Phụ nữ mang thai - Đối tượng chăm sóc quan trọng
Ngành Y tế tỉnh Đắk Nông đã và đang triển khai nhiều hoạt động thiết thực nhằm nâng cao hiệu quả chăm sóc sức khỏe bà mẹ mang thai, góp phần giảm tỷ lệ tử vong mẹ, tử vong trẻ em và giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em.
Triển khai đồng bộ nhiều giải pháp
Theo thống kê, tỉnh Đắk Nông hiện có khoảng hơn 128.000 phụ nữ tuổi sinh đẻ từ 15-49 tuổi. Tính đến tháng 9/2023 có hơn 10.300 phụ nữ đang có thai. Trong giai đoạn thai nghén, nếu mẹ bầu không được cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết, bị ốm đau, bệnh tật, không được nghỉ ngơi đầy đủ, hợp lý thì có thể dẫn đến tình trạng suy dinh dưỡng bào thai. Điều này có thể khiến trẻ sinh ra bị thiếu cân, tác động không nhỏ tới thể chất cũng như tinh thần của trẻ.
Bác sĩ ÊBan Thanh Sơn, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết, nhu cầu dinh dưỡng của phụ nữ mang thai gấp 2 - 3 lần so với bình thường. Trong quá trình mang thai người mẹ có thể tăng lên từ 10 - 12kg, thực tế có một số bà mẹ tăng lên tới 15 - 20kg. Tuy nhiên, với những bà mẹ không được chăm sóc tốt, suốt quá trình mang thai chỉ tăng lên 5 - 7kg. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người mẹ. Nhất là trong lúc chuyển dạ, người mẹ sẽ không đủ sức khi sinh con cũng như sau sinh.
Để nâng cao hiệu quả chăm sóc sức khỏe bà mẹ mang thai nhằm góp phần giảm tỷ lệ tử vong mẹ, tử vong trẻ em và giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em, ngành Y tế tỉnh Đắk Nông đã có nhiều chương trình, hoạt động thiết thực. Trong đó, ngành chú trọng tập trung vào công tác bồi dưỡng, tập huấn nhằm nâng cao năng lực, kỹ năng cho các cán bộ, nhân viên y tế tuyến huyện, xã trong công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ mang thai và trẻ nhỏ. Riêng trong năm 2023, ngành Y tế đã tổ chức 2 lớp đào tạo, cập nhật cho cô đỡ thôn bản theo nguồn kinh phí dự án do UNICEF hỗ trợ; 2 lớp tập huấn về chăm sóc thiết yếu bà mẹ, trẻ sơ sinh trong và ngay sau đẻ/sau mổ lấy thai cho tuyến huyện và chăm sóc thiết yếu bà mẹ, trẻ sơ sinh trong và ngay sau đẻ cho tuyến xã và cung cấp kiến thức kỹ năng truyền thông cho y tế thôn bản để triển khai hiệu quả các can thiệp chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em tại các xã khó khăn của 2 huyện Tuy Đức và Đắk Glong...
Ngành Y tế tỉnh phối hợp với các địa phương tổ chức phát động và thực hiện chiến dịch truyền thông Tuần lễ Làm mẹ an toàn năm 2023 với chủ đề “Làm mẹ an toàn sức khỏe cho mẹ, tương lai cho bé”. Sự kiện, góp phần nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của người dân về chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, nhất là ở các vùng khó khăn...
Ngoài ra, tại các huyện, thành phố tổ chức triển khai các mô hình như truyền thông nhóm về chăm sóc thiết yếu cho bà mẹ mang thai và bà mẹ có con nhỏ; hướng dẫn thực hành chế biến bữa ăn bảo đảm dinh dưỡng cho cả mẹ và bé trong các đợt tiêm chủng. Trong quá trình khám thai hoặc thăm hộ gia đình cán bộ, nhân viên y tế cũng hướng dẫn lồng ghép tư vấn, chăm sóc thai kỳ và chế độ ăn uống đủ chất. Năm 2023, số lượt tư vấn, thăm hộ gia đình bà mẹ có con dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng và phụ nữ mang thai 13.350 lượt.
