Giao dịch viên tại sàn chứng khoán New York (Mỹ). (Ảnh: THX/TTXVN) |
Sau khi đóng cửa nghỉ lễ President’s Day vào đầu tuần, thị trường chứng khoán Mỹ lao dốc ngay trong phiên giao dịch đầu tiên của tuần này (ngày 21/2) do những lo ngại về chính sách lãi suất của các ngân hàng trung ương lớn.
Giới phân tích cho biết, sự thoái lui phản ánh việc thị trường thừa nhận rằng hy vọng về một sự xoay trục nhanh chóng của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) có thể không thực tế.
Thị trường cũng gặp rắc rối bởi những dự báo ảm đạm về triển vọng năm 2023 từ các chuỗi cửa hàng lớn Walmart và Home Depot. Cả hai công ty đều thừa nhận tác động của lạm phát và lãi suất cao hơn đối với tình hình tiêu dùng.
Phố Wall biến động trái chiều trong phiên liền sau đó, khi thị trường đánh giá biên bản cuộc họp chính sách mới nhất của FED, cho thấy gần như tất cả các nhà hoạch định chính sách đều ủng hộ việc thu hẹp quy mô tăng lãi suất.
Tuy nhiên, số liệu lạm phát và việc làm trong tháng một đã đánh đi tín hiệu rằng, sức ép lạm phát vẫn căng và làm dấy lên lo ngại rằng chu kỳ tăng lãi suất của FED có thể kéo dài.
Tổ chức tư vấn Oxford Economics dự đoán, FED sẽ một lần nữa tăng lãi suất 25 điểm cơ bản trong cả tháng ba và tháng năm và vẫn có nguy cơ FED tăng lãi suất cao hơn nữa.
Trước đó, các ngân hàng Goldman Sachs và Bank of America (BofA) dự báo, FED sẽ tăng lãi suất thêm ba lần trong năm 2023, cao hơn dự báo được các ngân hàng này đưa ra trước đó, sau khi các số liệu mới của nền kinh tế Mỹ cho thấy, lạm phát vẫn cao và thị trường lao động phục hồi.
Theo số liệu được Bộ Lao động Mỹ công bố ngày 16/2, giá của nhà sản xuất đã tăng trong tháng 1/2023, với biên độ cao nhất trong bảy tháng, trong khi số người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu bất ngờ giảm vào tuần trước.
Ba chỉ số chính của Phố Wall đồng loạt đảo chiều tăng trong phiên 23/2, trước khi trở lại quỹ đạo giảm vào phiên cuối tuần, giữa bối cảnh các nhà đầu tư đang phân vân về việc chính sách lãi suất có thể ảnh hưởng đến nền kinh tế Mỹ như thế nào.
Thị trường chứng khoán đã biến động mạnh trong năm nay, giảm trở lại vào tháng Hai sau khi ghi nhận tháng Một tăng mạnh mẽ, khi các nhà đầu tư cố gắng tìm hiểu xem FED sẽ có chính sách lãi suất ra sao.
Những bình luận "diều hâu" từ các nhà hoạch định chính sách đã được xen kẽ với các dữ liệu cho thấy một nền kinh tế Mỹ vẫn vững mạnh.
Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần ngày 24/2, chỉ số Dow Jones giảm 336,99 điểm (tương đương 1%) xuống 32.816,92 điểm. Chỉ số S&P 500 mất 1% còn 3.970,04 điểm. Chỉ số công nghệ Nasdaq Composite giảm 1,7% xuống 11.394,94 điểm.
Giao dịch viên tại sàn giao dịch chứng khoán ở New York (Mỹ). (Ảnh: AFP/TTXVN) |
Các chỉ số này khép lại tuần qua với mức giảm mạnh nhất trong năm 2023. S&P 500 giảm 2,7%, đánh dấu tuần tồi tệ nhất kể từ ngày 9/12/2022. Dow Jones mất gần 3% trong tuần này, ghi nhận bốn tuần giảm liên tiếp. Nasdaq Composite giảm 3,3%, đánh dấu tuần sụt giảm thứ hai trong ba tuần qua.
Giá cổ phiếu Boeing giảm hơn 4% sau khi công ty tạm thời ngừng giao các chiếc máy bay 787 Dreamliners do vấn đề về thân máy bay. Cổ phiếu Microsoft và Home Depot lần lượt giảm 2,2% và 0,9%.
Chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân cốt lõi (PCE), một thước đo lạm phát ưa thích của FED, tăng 0,6% trong tháng 1/2023 và tăng 4,7% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn so với dự báo từ các chuyên gia kinh tế.
Báo cáo này đã làm tăng thêm lo ngại rằng FED có thể phải giữ lãi suất cao hơn trong thời gian dài hơn để dập tắt áp lực lạm phát.
Liz Ann Sonders, Giám đốc chiến lược đầu tư tại Charles Schwab, tin rằng có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự sụt giảm của thị trường bên cạnh số liệu PCE.
Bà nói: "Tôi nghĩ, một lý do khác khiến thị trường gặp khó khăn ở một mức độ nào đó không chỉ do lạm phát nóng hơn hay do lo ngại rằng FED phải thắt chặt chính sách lâu hơn. Mà còn do nhiều suy đoán đã quay trở lại - bong bóng đầu cơ”.