Ảnh minh họa. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Theo phóng viên TTXVN tại Trung Đông, Qatar hiện là nước có chỉ số hòa bình cao nhất ở khu vực Trung Đông và Bắc Phi trong năm 2022, dựa trên bảng xếp hạng trong Báo cáo Chỉ số Hòa bình Toàn cầu (GPI) do Viện Kinh tế và Hòa bình (IEP) có trụ sở tại Australia công bố ngày 28/6.
Báo cáo Chỉ số hòa bình hằng năm của IEP cho thấy Trung Đông và Bắc Phi xếp thứ 2 trong số các khu vực có nền hòa bình được cải thiện nhất, song vẫn thuộc nhóm khu vực có chỉ số hòa bình thấp nhất thế giới.
Báo cáo nêu rõ: "Xung đột và khủng bố tại Trung Đông là nguyên nhân chính khiến hòa bình toàn cầu suy giảm cho đến năm 2015, song trong 8 năm qua xung đột đã bùng phát tại nhiều nơi khác trên thế giới. Một số quốc gia trong khu vực Trung Đông-Bắc Phi sau xung đột đã ghi nhận những cải thiện về hòa bình như Libya, Syria, Iraq và Yemen, trong đó Libya ghi nhận sự cải thiện lớn nhất về hòa bình trong khu vực."
Tương tự như Libya, hòa bình tại Algeria cũng có sự cải thiện đáng kể, phản ánh qua việc GPI của nước này tăng từ vị trí thứ 109 vào năm 2021 lên vị trí thứ 96 vào năm 2022.
Trong khi đó, Maroc và Israel là một số trong những quốc gia có chỉ số hòa bình sụt giảm nhiều nhất trong thời gian từ năm 2021 đến năm 2022. Maroc tụt 10 bậc xuống vị trí thứ 84 trên toàn cầu, còn Israel cũng tụt 8 bậc xuống vị trí thứ 143.
Theo báo cáo GPI, mối quan hệ theo chiều hướng đi xuống của Israel với các nước láng giềng, đặc biệt là Palestine, cùng tình trạng bất ổn chính trị nội bộ được coi là nguyên nhân chính khiến chỉ số hòa bình của nước này giảm mạnh.
Báo cáo cũng lưu ý rằng "tâm chấn" của chủ nghĩa khủng bố đã chuyển từ Trung Đông và Bắc Phi sang Nam Sahara, đặc biệt là khu vực Sahel.
Kể từ năm 2019, số người thiệt mạng vì khủng bố ở tất cả các khu vực khác trên thế giới đều giảm, chỉ riêng ở Nam Sahara con số này tăng.
Châu Âu tiếp tục đứng ở vị trí thứ nhất về chỉ số hòa bình trên quy mô khu vực, trong đó Iceland được đánh giá là quốc gia yên bình nhất trong toàn bộ 163 quốc gia và vùng lãnh thổ được xếp hạng. Đây là thứ hạng mà quốc gia Bắc Âu này đã duy trì trong 15 năm liên tiếp.
Trong khi đó, chỉ số hòa bình năm 2022 của Thổ Nhĩ Kỳ lại xếp ở vị trí khiêm tốn nhất trong các nước châu Âu, đồng hạng với Iran ở vị trí thứ 147.
Hằng năm, IEP đều công bố báo cáo đánh giá chỉ số hòa bình của 163 quốc gia và vùng lãnh thổ, tương đương với 99,7% dân số toàn cầu./.