Khi các cuộc đàm phán về việc nâng trần nợ từ mức 31.400 tỷ USD hiện nay diễn ra căng thẳng, các ngân hàng và các công ty quản lý tài sản trên phố Wall đã bắt đầu chuẩn bị cho những tác động nếu nước Mỹ vỡ nợ.
Lĩnh vực tài chính đã chuẩn bị cho một cuộc khủng hoảng như vậy vào trước đó và gần đây nhất là vào tháng 9/2021. Tuy nhiên, lần này, thời gian cho việc đạt thỏa thuận tương đối ngắn, khiến các ngân hàng lo ngại.
Giám đốc điều hành (CEO) Citigroup, Jane Fraser, cho rằng bất đồng về trần nợ lần này đáng lo ngại hơn trong các lần trước. CEO của JPMorgan Chase & CO, Jamie Dimon, cho biết ngân hàng này tiến hành họp hàng tuần về những tác động nếu nước Mỹ vỡ nợ.
Trái phiếu chính phủ Mỹ là cơ sở của hệ thống tài chính toàn cầu. Do đó, việc đánh giá đầy đủ tác động nếu nước này vỡ nợ sẽ là khó khăn.
Tuy nhiên, các CEO nhận định sẽ có những biến động lớn trên các thị trường chứng khoán, trái phiếu và các thị trường khác.
Các CEO trên phố Wall, những người tư vấn về trái phiếu chính phủ, cảnh báo vấn đề của thị trường trái phiếu sẽ nhanh chóng lan sang các thị trường chứng khoán phái sinh, cho vay thế chấp và hàng hóa, khi nhà đầu tư hoài nghi về giá trị pháp lý của trái phiếu vốn được sử dụng rộng rãi để đảm bảo cho các giao dịch và các khoản vay.
Việc nợ vượt trần dù trong thời gian ngắn có thể sẽ khiến lãi suất tăng, giá cổ phiếu lao dốc và dẫn tới những vi phạm đối với các thỏa thuận vay.
Theo Moody's Analytics, các thị trường vốn ngắn hạn có thể đóng băng.
Các ngân hàng, các công ty môi giới và các nền tảng giao dịch đang chuẩn bị trước cho khả năng thị trường trái phiếu chính phủ gián đoạn cũng như những biến động rộng hơn.
Sự chuẩn bị bao gồm việc cân nhắc cách thức thanh toán trái phiếu chính phủ, phản ứng của các thị trường vốn, việc đảm bảo về công nghệ, năng lực của nhân viên và tiền mặt để xử lý khối lượng giao dịch lớn cùng với việc đánh giá tác động đối với các hợp đồng với khách hàng.
Các nhà đầu tư lớn vào trái phiếu cho rằng việc duy trì thanh khoản ở mức cao là cần thiết để có thể đối mặt với biến động giá tài sản và tránh việc phải bán ra ở thời điểm có thể là tồi tệ nhất.
Nền kinh tế đầu tàu thế giới đã chạm ngưỡng giới hạn nợ 31.400 tỷ USD hồi tháng Một vừa qua. Do đó, Bộ Tài chính Mỹ đã phải áp dụng các biện pháp đặc biệt để có thể tiếp tục trang trải cho các hoạt động của chính phủ.
Tuy nhiên, nếu mức trần nợ không được nâng lên hoặc đình chỉ, Chính phủ Mỹ có nguy cơ không thực hiện được các nghĩa vụ tài chính, ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế.
Ngày 14/5 vừa qua, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết ông vẫn “lạc quan” tìm kiếm thỏa thuận về vấn đề trần nợ công với đảng Cộng hòa, qua đó ngăn chặn khủng hoảng nợ công và nhiều hệ lụy đến kinh tế trong nước cũng như toàn cầu.
Đàm phán giữa hai đảng tại Quốc hội Mỹ về việc nâng trần nợ công liên tục rơi vào bế tắc bất chấp nhiều cảnh báo rằng tình trạng nỡ nợ sẽ đe dọa nền kinh tế toàn cầu cũng như làm lung lay vị thế của nền kinh tế đầu tàu thế giới.
Trong khi Tổng thống Joe Biden mong muốn nâng trần nợ vô điều kiện thì các nghị sỹ đảng Cộng hòa lại yêu cầu cắt giảm chi tiêu công nêu muốn nâng trần nợ liên bang hiện ở mức kỷ lục 31.400 tỷ USD./.