Đời sống

Phòng ngừa dị tật bẩm sinh ở trẻ

Ngô Đồng 17/07/2023 06:12

Dị tật bẩm sinh không chỉ mang lại bất hạnh cho đứa trẻ mà còn trở thành gánh nặng cho gia đình. Tuy nhiên, có thể phòng ngừa và giảm thiểu nguy cơ nếu các bậc cha mẹ kịp thời đưa trẻ đi thăm khám.

ADQuảng cáo

Cháu Lý Thị S. năm nay 14 tuổi ở xã Nâm N’đir (Krông Nô) không may mắn như những bé khác khi sinh ra bị mắc bệnh down và tim bẩm sinh nên vẫn như một đứa trẻ 3 tuổi.

Anh Lý Văn H. cha của bé nhớ lại: “Khi mang thai, gia đình tôi cũng đã làm các xét nghiệm tầm soát dị tật và được các bác sĩ cho biết về bệnh tình của con, nhưng lúc đó vợ chồng tôi vẫn quyết định sinh cháu ra. Trước đây, vì kinh tế quá khó khăn nên không dám sinh con, chờ đến khi kinh tế ổn định hơn mới sinh thì tuổi đã lớn. Tôi nghĩ sinh nở khi tuổi lớn cũng là nguyên nhân khiến con mắc bệnh”.

kham-tim-23(1).jpg
Cha mẹ đưa các cháu đến khám tầm soát tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh

Tương tự, bà Trần Thị Trinh N. ở xã Nhân Cơ (Đắk R’lấp) chia sẻ: Cháu nội bà là Nguyễn Trần Gia H. mới 3 tháng tuổi nhưng đã được các bác sĩ khám và kết luận mắc bệnh tim bẩm sinh nên cháu chậm phát triển.

kham-tim-1(1).jpg
Mỗi năm tại Việt Nam có hơn 41.000 trẻ sinh ra bị dị tật bẩm sinh

Không riêng 2 trường hợp trên, theo bác sĩ Đào Anh Quốc, Khoa Tim mạch trẻ em, Đại học Y dược TP.HCM cho biết: Dị tật bẩm sinh là những bất thường về cấu trúc hoặc chức năng bẩm sinh gây khuyết tật về thể chất hoặc tinh thần.

ADQuảng cáo

Một trẻ sơ sinh có thể mắc một hay nhiều dị tật. Một số dị tật bẩm sinh nặng có thể gây tử vong cho trẻ ngay khi sinh, nhưng một số khác có thể điều trị được hoặc trẻ có thể chung sống đến hết đời.

Qua nghiên cứu, phát hiện có khoảng 3.000 loại dị tật bẩm sinh và được phân loại thành: Dị tật về cấu trúc và dị tật về chức năng phát triển. Trong đó, dị tật về cấu trúc là khi một phần cơ thể bị mất hoặc bị thay đổi, các dị tật bẩm sinh về cấu trúc phổ biến nhất là dị tật ở tim; hở môi hoặc hở hàm ếch; nứt tủy sống; vẹo chân.

kham-tim-2(1).jpg
Để phát hiện sớm dị tật từ lúc mang thai, các bà mẹ nên đi xét nghiệm tầm soát để phát hiện nguy cơ

Dị tật bẩm sinh về chức năng khiến một phần cơ thể hoặc toàn bộ hệ thống không hoạt động đúng cách, thường gây ra khuyết tật về trí thông minh, phát triển. Dị tật bẩm sinh chức năng bao gồm các rối loạn trao đổi chất, thị lực và thính lực cũng như các vấn đề hệ thống thần kinh.

Bác sĩ H’Vinh Niê, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh thông tin, có khá nhiều dị tật có thể phát hiện trong thời gian mang thai. Trong đó, có loại có thể chữa được, có loại thì không, do đó, cần phát hiện sớm các dị tật của thai nhi để có biện pháp xử lý kịp thời. Một số dị tật bẩm sinh thường gặp là dị tật về tim, dị tật về các chi, dị tật về môi, dị tật về não bộ…

kham-tim-3(1).jpg
Một số dị tật bẩm sinh thường gặp là dị tật về tim, dị tật về các chi, dị tật về môi, dị tật về não bộ…

Bên cạnh đó, yếu tố nguy cơ được cho là liên quan đến dị tật, chẳng hạn như phụ nữ mang thai khi đã lớn tuổi, tiền sử cá nhân hay gia đình có dị tật bẩm sinh; có con trước bị dị tật bẩm sinh; sử dụng một số loại thuốc vào thời điểm mang thai và đái tháo đường khi mang thai…

“Để phát hiện sớm dị tật từ lúc mang thai, các bà mẹ nên đi xét nghiệm tầm soát để phát hiện nguy cơ. Các xét nghiệm tầm soát chính bao gồm: Xét nghiệm người mang yếu tố di truyền, siêu âm hay xét nghiệm huyết thanh mẹ. Những xét nghiệm này phải được làm vào những thời điểm cụ thể nhất định thì mới phát hiện được những dị tật ở trẻ và có biện pháp can thiệp sớm”, bác sĩ H’Vinh Niê khuyến cáo.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phòng ngừa dị tật bẩm sinh ở trẻ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO