Mil (Đắk Nông) được biết đến là một vùng chuyên canh cây xoài. Người dân sản xuất chủ yếu các loại xoài Đài Loan, xoài Thái, xoài ba mùa, xoài Úc… Ngoài sản lượng cao, xoài Đắk Gằn còn nổi tiếng bởi chất lượng.
Điều đáng ngạc nhiên là đất bazan ở khu vực này không thuận lợi cho các loại cây công nghiệp, cây ăn trái như cà phê, hồ tiêu, sầu riêng nhưng lại phù hợp với cây xoài.
Đất ở đây chủ yếu được phong hóa từ các loại đá trầm tích. Nền đất chủ yếu là đá phiến, cát kết, bột kết bị phong hóa mạnh, có nguồn nước ngầm dồi dào với độ sâu và thoát nước tốt, phù hợp với sự phát triển của cây xoài.
Bao phủ trên nền đất này là lớp đất bazan mỏng sẫm màu, giàu sắt, có độ dày từ 30 - 50cm xuất hiện do sự phun trào núi lửa cách đây từ 200.000 – 300.000 năm trước, cung cấp thêm dinh dưỡng cho sự sinh trưởng, phát triển của cây xoài. Từ đó làm nên hương vị, chất lượng riêng của cây xoài nơi đây.
Xoài Đắk Gằn có hương vị ngọt, thơm đặc trưng. Rễ xoài vươn sâu xuống lòng đất để hấp thụ nước và các dưỡng chất, vì thế cây vẫn có thể sống tốt trong điều kiện khô hạn kéo dài. Cây xoài sau khi trồng ba năm là có thể cho quả.
Gia đình ông Trần Văn Khuôn, thôn Tân Lập là một trong những hộ gia đình đầu tiên trồng xoài ở xã Đắk Gằn, huyện Đắk Mil. Vườn xoài này rộng hơn 2ha và được trồng cách đây gần 20 năm. Gia đình ông sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP để tạo ra những sản phẩm có chất lượng cao. Hiện nay, vườn xoài nhà ông cho thu nhập mỗi năm 3 vụ, đem đến nguồn thu từ 300 - 500 triệu đồng/ha/năm.
Xoài Đắk Gằn nổi bật với hương vị ngọt ngào và thơm ngon đặc trưng. Trái xoài có màu vàng óng, thịt dày, ít xơ và hạt nhỏ. Vì vậy xoài đem từ vùng khác về là biết ngay. Hương vị của xoài Đắk Gằn không chỉ làm hài lòng người tiêu dùng trong nước mà còn được ưa chuộng tại các thị trường quốc tế.
Ông Trần Văn Khuôn, thôn Tân Lập, xã Đắk Gằn, huyện Đắk Mil
Việc trồng xoài Đắk Gằn đã mang lại nhiều lợi ích kinh tế cho người dân địa phương. Nhờ cây xoài, đời sống kinh tế của gia đình ông Khuôn cũng như nhiều người dân nơi đây được nâng cao, tạo thêm nhiều việc làm và cải thiện thu nhập.
Sản phẩm OCOP tiêu biểu
Cây xoài được một số hộ dân từ tỉnh Đồng Nai đem đến và trồng thí điểm tại xã Đắk Gằn vào khoảng những năm 1998 – 2000. Các mô hình thí điểm đều thành công và đem lại hiệu quả kinh tế cao. Nhiều hộ nông dân trong xã sau đó đã học theo và chuyển đổi cơ cấu cây trồng.
Nhận thấy tiềm năng kinh tế từ loại cây này với chất lượng xoài vượt trội, nhiều hộ nông dân trong xã sau đó đã học theo và chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Đến nay, xã Đắk Gằn là nơi có diện tích trồng xoài nhiều nhất tỉnh Đắk Nông với hơn 1.550 ha xoài. Xoài trở thành cây trồng chủ lực, mang lại nguồn thu nhập chính cho người dân nơi đây.
