Văn phòng Chính phủ ban hành văn bản 3024/VPCP-NN ngày 28/4/2023 truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà liên quan đến phản ánh của doanh nghiệp về khó khăn trong cấp giấy phép môi trường.
Cụ thể, tại trang 3 của Thông tin, báo chí và dư luận liên quan đến công tác chỉ đạo, điều hành số 213/2023/TTĐT ngày 14/4/2023 của Cổng Thông tin điện tử Chính phủ có tổng hợp thông tin về việc cấp giấy phép môi trường cho các doanh nghiệp còn gặp nhiều bất cập, thậm chí các văn bản quy định có hiện tượng chồng chéo, gây trở ngại.
Về việc này, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà có ý kiến như sau:
Giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo nghiên cứu, đề xuất xử lý theo thẩm quyền, quy định pháp luật, quy chế làm việc của Chính phủ, báo cáo Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà.
* Theo tổng hợp thông tin của Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, Báo điện tử Kinh tế và Đô thị ngày 13/4/2023 có bài "Vẫn vướng quy định xin cấp giấy phép môi trường", trong đó phản ánh, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực từ ngày 1/1/2022 đã đưa ra nhiều quy định mới về thời điểm, thời hạn nộp hồ sơ xin cấp phép môi trường, chi phí thẩm định cấp giấy phép môi trường cho các loại dự án.
Tuy nhiên, sau hơn 1 năm có hiệu lực, việc cấp giấy phép môi trường cho các doanh nghiệp còn gặp nhiều bất cập, thậm chí các văn bản quy định có hiện tượng chồng chéo, gây trở ngại cho doanh nghiệp.
TS.LS Ngô Ngọc Diễm (Công ty Luật TNHH Thinksmart) cho rằng, pháp luật hiện nay chưa quy định cụ thể các tiêu chí của cơ quan có thẩm quyền về điều kiện, tiêu chuẩn đánh giá đối với công trình bảo vệ môi trường sau khi đã hoàn thành.
Đây cũng là một lý do mà các doanh nghiệp sau khi hoàn thành các công trình bảo vệ môi trường nhưng báo cáo đề xuất cấp giấy phép môi trường không được duyệt.
Bên cạnh đó, hiện nay Luật chưa quy định rõ quy chuẩn nào được áp dụng để đánh giá sức chịu tải của môi trường.
Cơ quan quản lý cần phải xác định rõ và điều chỉnh lại quy chuẩn cho phù hợp với từng tiêu chí để doanh nghiệp có thể hiểu đúng và đủ để thực hiện./.