Dòng chảy thông tin

Phụ nữ xưa và nay

P.V (th) 08/03/2024 05:52

Nhìn lại phụ nữ xưa và nay là để thấy sự thay đổi, thích ứng của người phụ nữ trong những bối cảnh khác nhau, trong quy luật phát triển tất yếu của thời đại.

Phụ nữ và "đạo tam tòng"

Ðiều bất bình đẳng của người phụ nữ xưa chính là việc họ bị gạt ra khỏi cuộc sống của xã hội và dồn vào khuôn khổ chật hẹp của đời sống gia đình. Xã hội phong kiến, dưới sự ảnh hưởng mạnh mẽ của tư tưởng Nho giáo đã thể chế hóa điều này bằng "đạo tam tòng": Tại gia tòng phụ; xuất giá tòng phu; phu tử tòng tử (ở nhà theo cha; lấy chồng theo chồng; chồng chết theo con trai).

Nói tòng phụ tức phụ quyền được đề cao. Người cha có quyền uy tuyệt đối trong gia đình. Người con gái phải nghe theo cha, phục tùng mệnh lệnh của cha mẹ mà ít có những chính kiến cá nhân. Trong giai đoạn tòng phụ, người con gái được học nhưng không phải để tiến thân bằng con đường khoa cử, mà học để chuẩn bị lấy chồng. Tứ đức đặc biệt được chú trọng đưa vào giáo dục con gái trong giai đoạn này. Với tứ đức, bao giờ người con gái cũng phải thu mình với công, dung, ngôn, hạnh, luôn luôn phải giữ gìn tiết hạnh làm câu sửa mình.

2_oct_2020_070738_gmtaodai30(1).jpg
Xã hội phong kiến, dưới sự ảnh hưởng mạnh mẽ của tư tưởng Nho giáo đã thể chế hóa điều này bằng "đạo tam tòng"

Rời nhà cha mẹ đẻ, phụ nữ bước vào cuộc đời xuất giá tòng phu. Bên cạnh trách nhiệm người vợ, người phụ nữ còn làm thêm nghĩa vụ của người con trong gia đình mới. Thời kỳ này rất căng thẳng với nhiều thử thách. Ðiều này tạo cho phụ nữ xưa có rất nhiều ý chí và nghị lực. Song thực tế phũ phàng hơn lại đẩy họ tới cảnh "cam chịu"…

Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công phá tan thành trì phong kiến, đánh dấu mốc son lịch sử trong vấn đề bình đẳng giới được xác lập và định chế bằng hiến pháp và pháp luật. Dưới ánh sáng chỉ đường của Ðảng và Bác Hồ coi sự nghiệp giải phóng phụ nữ gắn liền với sự nghiệp cách mạng xã hội chủ nghĩa, phụ nữ đã bình đẳng với nam giới về quyền hạn và nghĩa vụ cả trong gia đình và ngoài xã hội.

Ý nghĩa của tam tòng trong cuộc sống ngày nay cũng như thân phận người phụ nữ Việt Nam đã thay đổi. Cũng là tòng phụ nhưng tòng phụ ngày nay chỉ đơn giản là lễ phép, vâng lời cha mẹ, hiếu thảo với ông bà, kính trên nhường dưới, không còn mang nội dung của thói gia trưởng, với quyền lực tuyệt đối mang tính áp đặt trong gia đình thuộc về người cha.

Ngày nay con cái có quyền tham gia bàn bạc cùng cha mẹ những vấn đề của gia đình. Tòng phụ cũng không còn là ép duyên, bán gả con gái. Hôn nhân ngày nay được xây dựng trên cơ sở tình yêu tự nguyện. Tòng phu ngày nay cũng không nhất thiết người con dâu phải sống chung cùng gia đình nhà mẹ chồng. Vì thế hệ trẻ ngày nay năng động và đầy tính tự lập. Hơn nữa hình mẫu gia đình hạt nhân đang có chiều hướng phát triển mạnh. Mẹ không nhất thiết phải ở với con trai. Tất cả đã được pháp luật, sự tiến bộ của nhận thức quy định và bảo vệ...

Chuyện ngày nay khi nhìn về quá khứ

Ðất nước đang trên đà tiến lên công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa đã thật sự phát huy vai trò tích cực thúc đẩy nền kinh tế đất nước bắt nhịp với quốc tế và khu vực. Tuy vậy, trong khi vốn, kỹ thuật, công nghệ từ nước ngoài ồ ạt đầu tư vào nước ta, thúc đẩy nền kinh tế phát triển mạnh, thì những tệ nạn xã hội cũng theo đó tràn vào, gây tổn hại không nhỏ tới thuần phong mỹ tục của người Việt. Mặt trái cực đoan trong nhận thức về sự bình đẳng là hiện tượng khinh rẻ chồng con, chạy đua theo danh lợi, đắm mình trong tiền bạc không còn là hiện tượng lạ, rồi những tranh chấp vụn vặt trong gia đình, suy tính nhỏ nhen, vụ lợi đã xô đẩy không ít gia đình vào cảnh phân ly đổ vỡ, tranh chấp tài sản và quyền nuôi con cái...

phu-nu.png

Tam tòng của chế độ phong kiến xưa không còn phù hợp với người phụ nữ Việt Nam ngày nay, khi họ đang sánh bước cùng nam giới trong công cuộc đưa đất nước vào kỷ nguyên mới hội nhập thế giới. Kinh tế xã hội đất nước đang thay da đổi thịt từng ngày, chúng ta không thể sống với một tâm thế hoài vọng về quá khứ, nhưng cũng đừng vội thanh tẩy hay đả kích thái quá mọi ký ức của quá khứ. Dù ở tương lai tươi sáng đầy hứa hẹn thì những thách thức mới vẫn luôn đặt ra và hiện hữu. Khơi trong gạn đục là phải biết tìm trong truyền thống, tìm trong vốn cổ những giá trị đích thực cần thiết có ích cho chúng ta. Và như thế, nếu "tam tòng", "tứ đức" được hiểu theo nội dung mới thích hợp với xã hội đương đại thì sẽ không bao giờ là xưa cũ cả.

Trên nguyên tắc tôn trọng, kế thừa những giá trị truyền thống tốt đẹp của người phụ nữ Việt Nam mọi thời đại: “Anh hùng - bất khuất - trung hậu - đảm đang” nhưng người phụ nữ hôm nay biết đề cao vai trò, khẳng định vị thế của mình trên mọi mặt đời sống xã hội.

Những người phụ nữ ấy không chỉ là mẹ, là vợ - người “giữ lửa”, vun vén tổ ấm gia đình mà còn là chính trị gia, doanh nhân, hoa hậu, nhà thiết kế thời trang, văn nhân, nhà hoạt động xã hội... Có nghĩa là, ngày hôm nay, phụ nữ có thể tỏa sáng trên mọi lĩnh vực. Và quan trọng nhất, họ đang nhận được nhiều sự quan tâm, chia sẻ, ủng hộ, hỗ trợ từ phía gia đình và được nhìn nhận công bằng của xã hội. Chính điều đó là nguồn động viên, cổ vũ to lớn, điều kiện thuận lợi nhất để phụ nữ không ngừng nỗ lực phấn đấu, khẳng định vai trò, vị thế của mình trong xây dựng, phát triển quê hương, đất nước, cống hiến cho xã hội...

    Nổi bật
        Mới nhất
        Phụ nữ xưa và nay
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO