Y tế - Sức khỏe

Phòng bệnh cho trẻ khi thời tiết thay đổi

Tuệ An 06/03/2023 14:36

Thời tiết thay đổi đột ngột, nóng lạnh thất thường là điều kiện thuận lợi cho các vi rút, vi khuẩn gây bệnh truyền nhiễm phát sinh và phát triển, nhất là các bệnh lây qua đường tiêu hóa, đường hô hấp, tay chân miệng.

Những ngày vừa qua thời tiết lúc nóng, lúc lạnh, khiến con trai 3 tuổi của chị Lê Thị Loan, phường Nghĩa Tân (Gia Nghĩa) không kịp thích nghi nên bệnh viêm phổi tái phát. Chị Loan cho biết: “Do sinh non nên sức đề kháng của con tôi khá kém, viêm phổi hay tái phát mỗi khi thời tiết có dấu hiệu thay đổi, nóng cũng bị mà lạnh cũng bị khiến cho rất tội nghiệp”.

Tương tự, con gái của chị Nguyễn Thị Ngọc Uyên, xã Trường Xuân (Đắk Song) chia sẻ: “Ở nhà cháu bị ho liên tục, sổ mũi và khó thở, gia đình đưa đi khám thì bác sĩ chẩn đoán cháu bị viêm đường hô hấp trên nên cho nhập viện điều trị. Sau khi điều trị khỏi bệnh, gia đình đưa cháu về nhà được khoảng 1 tuần thì bệnh lại tái phát”.

z4154163093627_6214c3aebb804a4b29d2441d17e95a6c(1).jpg
Nhiều bệnh nhi nhập viện do thay đổi thời tiết

Không riêng 2 trường hợp trên, thời gian qua, trung bình mỗi ngày Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Nông tiếp nhận khám và điều trị cho gần 50% là trẻ em/ trên tổng số bệnh nhân tới khám, mắc các bệnh về đường hô hấp, tiêu hóa như cảm cúm, viêm phế quản, hen phế quản, viêm tiểu phế quản cấp, viêm phổi, viêm mũi họng, viêm dạ dày ruột cấp, tiêu chảy cấp…

Bác sĩ Vũ Thị Nhịn, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa tỉnh khuyến cáo, để phòng tránh các bệnh giao mùa thường gặp ở trẻ em, ngoài việc tiêm vắc xin đầy đủ theo chương trình tiêm chủng mở rộng cho trẻ, các bậc phụ huynh cần tiêm bổ sung cho trẻ các loại vắc xin cúm, vi rút rota. Bên cạnh đó, chất dinh dưỡng trong các khẩu phần ăn cho trẻ cần đa dạng, đầy đủ, bảo đảm cung cấp các loại vitamin và khoáng chất cần thiết; không cho trẻ uống nước đá, ăn kem lạnh.

Phụ huynh cần giữ vệ sinh khu vực sống, chủ động diệt lăng quăng (bọ gậy); vệ sinh sạch sẽ thân thể cho trẻ. Cha mẹ nên hạn chế cho trẻ tiếp xúc nhiều người, nhất là với những người có biểu hiện bị cảm ho và đeo khẩu trang cho trẻ ở nơi công cộng.

z4154163187882_d7c3f722e0b9704a8b38cb7c0228a369(1).jpg
Các bệnh nhi nhập viện thường mắc các bệnh về hô hấp

Khi trẻ có dấu hiệu sốt cao, phụ huynh cần theo dõi nhiệt độ sốt của trẻ, nếu sốt từ 38,5oC trở lên phải nhanh chóng cho uống thuốc hạ sốt có chứa hoạt chất paracetamol theo đúng liều lượng trên bao bì, tránh tình trạng trẻ bị sốt quá cao, co giật; thường xuyên lau bằng khăn ấm khắp cơ thể để trẻ nhanh hạ sốt hơn. Trẻ bị sốt sẽ bị mệt mỏi, đau nhức, rất cần được nghỉ ngơi trong môi trường trong lành, không tiếng ồn. Nếu thấy trẻ có một số dấu hiệu như ho nhiều, sốt cao khó hạ, thở nhanh, nôn tất cả mọi thứ, không uống được, co giật, bỏ bú, nằm li bì, đi cầu phân lỏng có nhầy máu cần đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được khám, chăm sóc và điều trị tích cực.

“Phụ huynh tuyệt đối không được tự ý mua thuốc kháng sinh để điều trị các bệnh cho trẻ khi chưa có sự chỉ định của bác sĩ. Đây là thói quen không tốt, dẫn đến làm tăng khả năng vi khuẩn kháng lại thuốc kháng sinh, gây khó khăn trong điều trị bệnh ở trẻ sau này. Khi trẻ bị bệnh, phụ huynh nên đưa con đi khám và uống thuốc theo đơn của bác sĩ”, bác sĩ Nhịn thông tin.

x

    Nổi bật

        Mới nhất
        Phòng bệnh cho trẻ khi thời tiết thay đổi
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO