Theo Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Đắk Nông, những năm gần đây, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, các hiện tượng thời tiết cực đoan, khí hậu của tỉnh diễn biến ngày càng bất thường. Đáng chú ý, tổng lượng mưa hàng năm giảm, mùa mưa kết thúc sớm, dễ gây hạn hán cho mùa khô.
Trong khi đó, Đắk Nông có địa hình chia cắt mạnh, không thuận lợi cho việc xây dựng các công trình thủy lợi quy mô lớn. Cộng với khó khăn về nguồn vốn, nên hầu hết các hồ chứa nước trên địa bàn tỉnh có dung tích nhỏ, đa số được xây dựng khá lâu.
Đến nay, nhiều công trình thủy lợi đã hư hỏng, xuống cấp, bồi lắng lòng hồ diễn ra nhiều, làm cho dung tích nước giảm mạnh, dẫn đến hạn chế năng lực tưới cho cây trồng.
Theo số liệu thống kê của ngành Nông nghiệp, hàng năm, diện tích các loại cây trồng bị ảnh hưởng bởi hạn hán, thiếu nước là khoảng từ 3.000 - 12.000 ha. Trong đó, cây trồng lâu năm như cà phê, tiêu, chiếm từ 80 - 90% tổng diện tích ảnh hưởng, còn lại là diện tích lúa, hoa màu.
Nhà thầu đang thi công kè chống sạt lở bờ sông Krông Nô |
Tùy theo thời điểm, hạn hán ảnh hưởng nghiêm trọng trên diện rộng đối với hầu hết các huyện. Trong đó Cư Jút, Krông Nô, Đắk Mil và một số xã thuộc vùng biên giới đều chịu ảnh hưởng rất lớn.
Để giúp các địa phương phát triển sản xuất, tạo sinh kế và phòng, chống thiên tai, ngành thủy lợi đã quan tâm, ưu tiên đầu tư xây dựng các hồ chứa, đập dâng tại một số địa bàn có nguy cơ cao về hạn hán, thiếu nước.
Theo kế hoạch, trong giai đoạn 2021-2030, tỉnh sẽ tập trung thực hiện 51 công trình hồ chứa nước bị hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng tại một số huyện. Cụ thể, tại huyện Đắk Song có 6 hồ chứa, Đắk Glong 20 hồ chứa, Tuy Đức 6 đập dâng, Krông Nô 4 hồ chứa đều phải sửa chữa, nâng cấp.
Bên cạnh đó, các địa phương cũng chú trọng triển khai công tác phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ suối; xây dựng nhà cộng đồng tránh, trú bão, lũ; di dời, bố trí lại dân cư vùng thường xuyên bị thiên tai…
Trạm bơm Suối Đá, xã Quảng Hòa (Đắk Glong) cung cấp nước tưới cho hàng trăm ha cây trồng trên địa bàn |
Theo ông Lê Trung Kiên, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Đắk Nông, trong những năm qua, việc phát triển thủy lợi đã giúp tăng diện tích tưới, giảm thiểu thiệt hại cho cây trồng do hạn hán.
Nhiều vùng sản xuất trên địa bàn tỉnh được khôi phục, phát triển bền vững nhờ được đầu tư xây dựng các công trình thủy lợi. Năng suất, sản lượng nhiều loại cây trồng được nâng cao do bảo đảm nguồn nước tưới.
Trong thời gian tới, tỉnh sẽ bố trí nguồn vốn ngân sách Trung ương, vốn vay ODA vào đầu tư các dự án tiêu úng, tiêu thoát lũ; xây dựng, nâng cấp hồ chứa, các dự án giao thông… có quy mô và kinh phí đầu tư lớn.
Còn đối với ngân sách địa phương, tỉnh tập trung đầu tư nâng cấp hệ thống công trình như: kè kết hợp giao thông nông thôn, công trình phòng, chống sạt lở, dự án di dời dân, các công trình về khắc phục, phòng, chống thiên tai.
Tỉnh mua sắm phương tiện, trang thiết bị, hệ thống thông tin liên lạc phục vụ phòng, chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ, khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra…
Theo Chi cục Thủy lợi tỉnh Ðắk Nông, từ năm 2021 đến nay, toàn tỉnh đã đưa vào sử dụng 13 công trình thủy lợi. Năm 2022, UBND tỉnh cũng đã phê duyệt chủ trương đầu tư nâng cấp, sửa chữa 7 hồ chứa tại các huyện Ðắk Glong, Cư Jút, Ðắk R’lấp, Tuy Ðức. |