Tại điểm cầu Đắk Nông, đồng chí Lê Văn Chiến, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh chủ trì.
Các đại biểu dự Hội nghị tại điểm cầu Đắk Nông |
Thị trường lao động Việt Nam được chính thức hình thành và phát triển từ năm 1986, đến nay, đã đạt được những thành tựu quan trọng. Quy mô và chất lượng cung - cầu lao động gia tăng, nguồn cung được bảo đảm với trên 51,6 triệu người. Chất lượng việc làm ngày càng được cải thiện, tỷ lệ qua đào tạo tăng qua từng năm, tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 26,2%.
Cơ cấu lao động có bước chuyển dịch tích cực theo hướng giảm tỷ trọng lao động khu vực nông nghiệp, tăng tỷ trọng lao động khu vực công nghiệp và dịch vụ. Tiền lương và thu nhập của người lao động được cải thiện rõ rệt.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Những năm qua, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, ban hành nhiều chủ trương, chính sách tạo hành lang pháp lý phát triển thị trường lao động. Đến nay, về cơ bản, thị trường lao động đã được hình thành và từng bước vận hành theo cơ chế thị trường trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Mặc dù vậy, thị trường lao động chưa theo kịp được yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội, chưa thích ứng đầy đủ được với sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế và quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chuyển đổi số và hội nhập quốc tế. Cân đối cung - cầu lao động chưa hiệu quả dẫn tới chưa tiệm cận được năng suất tiềm năng. Hệ thống thông tin thị trường chưa thực sự hoàn chỉnh. Kết nối thị trường lao động trong nước và quốc tế còn yếu.
Thủ tướng đề nghị phải nâng cao nhận thức về thị trường lao động có tính quy luật cung - cầu và cạnh tranh. Tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật đồng bộ, thống nhất để thị trường lao động phát triển theo hướng linh hoạt, hiện đại, đầy đủ, bền vững, hội nhập quốc tế, thúc đẩy tạo việc làm bền vững, có thu nhập cao.
Nước ta cần tiếp tục nội luật hóa và quy định cụ thể các tiêu chuẩn lao động phù hợp với điều kiện của Việt Nam và tiêu chuẩn quốc tế. Đẩy mạnh xây dựng chính sách việc làm trên nguyên tắc có tính dự báo, tầm nhìn chiến lược, chủ động, phù hợp với cơ chế thị trường, đa dạng hóa các nguồn tín dụng để thúc đẩy tạo việc làm mới, chất lượng cao, việc làm bền vững, việc làm xanh, việc làm phục vụ chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, cho đối tượng yếu thế, vùng sâu, vùng xa.