Qua hai năm thực hiện “Đề án phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi”: Chú trọng đầu tư cho giáo dục mầm non

Nguyễn Hiền| 30/03/2012 10:45

Thực hiện Quyết định số 239/QĐ-TTg của Thủ Tướng Chính phủ về “Đề án phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, giai đoạn 2010-2015”, trong thời gian qua, tỉnh ta đã tích cực triển khai nhiều giải pháp đồng bộ nhằm từng bước đạt được các mục tiêu đề ra...

Thực hiện Quyết định số 239/QĐ-TTg của Thủ Tướng Chính phủ về  “Đề án phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, giai đoạn 2010-2015”, trong thời gian qua, tỉnh ta đã tích cực triển khai nhiều giải pháp đồng bộ nhằm từng bước đạt được các mục tiêu đề ra. Theo đó, cùng với việc hoàn thiện cơ chế chính sách, nhất là chế độ cho đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên mầm non, UBND tỉnh đã tăng cường ngân sách cũng như huy động mọi nguồn lực xã hội chú trọng đầu tư cho giáo dục mầm non. Các huyện, thị xã cũng thành lập Ban chỉ đạo, lên kế hoạch cụ thể, phù hợp với điều kiện của địa phương để thực hiện đề án một cách hiệu quả nhất. Không những chú trọng quy hoạch mạng lưới trường lớp một cách phù hợp, đúng với tinh thần của đề án, mà các địa phương còn thực hiện tốt chức năng quản lý Nhà nước về giáo dục, tăng cường kiểm tra, quản lý chặt chẽ các cơ sở giáo dục mầm non trên địa bàn, nhất là các cơ sở mầm non ngoài công lập, nhóm trẻ gia đình. 

Giờ học của trẻ ở Trường mầm non Hoa Bưởi, thị xã Gia Nghĩa. Ảnh: Ngọc Tâm

Về phía Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) cũng đã chỉ đạo đến các Phòng GD-ĐT tham mưu cho chính quyền địa phương xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai kế hoạch phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi. Các cơ sở giáo dục phân công giáo viên hướng dẫn cụ thể cách ghi biểu mẫu, công tác điều tra, tổng hợp và báo cáo về số lượng trẻ trong độ tuổi trên địa bàn cho các trưởng thôn, buôn, bon và tổ dân phố. Nhờ đó, đến nay, hầu hết các ban phổ cập cấp xã, phường, thị trấn đã tiến hành điều tra và tổng hợp báo cáo xong số trẻ trong độ tuổi trên địa bàn, tiến hành cập nhật hồ sơ phổ cập theo đúng yêu cầu đề ra của đề án. Theo hướng dẫn của trên, các cơ sở giáo dục mầm non thực hiện có hiệu quả việc mua sắm, sử dụng, bảo quản đồ dùng, đồ chơi, thiết bị dạy học theo danh mục đã phê duyệt nhằm nâng cao hiệu quả của nguồn vốn đầu tư. Hàng năm, từ nguồn kinh phí của đề án là trên 19 tỷ đồng, ngành Giáo dục đã tiến hành phân bổ thực hiện các hạng mục như: xây dựng phòng học, phòng chức năng; mua sắm trang thiết bị, đồ chơi tối thiểu trong lớp và ngoài trời, thiết bị làm quen tin học; hỗ trợ tiền ăn trưa cho trẻ 5 tuổi vùng khó khăn và xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia. Đối với những vùng khó khăn, ngành tập trung đầu tư kinh phí để xây dựng cơ sở vật chất trường lớp, đảm bảo cho trẻ 5 tuổi được học 2 buổi/ngày. Chương trình giáo dục mầm non mới cũng được tiến hành một cách có hiệu quả. Đến nay, toàn tỉnh đã có 89/89 trường mầm non thực hiện chương trình giáo dục mầm non mới và đều tổ chức đánh giá, rút kinh nghiệm nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ. Các cơ sở giáo dục mầm non cũng chủ động, sáng tạo trong việc thực hiện chương trình, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, bảo đảm chất lượng nuôi dưỡng, bảo vệ sức khỏe và tổ chức các hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ. 100% các cơ sở giáo dục mầm non thực hiện nghiêm túc việc cân, đo theo dõi sức khỏe trẻ bằng biểu đồ tăng trưởng của Tổ chức Y tế thế giới nên số trẻ bị suy dinh dưỡng cũng đã giảm đáng kể qua từng năm.

Có thể nói, nhờ tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp nên qua hai năm thực hiện “Đề án phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi”, tỉnh ta đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Tỷ lệ trẻ mẫu giáo đến trường hàng năm đạt trên 82%. Hầu hết các xã đều đạt tỷ lệ huy động trẻ 5 tuổi ra lớp là 97,1%; trong đó có đến 98,1% trẻ được học 2 buổi/ngày. Tỷ lệ chuyên cần luôn đạt trên 94%, cao hơn so với chỉ tiêu đề ra. Toàn tỉnh hiện có 71/71 xã, thị trấn có lớp mẫu giáo; 68/71 xã, thị trấn có từ 1 đến 2 trường mầm non. Ngành Giáo dục đã xây dựng được đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên mầm non nhiệt tình, yêu nghề mến trẻ, có trình độ chuyên môn đạt chuẩn trở lên chiếm đến 93%.

Tiết dạy thực hành tại “Hội giảng Chương trình giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi” tại Trường Mầm non Hoa Bưởi (Gia Nghĩa)

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được thì việc thực hiện “Đề án phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi” trên địa bàn tỉnh vẫn còn gặp một số hạn chế cần khắc phục. Cụ thể như đến nay toàn tỉnh vẫn còn thiếu trên 200 giáo viên bậc mầm non. Hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị, đồ dùng, đồ chơi tối thiểu mới chỉ đạt 62% so với yêu cầu. Mạng lưới trường, lớp mầm non mặc dù phát triển, nhưng vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu học tập của con em trên địa bàn, nhất là ở các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tỷ lệ phòng học kiên cố của giáo dục mầm non còn quá thấp, hiện vẫn còn 239 phòng học tạm, phòng học mượn và tranh tre nứa lá. Hầu hết các trường còn thiếu phòng chức năng như: phòng làm việc của Ban giám hiệu, phòng hoạt động chung, bếp ăn một chiều. Chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ ở các vùng khó khăn còn thấp, không ít trẻ em dân tộc thiểu số chưa bảo đảm được vốn tiếng Việt cần thiết để lĩnh hội kiến thức ở bậc học phổ thông.

Theo baodaknong.org.vn
https://baodaknong.org.vn/giao-duc-dao-tao/qua-hai-nam-thuc-hien-de-an-pho-cap-giao-duc-mam-non-cho-tre-em-5-tuoi-chu-trong-dau-tu-cho-giao-duc-mam-non-13729.html
Copy Link
https://baodaknong.org.vn/giao-duc-dao-tao/qua-hai-nam-thuc-hien-de-an-pho-cap-giao-duc-mam-non-cho-tre-em-5-tuoi-chu-trong-dau-tu-cho-giao-duc-mam-non-13729.html
x

Nổi bật

    Mới nhất
    Qua hai năm thực hiện “Đề án phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi”: Chú trọng đầu tư cho giáo dục mầm non
    • Mặc định
    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO