Mùa khô là giai đoạn các loại cây công nghiệp, cây ăn quả tích lũy dinh dưỡng để ra hoa, kết quả. Vào thời điểm này, nhiều loại bệnh dịch cũng phát sinh gây hại cho nhiều loại cây trồng.
Gia đình ông Nguyễn Văn Tiến, ở thôn 10, xã Trường Xuân (Đắk Song), có 4 ha cà phê. Khi vụ thu hoạch cà phê kết thúc, ông Tiến đã khẩn trương thu dọn cành, nhánh, vệ sinh vườn cây nhằm ngăn ngừa nấm bệnh phát sinh.
Ông Tiến cho biết: “Sâu bệnh thường xuất hiện vào giai đoạn khi thu hoạch xong cà phê cho đến cuối mùa nắng, đầu mùa mưa. Do đó, tôi luôn đề phòng, không để sâu hại lây lan”.
Cũng theo ông Tiến, sâu hại tại các vườn cà phê chủ yếu là mọt đục cành, đục quả. Để ngăn ngừa, ông đã tiến hành cắt bỏ các cành bị mọt xâm hại để diệt sâu non.
Hiện nay chưa có thuốc để phòng trừ mọt đục cành hiệu quả. Do vậy, các nhà vườn luôn phải phòng ngừa, phát hiện sớm, vệ sinh vườn cây để giảm bớt ký chủ phát sinh.
Ông Trần Văn Thành, ở xã Nhân Cơ (Đắk R’lấp) phun dưỡng chất cho vườn bơ |
Còn gia đình ông Trần Văn Thành, ở xã Nhân Cơ (Đắk R’lấp), có hơn 2,5 ha đất trồng bơ, sầu riêng. Qua kinh nghiệm thực tế của ông Thành, trong mùa nắng, vườn cây thường bị các loại rệp vẩy xanh, vẩy nâu tấn công.
Rệp xuất hiện nhiều trên những bộ phận non của cây như: cành, lá, quả non... Chúng làm cho cây bị suy yếu, giảm năng suất. Ngoài ra, rệp phát triển luôn kèm theo kiến và bệnh muội đen. Bệnh này bao phủ lên bề mặt lá, làm cho cây quang hợp kém.
Ông Thành cho hay: “Ngoài rệp vẩy xanh, vẩy nâu, rệp sáp cũng là dịch hại đặc biệt nghiêm trọng đối với cây cà phê, cây ăn quả. Rệp sáp thường xuất hiện mạnh khi thời tiết nắng mưa thất thường, khí hậu nóng ẩm. Có những năm, rệp sáp tấn công làm các vườn cà phê, cây ăn quả mất năng suất nghiêm trọng. Nhiều vườn bị thiệt hại đến 40% năng suất”.
Trong những ngày này, các địa phương trong tỉnh đang đối mặt với giai đoạn cao điểm của mùa khô. Tại các nhà vườn trồng cây ăn quả, bà con đang dùng nhiều biện pháp để hạn chế sâu hại phát sinh.
Phổ biến nhất là bọ xít muỗi tấn công trên cây bơ, mít; rầy chổng cánh, ruồi đục trái, sâu vẽ bùa trên các loại cây có múi. Thời tiết bất lợi cũng xuất hiện bệnh thán thư do bọ xít muỗi tấn công, mở đường cho nấm xâm nhập, phát triển.
Để phòng ngừa dịch bệnh, theo cán bộ kỹ thuật của Chi cục Phát triển nông nghiệp tỉnh, bà con cần thường xuyên kiểm tra vườn cây để có biện pháp phòng trừ kịp thời.
Đối với côn trùng, bà con nên dùng biện pháp tổng hợp nhằm bảo tồn được các loại thiên địch có lợi trong vườn cây. Cùng với đó, bà con áp dụng tốt biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp (IPM).
Các loài nhện đỏ, rệp sáp sinh sản nhanh, phát triển mật độ cao vào mùa khô. Do đó, bà con phải áp dụng các giải pháp tổng hợp như: tỉa cành, tạo tán, nuôi dưỡng các sinh vật có lợi, giữ ẩm, phun nước nhiều sẽ làm loại côn trùng này suy giảm…
Trong trường hợp cần thiết, bà con sử dụng thuốc hóa học, nhưng nên dùng dầu khoáng, Movento 150 OD, Anboom 40EC hoặc một số thuốc có tính lưu dẫn, thấm sâu như Imidacloprid, Chlopyrifos…
Khi sử dụng thuốc, bà con phải thực hiện theo nguyên tắc “4 đúng” và nên phun đồng loạt để tăng hiệu quả trừ bệnh hại. Bà con cũng cần tránh phun ở vườn có sâu rầy rồi chuyển sang vườn khác dễ gây hại cho cây trồng.