Phong trào Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi gắn với xây dựng gia đình văn hóa ở Tuy Đức

Hoàng Hoài| 18/06/2014 10:07

Thời gian qua, hưởng ứng Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” do Mặt trận Tổ quốc huyện phát động, các cấp Hội nông dân trên địa bàn Tuy Đức đã tích cực tuyên truyền, vận động giúp đỡ, hỗ trợ hội viên tích cực tham gia Phong trào “Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi” gắn với xây dựng gia đình văn hóa.

Cụ thể, hàng năm các cấp hội nông dân đều vận động hội viên đăng ký danh hiệu nông dân giỏi để thi đua, phấn đấu cũng như làm tiêu chí quan trọng trong bình xét nông dân tiêu biểu hàng năm. Mặt khác, để giúp hội viên phát triển kinh tế thì từ năm 2013 đến nay, các cấp hội đã mở được trên 122 lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật và 164 cuộc hội thảo đầu bờ, đầu chuồng cho nông dân.

Cơ sở nuôi chim cút của gia đình ông Phạm Văn Khang ở xã Đắk Búk So (Tuy Đức) mang lại nguồn thu nhập cao

Qua các lớp tập huấn, hội viên đã nắm bắt được những kiến thức cơ bản về khoa học kỹ thuật để ứng dụng vào thực tiễn cũng như chủ động phá vỡ thế độc canh trong sản xuất nông nghiệp nhằm mang lại hiệu quả cao hơn. Các nguồn vốn hỗ trợ nông dân cũng được các cấp hội kịp thời triển khai giải ngân cho hội viên đầu tư phát triển sản xuất…

Nhờ đó, Phong trào “Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi” và làm giàu chính đáng đã tạo ra sự thi đua sôi nổi trong mỗi gia đình, mỗi chi tổ hội. Đến nay, toàn huyện có 672 gia đình hội viên đạt danh hiệu “Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi”; trong đó có 18 hộ nông dân giỏi cấp Trung ương, 218 hộ đạt cấp tỉnh và 436 hộ đạt cấp huyện. Số hội viên nghèo cũng giảm qua hàng năm.

Qua phong trào, nhiều nông dân đã mạnh dạn dám nghĩ, dám làm và chủ động học hỏi, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi để làm giàu. Điển hình như hội viên Nguyễn Trọng Đức ở thôn 4, xã Quảng Tâm.

Với 7 ha đất trồng cà phê, hồ tiêu và khoai lang Nhật Bản, ban đầu, thông qua các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật vào sản xuất và trao đổi kinh nghiệm làm ăn với hội viên đã góp phần rất lớn giúp gia đình vươn lên thoát nghèo, trở thành nông dân sản xuất kinh doanh giỏi.

Đến nay, mỗi năm, trừ các khoản chi phí, gia đình ông còn thu được 700-800 triệu đồng. Kinh tế ổn định, ông lại giúp đỡ những hộ khó khăn trong xã về khoa học kỹ thuật để cùng vượt khó, đồng thời tạo việc làm thường xuyên cho khoảng 16 lao động.

Hay như trường hợp ông Phạm Văn Khang ở thôn 8, xã Đắk Búk So cũng là một điển hình trong xóa đói giảm nghèo và làm giàu chính đáng của huyện. Được hội viên tin tưởng bầu làm Chi hội phó nông dân thôn, ông Khang luôn suy nghĩ, phải “nói đi đôi với làm” để hội viên làm theo. Do đó, từ việc sản xuất độc canh cây khoai lang, hiện tại, ông đã kết hợp giữa phát triển cây ngắn ngày và dài ngày, cộng với chăn nuôi chim cút, gà, heo… với quy mô lớn với doanh thu mỗi năm trên 1 tỷ đồng.

Cùng với đó, để hội viên có điều kiện trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm làm ăn thì các cấp hội trong huyện cũng đã thành lập được 30 câu lạc bộ giúp nhau phát triển kinh tế thu hút trên 1447 hội viên sinh hoạt.

Anh Ngô Văn Thịnh, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Đắk Búk So cho biết: “Các câu lạc bộ chính là địa chỉ tin cậy của hội viên khi có nhu cầu tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm về khoa học kỹ thuật, giống cây con mới hiệu quả. Bên cạnh đó, tham gia sinh hoạt, các thành viên còn đóng góp quỹ tạo vốn để giúp hội viên khó khăn vay. Hơn nữa, đây cũng là kênh tuyên truyền, vận động hội viên tự lực trong sản xuất, đoàn kết giúp nhau lúc khó khăn, hoạn nạn, nhất là đưa các chương trình, nghị quyết của Đảng, Hội về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến gần hơn với nông dân một cách hiệu quả nhất”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phong trào Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi gắn với xây dựng gia đình văn hóa ở Tuy Đức
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO