---- Kinh tế

"Quả đầu mùa" của nông nghiệp hữu cơ ở Đắk Song 

Hưng Nguyên 25/04/2023 05:00

Thực hiện Nghị quyết số 12, ngày 02/8/2018 của HĐND tỉnh Đắk Nông về sản xuất nông nghiệp hữu cơ, thời gian qua, huyện Đắk Song đã tập trung triển khai và bước đầu đạt được kết quả trong lĩnh vực này.

ADQuảng cáo

Gia đình chị Nguyễn Thị Cường, ở xã Nam Bình (Đắk Song), canh tác 1.500 trụ tiêu. Chị Cường áp dụng quy trình sản xuất hữu cơ cho vườn tiêu của gia đình.

Cụ thể, chị sử dụng phân hữu cơ được ủ từ phân bò, đạm cá bón cho cây tiêu. Chị sử dụng các chế phẩm sinh học phòng trừ sâu bệnh và để cỏ trong vườn để tạo độ ẩm cho đất; sử dụng trụ sống cho cây tiêu.

Chị Cường cho biết, cách canh tác này giúp giảm chi phí sản xuất, nâng cao giá trị sản phẩm, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái và sức khỏe cho bản thân.

Mỗi năm, gia đình chị tiết kiệm được khoảng 10% các chi phí từ chế phẩm phòng trừ sâu bệnh, phân bón cho cây tiêu. Không những vậy, sản phẩm sau thu hoạch có thể bán được với giá cao hơn 20-25% so với cách sản xuất thông thường.

hinhhtx(1).jpg
HTX Nông sản hữu cơ Bechamp Đắk Nông hướng dẫn các thành viên tự sản xuất thuốc để phòng trừ sâu bệnh cho cây trồng

Tương tự, HTX Nông sản hữu cơ Bechamp Đắk Nông, ở xã Trường Xuân (Đắk Song), hiện đang sản xuất, chế biến các mặt hàng nông sản hữu cơ.

Cụ thể, để có nông sản hữu cơ, HTX đã tự sản xuất các loại phân bón, chế phẩm sinh học để chăm sóc cây trồng. Trong đó, đạm hữu cơ được HTX sản xuất từ quá trình ủ cá, đậu tương…; kali được tích hợp từ quá trình ủ thân và quả chuối; trung vi lượng từ bí đỏ; lân được tích hợp từ quá trình ngâm xương động vật, vỏ trứng, vỏ ốc…

Theo tính toán của HTX, với phương pháp này, nông dân đã giảm chi phí đầu tư khoảng 15 triệu đồng/1ha đối với cây cà phê, hồ tiêu. Ngoài tạo môi trường canh tác an toàn, các nông sản thu hoạch theo cách làm này được HTX mua với giá cao hơn giá thị trường.

ADQuảng cáo

Ông Hà Công Xã, thành viên HTX Nông sản hữu cơ Bechamp Đắk Nông cho biết, để áp dụng được quy trình hữu cơ, đòi hỏi nông dân phải có kiến thức, hiểu biết để có thể tự sản xuất ra phân, thuốc bằng những thứ sẵn có tại địa phương.

Giá trị mang lại từ cách sản xuất nông nghiệp này là rất lớn, nhất là về bảo đảm môi trường, hiệu quả kinh tế. Do đó, nhiều năm qua, ông và nhiều hộ dân khác đã áp dụng cách làm này.

Huyện Đắk Song có 2.332 ha hồ tiêu đạt chứng nhận an toàn các loại. Trong đó, 352 ha hồ tiêu đạt tiêu chuẩn hữu cơ quốc tế; 150 ha hồ tiêu đạt tiêu chuẩn hữu cơ Việt Nam...

Bên cạnh đó, huyện có 40 ha sầu riêng, 25 ha bơ, 0,3 ha thanh long... đạt chứng nhận hữu cơ Việt Nam. Có 35 ha rau của huyện đạt chứng nhận VietGAP...

Theo ông Lê Hoàng Vinh, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Đắk Song, trên địa bàn có 92,7% dân số sinh sống ở khu vực nông thôn; trên 92,6% số hộ tham gia sản xuất nông, lâm nghiệp.

Thực hiện các mục tiêu về tái cơ cấu nông nghiệp, huyện hướng dẫn nông dân chú trọng  vào phát triển sản xuất gắn với bảo vệ môi trường.

Qua tuyên truyền, hướng dẫn, người dân đã từng bước sử dụng các chế phẩm sinh học, các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học trong chăm sóc cây trồng. Các mô hình trồng rau an toàn, cà phê sạch, hồ tiêu hữu cơ… đang được phát triển rộng rãi trên địa bàn huyện.

Đây là những kết quả nổi bật của huyện Đắk Song trong thực hiện Nghị quyết số 12, ngày 02/8/2018 của HĐND tỉnh về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh Đắk Nông.

Phát triển nông nghiệp sạch cũng là mục tiêu chung theo Nghị quyết số 05/NQ-HĐND, ngày 02/8/2018 của HĐND tỉnh về tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, thích ứng với biến đổi khí hậu, phát triển bền vững tỉnh Đắk Nông đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

Những kết quả bước đầu cho thấy, việc thực hiện các chỉ tiêu, mục tiêu nghị quyết ở Đắk Song đã đi vào chức chất, hiệu quả.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
"Quả đầu mùa" của nông nghiệp hữu cơ ở Đắk Song
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO