Quyết định nêu rõ quan điểm xây dựng và phát triển tỉnh Khánh Hòa trở thành thành phố trực thuộc Trung ương phù hợp với vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ chủ quyền quốc gia về biển, đảo của Tổ quốc, trung tâm kết nối vùng, cửa ngõ chính ra Biển Đông của vùng Tây Nguyên và khu vực duyên hải Trung Bộ.
Xây dựng và phát triển tỉnh Khánh Hòa theo hướng đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với cơ cấu lại nền kinh tế và trên cơ sở tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Khai thác và phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế để phát triển với kinh tế biển là nền tảng, công nghiệp chế biến, chế tạo công nghệ cao, dịch vụ logistics, công nghiệp năng lượng, kinh tế số là đột phá; du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn. Phát triển đột phá vùng ven biển; phát triển nhanh và bền vững vùng đồng bằng và miền núi. Đẩy mạnh đô thị hóa đi đôi với phát triển hài hòa, đảm bảo kết nối đô thị - nông thôn; sử dụng hiệu quả không gian biển gắn với khu vực đất liền; hình thành các hành lang kinh tế kết nối không gian phát triển và tăng cường hiệu ứng lan tỏa, tham gia vào các hành lang kinh tế quan trọng quốc gia.
Khánh Hòa đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân thời kỳ 2021 - 2030 đạt 8,3%/năm
Mục tiêu tổng quát đến năm 2030, Khánh Hòa trở thành thành phố trực thuộc Trung ương; trung tâm dịch vụ, du lịch biển quốc tế; một cực tăng trưởng, trung tâm của khu vực duyên hải Trung Bộ, Tây Nguyên và cả nước về kinh tế biển, công nghiệp công nghệ cao, khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, đào tạo nguồn nhân lực và dịch vụ chăm sóc sức khỏe chất lượng cao.
GRDP bình quân đầu người phấn đấu vào nhóm 15 tỉnh, thành phố cao nhất cả nước. Kết cấu hạ tầng được đầu tư đồng bộ, hiện đại. Hệ thống đô thị phát triển theo hướng hiện đại, thông minh, bền vững, giàu bản sắc với một số đô thị đạt đẳng cấp quốc tế. Nhân dân được hưởng thụ mức sống cao, hiền hòa và hạnh phúc. Hệ sinh thái và cảnh quan thiên nhiên được bảo vệ; có năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu. Quốc phòng, an ninh và chủ quyền biển, đảo được bảo đảm vững chắc.
Mục tiêu cụ thể tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân thời kỳ 2021 - 2030 của Khánh Hòa đạt 8,3%/năm; GRDP bình quân đầu người đạt 189 triệu đồng; tăng trưởng năng suất lao động bình quân thời kỳ 2021 - 2030 đạt 7,0%/năm; tỷ lệ đô thị hóa đạt 70%; tổng lượt khách du lịch đạt 13,8 triệu lượt khách, trong đó có 7 triệu lượt khách quốc tế và 6,8 triệu lượt khách du lịch nội địa; kinh tế số chiếm khoảng 30% GRDP; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 90%; tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ đạt 40%. Cơ cấu lao động: Nông, lâm nghiệp và thủy sản khoảng 18 - 19%; công nghiệp - xây dựng 30 - 31% và dịch vụ: 50 - 51%.
Các đột phá phát triển Khánh Hòa
Tạo đột phá trong cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thực hiện tốt cơ chế chính sách đặc thù do Quốc hội ban hành nhằm huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực trong và ngoài tỉnh cho phát triển kinh tế - xã hội, nhất là để phát triển đột phá 03 vùng trọng điểm - động lực phát triển của tỉnh - là Khu vực vịnh Vân Phong, thành phố Nha Trang và khu vực vịnh Cam Ranh.
Tạo đột phá trong phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt cho những ngành quan trọng như du lịch, công nghiệp chế biến, chế tạo, dịch vụ logistics, cảng biển, thủy sản và hậu cần nghề cá, công nghệ thông tin.
Tăng cường nghiên cứu và ứng dụng khoa học - công nghệ, nhất là các lĩnh vực phục vụ phát triển kinh tế biển như hải dương học, công nghệ đại dương, công nghệ sản xuất giống thủy sản, công nghệ nuôi trồng và chế biến thủy sản, vaccine và sinh phẩm y tế, ứng dụng công nghệ vào dịch vụ du lịch... Thúc đẩy mạnh mẽ đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, nhất là khởi nghiệp sáng tạo.
Tăng cường đầu tư, huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực trong xã hội để tạo đột phá trong xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội theo hướng đồng bộ, hiện đại; trọng tâm là các dự án trọng điểm, có tính lan tỏa, nhất là hạ tầng giao thông, hạ tầng khu kinh tế, khu công nghiệp, hạ tầng đô thị, cảng biển, cảng hàng không và thích ứng có hiệu quả với biến đổi khí hậu. Chú trọng phát triển hạ tầng thông tin, viễn thông, xây dựng và phát triển các cơ sở dữ liệu của tỉnh đồng bộ với hạ tầng dữ liệu Quốc gia, tạo nền tảng chuyển đổi số, từng bước phát triển kinh tế số, xã hội số trên địa bàn tỉnh.
Phát triển các ngành dịch vụ chất lượng cao
Để đạt được các mục tiêu đặt ra, Khánh Hòa sẽ phát triển các ngành dịch vụ chất lượng cao bao gồm du lịch, tài chính, thương mại, logistics, giáo dục và phát triển đô thị. Khánh Hòa trở thành trung tâm dịch vụ đa dạng, chuyên nghiệp với du lịch biển bền vững, các sản phẩm du lịch cao cấp, dịch vụ vận tải - logistics và phát triển đô thị thông minh.