Đắk Gằn được huyện Đắk Mil xây dựng thành vùng sản xuất xoài ứng dụng công nghệ cao với 343 ha. Địa phương hỗ trợ người dân thành lập 3 tổ chức sản xuất xoài gồm: HTX Nông nghiệp, Thương mại và Dịch vụ (NN-TM&DV) xoài Đắk Gằn; Tổ hợp tác trồng xoài thôn Tân Lợi; Hội xoài VietGAP Đắk Gằn với hơn 250 hộ dân tham gia.
Xoài được người dân áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt, bón phân qua hệ thống, phòng trừ bệnh tổng hợp, liên kết chuỗi giá trị, kết nối thị trường... vào sản xuất, tiêu thụ.
Xoài Đắk Gằn được cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ của huyện Đắk Mil. Sản phẩm xoài của HTX NN-TM&DV xoài Đắk Gằn đã đạt chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh.
HTX có gần 20 thành viên chính thức và liên kết với hơn 220 hộ thuộc Hội xoài VietGAP Đắk Gằn để sản xuất xoài. Trong đó, có 70 hộ đã được cấp mã vùng trồng xoài. HTX đang có vùng nguyên liệu xoài rộng hơn 340 ha, đều đã được chứng nhận VietGAP. Hiện nay, HTX sản xuất 5 loại sản phẩm xoài chủ yếu là xoài Đài Loan xanh, xoài Đài Loan đỏ, xoài Thái, xoài ba mùa và xoài Úc
Bà Trần Thị Hà, Phó Giám đốc HTX NN-TM&DV xoài Đắk Gằn, huyện Đắk Mil
Theo bà Trần Thị Hà, Phó Giám đốc HTX NN-TM&DV xoài Đắk Gằn, huyện Đắk Mil, các biện pháp canh tác bền vững như sử dụng phân bón hữu cơ và kiểm soát sâu bệnh bằng phương pháp sinh học đã được các thành viên HTX áp dụng rộng rãi.
Sản xuất xoài theo tiêu chuẩn VietGAP bảo đảm được chất lượng sản phẩm, giúp nhiều khách hàng yên tâm lựa chọn. Với niềm tự hào là điểm tham quan của CVĐCTC UNESCO Đắk Nông, HTX đã và đang có sự đầu tư, chuẩn bị chu đáo để phục vụ khách du lịch.
Xoài Đắk Gằn không chỉ là một sản phẩm nông nghiệp mà còn là niềm tự hào của người dân địa phương. Với năng suất từ 15 đến 20 tấn/ha/năm, xoài Đắk Gằn được xem là cây trồng giúp người dân xóa đói, giảm nghèo hiệu quả.
Địa phương hỗ trợ xây dựng vùng nguyên liệu để mở rộng sản xuất, đáp ứng tính trải vụ; ưu tiên định hướng sản phẩm tươi phát triển thành các sản phẩm chế biến, chế biến sâu để gia tăng giá trị đầu ra cho sản phẩm, có sức cạnh tranh trên thị trường. Đồng thời hỗ trợ các sản phẩm được sản xuất theo các tiêu chuẩn sản xuất, chất lượng như VietGAP, Global GAP, Organic, HACCP,...
Điểm đến hấp dẫn trên hành trình khám phá CVĐC
CVĐCTC UNESCO Đắk Nông đã xây dựng 3 tuyến du lịch là “Trường ca của Lửa và Nước”; “Bản giao hưởng của Làn gió mới” và “Âm vang từ Trái đất” nhằm khai thác tốt nhất giá trị di sản, các tiềm năng, lợi thế của địa phương. Trên hành trình 41 điểm tham quan nổi bật của 3 tuyến có các mô hình nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp canh nông.