Nhận thức được nâng lên
Nhờ những nỗ lực đó mà công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em trên địa bàn tỉnh đạt được nhiều kết quả tích cực.
Hiện nay, nhận thức của chị em phụ nữ về dinh dưỡng hợp lý trong quá trình mang thai được nâng lên. Dù mỗi người có điều kiện, hoàn cảnh khác nhau nhưng các chị em luôn chú trọng cung cấp đầy đủ những dưỡng chất thiết yếu nhất để bảo đảm thai nhi được phát triển tốt.
Ngoài chú trọng chế độ ăn uống, bổ sung các dưỡng chất thiết yếu, nhiều chị em đã tuân thủ lịch khám thai định kỳ để cập nhật các chỉ số quan trọng về sự phát triển của thai nhi. Chị Vũ Thị Thúy, xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức chia sẻ, trong quá trình mang thai tôi đi khám định kỳ, uống thuốc bổ sung thêm chất sắt, canxi rồi ăn uống đầy đủ dinh dưỡng để em bé phát triển tốt hơn. Tôi tìm hiểu thêm trên mạng về các giai đoạn thăm khám định kỳ, giai đoạn nào là phù hợp nhất, rồi ăn uống như thế nào để cung cấp đầy đủ dinh dưỡng... để giúp cho em bé dễ hấp thụ hơn.
Năm 2023, toàn tỉnh Đắk Nông có hơn 4.246/6.827 phụ nữ đẻ được khám thai trên 4 lần trong 3 thời kỳ đạt tỷ lệ 62,2%, tăng 10,1% so với năm 2022. Phụ nữ sinh con được cán bộ y tế đỡ đẻ 6.577/6.827 phụ nữ đạt tỷ lệ 96,3%, tăng 1% so với năm 2022. Bà mẹ sau sinh được uống viên nang vitamin A liều cao tại các cơ sở y tế 3.934/4.421 người, đạt 89%. Phụ nữ có thai được tư vấn, uống viên sắt, đa vi chất đạt 82,5%...
Tuy nhiên, so với trung bình của cả nước, tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng của tỉnh Đắk Nông vẫn còn cao, nhất là trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Chiến dịch cân, đo trẻ em trên địa bàn tỉnh ngày 1/6/2023 cho thấy tỷ lệ trẻ em DTTS dưới 2 tuổi bị suy dinh dưỡng thể nhẹ cân 16,5%; tỷ lệ trẻ em DTTS dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thể nhẹ cân 20,9% và tỷ lệ trẻ em DTTS dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thể thấp còi 30,6%. Do đó, ngành Y tế tỉnh tiếp tục triển khai nhiều giải pháp, trong đó việc cải thiện dinh dưỡng giai đoạn mang bầu được xác định là giải pháp quan trọng hàng đầu.
Bác sĩ Nguyễn Trường Sinh, Giám đốc Trung tâm Y tế TP. Gia Nghĩa cho biết, để các hoạt động chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em đến được với tất cả phụ nữ và trẻ em trên địa bàn thành phố, cán bộ các trạm y tế và đội ngũ cộng tác viên y tế thường xuyên theo dõi và nắm bắt số lượng phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, phụ nữ đang mang thai nhằm kịp thời tuyên truyền, tư vấn về chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em cũng như vận động chị em khám thai, khám sức khỏe định kỳ. “Trong thời gian tới, chúng tôi tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của toàn xã hội, vận động các biện pháp chăm sóc thiết yếu cho bà mẹ và trẻ em để mọi phụ nữ, mọi trẻ em trên địa bàn đều có điều kiện tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tốt nhất”, bác sĩ Sinh cho biết.
Ngành Y tế cũng khuyến cáo mỗi chị em phụ nữ cần chủ động phòng, chống suy dinh dưỡng, cần có kiến thức chăm sóc sức khỏe trong giai đoạn mang thai, góp phần ngăn ngừa và phòng chống suy dinh dưỡng ngay từ đầu.