Phát triển các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; năng lượng; công nghệ thông tin và viễn thông; công nghiệp hỗ trợ. Thu hút các ngành công nghiệp sử dụng công nghệ cao, thân thiện với môi trường và tăng cường chuyển đối số, tham gia hiệu quả vào các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế số.
Giai đoạn 2021 - 2030 tập trung vào một số ngành công nghiệp theo thứ tự ưu tiên như sau: (1) Công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản và thực phẩm chất lượng cao; (2) Công nghiệp cơ khí chế tạo công nghệ cao (chủ đạo là đóng tàu); (3) Công nghiệp năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, chế biến dầu khí; (4) Công nghiệp điện tử, viễn thông, bán dẫn; (5) Công nghiệp hỗ trợ cho các ngành cơ khí chế tạo, điện tử, viễn thông, bán dẫn, dệt may - da giày; (6) Công nghiệp công nghệ sinh học, sản xuất vaccine, dược liệu biển; (7) Công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng mới.
Phát triển nông nghiệp theo hướng tập trung quy mô lớn, tăng cường ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số gắn với chế biến, tiêu thụ theo chuỗi giá trị, nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh và chủ động hội nhập quốc tế.
Phát triển ngành thủy sản bền vững, giá trị cao, đồng bộ với các ngành, lĩnh vực phụ trợ như cung cấp giống thủy sản, khoa học công nghệ, đào tạo nhân lực. Phát huy vai trò trung tâm nghề cá lớn để ngư trường Nam Trung Bộ và Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa phát triển trở thành địa bàn mũi nhọn trong đánh bắt xa bờ và hậu cần nghề cá của vùng. Bên cạnh đó, phát triển nuôi trồng thủy sản giá trị cao, đặc biệt là nuôi biển công nghệ cao, gắn với chế biến và xây dựng, quảng bá thương hiệu.
3 vùng động lực phát triển
Phát triển khu vực vịnh Vân Phong (Khu kinh tế Vân Phong) trở thành một trung tâm kinh tế biển hiện đại, địa bàn động lực phát triển của tỉnh Khánh Hòa nói riêng và khu vực Nam Trung Bộ nói chung.
Phát triển thành phố Nha Trang là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, khoa học, công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực; phát huy hiệu quả hơn nữa vai trò một cực tăng trưởng quan trọng, cửa ngõ hội nhập quốc tế của tỉnh Khánh Hòa.
Phát triển khu vực vịnh Cam Ranh là vùng trọng điểm về kinh tế, xã hội gắn với quốc phòng, an ninh; trong đó phát triển thành phố Cam Ranh là đô thị du lịch - logistics, huyện Cam Lâm trở thành đô thị sân bay hiện đại, sinh thái, đẳng cấp quốc tế.
Thành phố Nha Trang là đô thị hạt nhân
Về phương án quy hoạch hệ thống đô thị, đến năm 2030, Khánh Hòa có 02 đô thị loại I (thành phố Nha Trang và đô thị mới Cam Lâm), 01 đô thị loại II (thành phố Cam Ranh), 01 đô thị loại III, 02 đô thị loại IV và các đô thị loại V.
Trong đó, thành phố Nha Trang là đô thị hạt nhân; thành phố Cam Ranh là đô thị du lịch - logistics; huyện Cam Lâm trở thành đô thị sân bay hiện đại, sinh thái, đẳng cấp quốc tế; huyện Vạn Ninh trở thành đô thị du lịch biển cao cấp; thị xã Ninh Hòa là đô thị công nghiệp; huyện Diên Khánh là đô thị sinh thái, văn hóa truyền thống; huyện Khánh Sơn và Khánh Vĩnh là các tiểu đô thị sinh thái núi rừng.
Khu kinh tế Vân Phong trở thành trung tâm kinh tế biển hiện đại
Phát triển Khu kinh tế Vân Phong trở thành một trung tâm kinh tế biển hiện đại. Tổ chức không gian khu kinh tế thành 02 khu vực: Bắc Vân Phong và Nam Vân Phong.
Phát triển khu vực Bắc Vân Phong trở thành đô thị du lịch, nghỉ dưỡng đẳng cấp quốc tế. Phát triển du lịch biển cao cấp để khai thác giá trị tối đa từ lợi thế về vị trí, cảnh quan của khu vực. Kêu gọi đầu tư các khu nghỉ dưỡng hướng tới phân khúc khách hàng cao cấp, thiết kế hài hòa với cảnh quan thiên nhiên và vận hành theo các tiêu chuẩn quốc tế về bền vững của ngành du lịch. Xây dựng bến cảng đón tàu chở khách du lịch và du thuyền hạng sang. Phát triển cảng biển và dịch vụ hậu cần cảng. Định hướng lâu dài phát triển cảng trung chuyển quốc tế khi có đủ điều kiện. Thực hiện tốt công tác bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ tài nguyên du lịch bền vững.
Khu vực Nam Vân Phong trở thành trung tâm công nghiệp gắn với cảng biển, cùng với các dự án khu đô thị, dịch vụ du lịch ven biển. Tập trung thu hút các dự án xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp, các dự án công nghiệp trọng điểm với các ngành công nghiệp chủ lực như công nghiệp công nghệ cao, năng lượng, chế biến dầu khí, đóng tàu, công nghiệp chế biến, chế tạo, các ngành công nghiệp phụ trợ. Phát triển các cảng hàng hóa gắn với trung tâm logistics tại Nam Vân Phong để phục vụ cho cả khu vực Tây Nguyên và duyên hải Trung Bộ.