Tại phiên thảo luận, nhiều vấn đề được dư luận, cử tri và Nhân dân quan tâm được các đại biểu HĐND tỉnh tập trung phân tích, đánh giá, đề nghị UBND tỉnh, các ngành, địa phương có giải pháp quyết liệt để giải quyết rốt ráo làm tiền đề hoàn thành nhiệm vụ phát triển KT-XH, bảo đảm an sinh xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh.
Các vấn đề được đại biểu tập trung phản ánh là tình trạng phá rừng, thiếu giáo viên, sản xuất nông nghiệp chưa phát huy hết tiềm năng… Nhiều địa phương thiếu nước sinh hoạt; Bệnh viện Đa khoa tỉnh xuống cấp; hiệu quả thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia chưa cao…
Đại biểu Vũ Tiến Lư, Bí thư Huyện ủy Đắk Glong phát biểu ý kiến tại phiên họp |
Đại biểu Vũ Tiến Lư, Bí thư Huyện ủy Đắk Glong cho rằng ngành Nông nghiệp thời gian qua đã có những bước phát triển nhất định. Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp vẫn chưa bền vững. Tái cơ cấu nông nghiệp chưa đạt kết quả đề ra… Đại biểu cho rằng thời gian tới, UBND tỉnh cần có giải pháp đồng bộ hơn để đưa nền sản xuất nông nghiệp phát triển đồng bộ, bền vững.
Đặc biệt, tình trạng phá rừng vẫn diễn ra phức tạp. Từ đầu năm đến nay cả tỉnh có trên 200 vụ phá rừng. Riêng huyện Đắk Glong chiếm đến 129 vụ. Theo đại biểu Vũ Tiến Lư, mặc dù huyện đã triển khai nhiều giải pháp nhưng tình trạng phá rừng vẫn diễn ra. Nguyên nhân chủ yếu vẫn là do sự phối hợp giữa chủ rừng, chính quyền địa phương và cơ quan giữ rừng chưa chặt chẽ. Thời gian tới, UBND tỉnh cần có giải pháp quyết liệt hơn.
Đại biểu Phạm Thị Phượng, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuy Đức phản ánh những bất cập ở địa phương |
Liên quan đến tình trạng phá rừng, đồng chí Lưu Văn Trung đề nghị UBND tỉnh các địa phương xem xét nguyên nhân chủ quan, khách quan, phân rõ trách nhiệm của từng cấp, ngành cụ thể để có hướng xử lý dứt điểm.
Giải trình nguyên nhân và đề ra nhiều giải pháp để khắc phục, tăng cường độ che phủ rừng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trọng Yên cho biết UBND tỉnh đã và đang chỉ đạo ngành Nông nghiệp thực hiện gắn kết trách nhiệm giữa kiểm lâm với chủ rừng.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trọng Yên cung cấp thêm những nội dung được đại biểu quan tâm |
Liên quan đến lĩnh vực giáo dục, đại biểu cho rằng tình trạng thiếu giáo viên đang là khó khăn lớn đối với ngành Giáo dục. Riêng huyện Đắk Glong thiếu gần 140 giáo viên. Trong khi đó, huyện vẫn còn nợ kinh phí dạy kê, dạy gác trên 11 tỷ. Đại biểu mong muốn HĐND tỉnh có giải pháp căn cơ để xử lý, không để “loay hoay” từ năm này sang năm khác.
Giải trình trước HĐND tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tôn Thị Ngọc Hạnh cho rằng có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu giáo viên kéo dài thời gian qua như: tăng dân số cơ học, áp dụng chương trình mới… Mặc dù số biên chế giáo viên được Trung ương phân bổ nhưng cũng không đáp ứng đủ nhu cầu thực tế. Tỉnh cũng đã triển khai nhiều giải pháp như luân chuyển giáo viên, tăng biên chế nhân viên qua giáo viên… Sắp tới, cùng với việc tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp, UBND tỉnh chỉ đạo ngành giáo dục tăng cường xã hội hóa, thu hút thêm các nguồn lực phát triển giáo dục. UBND tỉnh cũng sẽ đề xuất các giải pháp, tăng các hình thức hợp đồng giáo viên phù hợp.
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lưu Văn Trung phát biểu kết luận phiên thảo luận |
Kết luận tại phiên thảo luận, cùng với cung cấp thêm nhiều thông tin có tính định hướng liên quan đến những vấn đề đại biểu quan tâm, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lưu Văn Trung đề nghị UBND tỉnh ghi nhận, tổng hợp lại những ý kiến, kiến nghị các đại biểu đã thảo luận, làm rõ tại hội trường. Những vấn đề bất cập, UBND tỉnh tổng hợp, đưa ra những giải pháp quyết liệt hơn để triển khai hiệu quả, đạt mục tiêu đề ra trong năm và cả giai đoạn.
Ngày mai, 26/7, Kỳ họp thứ 4, HĐND tỉnh khóa IV sẽ tiến hành chất vấn, trả lời chất vấn lãnh đạo UBND tỉnh và 3 sở Nội vụ, Y tế, Giáo dục và Đào tạo; thảo luận, thông qua các nghị quyết và bế mạc kỳ họp.