Và một trong những điểm tham quan nổi bật của tuyến du lịch “Bản giao hưởng của Làn gió mới” chính là Vườn xoài ở xã Đắk Gằn, huyện Đắk Mil. Không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân, xoài Đắk Gằn còn góp phần tạo ra một sản phẩm du lịch đặc sắc.
Gần 20 năm gắn bó với cây xoài, người dân tin tưởng rằng việc phát triển du lịch canh nông gắn với CVĐCTC UNESCO Đắk Nông sẽ giúp họ quảng bá thương hiệu xoài Đắk Gằn, trở thành đặc sản của miền cao nguyên M’nông.
Hiện nay, vườn xoài của gia đình bà Nguyễn Thị Thuê ở thôn Tân Lợi, xã Đắk Gằn được trồng từ năm 2008 trên diện tích 1,3ha là điểm tham quan thuộc tuyến 2, Bản giao hưởng của Làn gió mới, CVĐCTC UNESCO Đắk Nông.
Nhiều năm nay, cây xoài được gia đình tôi trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, mang lại nguồn thu nhập khá. Rất vui mừng khi vườn xoài của gia đình được chọn làm điểm tham quan trên tuyến du lịch CVĐCTC UNESCO Đắk Nông. Gia đình tôi cũng đang tiếp tục cải tạo vườn xoài tốt hơn để tiếp đón du khách đến tham quan.
Bà Nguyễn Thị Thuê, thôn Tân Lợi, xã Đắk Gằn, huyện Đắk Mil
Hiện nay, xoài là một trong những nông sản nổi bật trên quê hương của CVĐCTC UNESCO Đắk Nông. Các vườn xoài ở xã Đắk Gằn là một trong những điểm đến để du khách tham quan, trải nghiệm, thưởng thức cây trái ngọt lành khi đến với Đắk Nông.
Những năm gần đây, để đáp ứng nhu cầu thị trường và phục vụ khách du lịch tham quan, các hộ dân đặc biệt chú trọng đầu tư nâng cao chất lượng cũng như hình thức sản phẩm. Quả xoài từ khi còn nhỏ đã được bao bọc cẩn thận để chống côn trùng chích hút, bảo đảm sản phẩm an toàn, mẫu mã đẹp. Các chủ vườn còn cắt tỉa tạo dáng cho cây xoài, sửa sang vườn tược sạch đẹp, sẵn lòng phục vụ khách tham quan.
Những vườn xoài nằm yên bình, xanh ngắt sẽ là điểm đến lý tưởng cho những ai muốn tạm quên cái ồn ào của phố thị để hòa mình vào thiên nhiên trong không gian yên tĩnh, trong lành.
Đến đây, du khách sẽ có cơ hội tìm hiểu về đặc điểm thổ nhưỡng, giá trị kinh tế của cây xoài qua lời kể của những người nông dân mến khách. Du khách vừa thưởng thức trái cây thơm ngon vừa có cơ hội tìm hiểu thêm về địa chất - đặc biệt là đá nền, lớp phủ bazan và đá cột bazan đặc trưng của vùng CVĐCTC UNESCO Đắk Nông.
Là một phần của cao nguyên M’nông nên thơ, hùng vĩ, CVĐCTC UNESCO Đắk Nông là nơi hội tụ các giá trị tiêu biểu về địa chất địa mạo, khảo cổ, văn hóa và đa dạng sinh học đặc trưng của khu vực. Trong đó, những lợi thế về khí hậu, ưu thế về đất đai, thổ nhưỡng đã góp phần làm nên sản phẩm du lịch canh nông.
Tham quan, thưởng thức vị ngọt của xoài Đắk Gằn kết hợp với khám phá CVDDCTC UNESCO Đắk Nông là loại hình du lịch mới mẻ nhưng nó đã góp phần khẳng định giá trị đặc trưng của các sản phẩm nông nghiệp tại địa phương, hứa hẹn là một điểm thu hút du khách trong và ngoài nước trong tương lai.