Phương Tây đánh giá hiệu quả hạn chế xuất khẩu LNG từ Nga

Duy Trinh-Trần Quyên| 22/05/2024 11:35

Các nước Bỉ, Đức và Pháp đã yêu cầu EC đánh giá xem liệu lệnh cấm trung chuyển LNG của Nga qua các cảng châu Âu có tác động đến nền kinh tế Nga nhiều hơn so với EU hay không.

Thiết bị tại giếng khí đốt Utrenneye, nguồn cung khí đốt hóa lỏng cho dự án Novatek của Nga trên bán đảo Gydan thuộc vùng biển Kara ở Bắc cực. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Thiết bị tại giếng khí đốt Utrenneye, nguồn cung khí đốt hóa lỏng cho dự án Novatek của Nga trên bán đảo Gydan thuộc vùng biển Kara ở Bắc cực. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Thiết bị tại giếng khí đốt Utrenneye, nguồn cung khí đốt hóa lỏng cho dự án Novatek của Nga trên bán đảo Gydan thuộc vùng biển Kara ở Bắc cực. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Thiết bị tại giếng khí đốt Utrenneye, nguồn cung khí đốt hóa lỏng cho dự án Novatek của Nga trên bán đảo Gydan thuộc vùng biển Kara ở Bắc cực. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Các nhà ngoại giao Liên minh châu Âu (EU) cho rằng các nước thành viên sẽ mất nhiều tuần để đưa ra các biện pháp trừng phạt tiếp theo nhằm vào Nga dù họ ủng hộ các biện pháp này, trong đó có cả việc lần đầu tiên hạn chế xuất khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Nga.

Theo phóng viên TTXVN tại châu Âu, các nước Bỉ, Đức và Pháp đã yêu cầu Ủy ban châu Âu (EC) đánh giá xem liệu lệnh cấm trung chuyển LNG của Nga qua các cảng châu Âu có tác động đến nền kinh tế Nga nhiều hơn so với EU hay không.

Một nhà ngoại giao cho biết các nước EU bày tỏ ủng hộ biện pháp trừng phạt này nhưng vẫn còn nhiều vấn đề cần thảo luận. Hiện các nước trên cùng EC chưa đưa ra bình luận gì về thông tin này.

Các nhà ngoại giao EU cho biết thêm họ đang đẩy nhanh gói trừng phạt thứ 14 nhằm vào Nga liên quan cuộc xung đột tại Ukraine trước khi Hungary đảm nhiệm chức Chủ tịch luân phiên EU từ tháng 7 tới.

Thủ tướng Hungary Viktor Orban từng chặn gói viện trợ cho Ukraine cũng như các hạn chế đối với Nga. Các biện pháp trừng phạt cần có được sự nhất trí của tất cả các nước thành viên EU.

Tháng trước, Điện Kremlin cho rằng các biện pháp trừng phạt của EU nhằm vào nguồn cung LNG của Nga cho thấy sự cạnh tranh bất hợp pháp và không lành mạnh, khẳng định Moskva sẽ tìm cách vượt qua những trở ngại đó.

Theo người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov, các ngành công nghiệp và người tiêu dùng tại châu Âu sẽ chịu tổn hại từ lệnh cấm này.

Trước đó, đầu tháng này, một số nhà ngoại giao cho biết EU đang xem xét mở rộng các biện pháp trừng phạt nhằm vào ngành LNG của Nga. Mục đích của biện pháp này là nhằm tiếp tục cản trở nguồn thu của Nga từ nhiên liệu hóa thạch khi ngày càng nhiều ý kiến cho rằng các biện pháp trừng phạt trước đó không đạt hiệu quả.

Theo một nhà ngoại giao EU, đây là đề xuất của EC, trong đó đề cập các vấn đề liên quan việc chuyển LNG từ tàu này sang tàu khác.

Biện pháp này có thể dẫn đến lệnh cấm các cảng tại EU tái xuất khẩu LNG của Nga sang các nước thứ ba ngoài liên minh, nhưng các nước EU vẫn có thể nhập khẩu nhiên liệu này. Đề xuất này cũng đề cập việc cấm EU tham gia các dự án LNG mới của Nga.

Theo giới chuyên gia, các cảng của châu Âu rất quan trọng đối với Nga vì nằm rải rác trên tuyến vận chuyển. Tổ chức môi trường Urgewald của Đức cho biết các cảng ở Bỉ, Pháp, Hà Lan và Tây Ban Nha là những điểm chính cung cấp LNG từ bán đảo Yamal của Nga.

Ngoài ra, cảng Zeebrugge của Bỉ và cảng Montoir của Pháp là những trung tâm tái xuất đặc biệt quan trọng sang các nước như Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ.

Theo báo cáo tháng 4 của Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Không khí sạch, năm ngoái, các nước EU đã chi 8,2 tỷ euro (8,8 tỷ USD) nhập khẩu LNG của Nga.

EU đã áp đặt 13 gói trừng phạt đối với Nga kể từ khi xảy ra cuộc xung đột tại Ukraine năm 2022, trong đó chủ yếu nhằm vào xuất khẩu dầu khí./.

Theo www.vietnamplus.vn
https://www.vietnamplus.vn/phuong-tay-danh-gia-hieu-qua-han-che-xuat-khau-lng-tu-nga-post954783.vnp
Copy Link
https://www.vietnamplus.vn/phuong-tay-danh-gia-hieu-qua-han-che-xuat-khau-lng-tu-nga-post954783.vnp
    Nổi bật
        Mới nhất
        Phương Tây đánh giá hiệu quả hạn chế xuất khẩu LNG từ Nga
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO