Phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa

Cao Bá Hoàng| 07/06/2021 08:43

Trong bài viết “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” mới đây, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Đưa ra quan niệm phát triển kinh tế thị trường (KTTT) định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN) là một đột phá lý luận rất cơ bản và sáng tạo của Đảng ta, là thành quả lý luận quan trọng qua 35 năm thực hiện đường lối đổi mới, xuất phát từ thực tiễn Việt Nam và tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm của thế giới”.

KTTT của thời kỳ quá độ

KTTT là một sản phẩm của lịch sử, cùng với quá trình toàn cầu hóa, mỗi quốc gia xây dựng cho mình một mô hình KTTT khác nhau. Thực tiễn và lý luận về mô hình KTTT hết sức phong phú, đa dạng và phức tạp, không thể áp dụng máy móc mô hình KTTT của nước này cho nước khác được. Nó luôn là bài toán đầy thách thức đối với bất cứ nước nào muốn phát triển nền KTTT vào thực tiễn quốc gia mình. Do đó mỗi quốc gia, dân tộc cần thực sự cầu thị, khiêm tốn học hỏi, kế thừa có chọn lọc.

Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa tuân theo các quy luật thị trường, tận dụng tối đa hiệu quả các nguồn lực tự nhiên và xã hội vì mục tiêu phát triển bền vững nhằm phục vụ cho lợi ích của Nhân dân. Ảnh: Công nhân kiểm tra chất lượng sản phẩm lụa tơ tằm  xuất khẩu. Ảnh tư liệu

Trong điều kiện nước ta tiến lên xây dựng CNXH, bỏ qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa, những nền tảng của nền kinh tế hiện đại tiền XHCN, như: vốn, khoa học kỹ thuật, khoa học quản lý còn thiếu và yếu; cũng như xuất phát điểm từ một nước nông nghiệp lạc hậu, bị chế độ thực dân - phong kiến cai trị; trải qua hơn 30 năm chiến tranh, làm cho hệ thống cơ sở vật chất bị tàn phá nặng nề và bị bao vây cấm vận.

Vì vậy, xây dựng CNXH ở nước ta hiện nay cần phải đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, phát triển nền sản xuất lớn XHCN; làm cho quan hệ sản xuất mới trở thành các quan hệ cơ bản, đặc trưng của XHCN và nền KTTT định hướng XHCN là mô hình kinh tế để thực hiện thời kỳ quá độ nhằm thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài; chuyển giao khoa học công nghệ; phát triển lực lượng sản xuất, tạo lập cơ sở vật chất - kỹ thuật cho CNXH.

Bài viết của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ rõ: “Đó là một kiểu KTTT mới trong lịch sử phát triển của KTTT; một kiểu tổ chức kinh tế vừa tuân theo những quy luật của KTTT vừa dựa trên cơ sở và được dẫn dắt, chi phối bởi các nguyên tắc và bản chất của CNXH, thể hiện trên cả ba mặt: Sở hữu, tổ chức quản lý và phân phối. Đây không phải là nền KTTT tư bản chủ nghĩa và cũng chưa phải là nền KTTT XHCN đầy đủ (vì nước ta còn đang trong thời kỳ quá độ)”.

Xây dựng nền KTTT định hướng XHCN ở Việt Nam hiện nay, đặt ra yều cầu, Đảng lãnh đạo như thế nào để phát huy mọi nguồn lực để xây dựng phát triển kinh tế? Giảm thiểu những hạn chế, mặt trái của nền KTTT như phân hóa giàu - nghèo; chạy theo lợi nhuận; ô nhiễm môi trường v.v…? Điều này được bài viết của Tổng Bí thư chỉ ra “Một đặc trưng cơ bản, một thuộc tính quan trọng của định hướng XHCN trong KTTT ở Việt Nam là phải gắn kinh tế với xã hội, thống nhất chính sách kinh tế với chính sách xã hội, tăng trưởng kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước, từng chính sách và trong suốt quá trình phát triển”.

Hoàn thiện, phát triển nền KTTT định hướng XHCN

Từ thực tiễn công cuộc đổi mới toàn diện do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo từ năm 1986 đến nay, chuyển từ nền kinh tế kế hàng hóa tập trung sang mô hình nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, vận hành theo cơ chế thị trường, Đảng ta ngày càng nhận thức rõ hơn về CNXH và thời kỳ quá độ đi lên CNXH gắn với xây dựng, hoàn thiện, phát triển nền KTTT định hướng XHCN.

Nghị quyết số 11/NQ/TW, ngày 3/6/2017 tại Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII “về hoàn thiện thể chế KTTT định hướng XHCN”, với quan điểm “Xây dựng và hoàn thiện thể chế KTTT định hướng XHCN là một nhiệm vụ chiến lược, là khâu đột phá quan trọng, tạo động lực để phát triển nhanh và bền vững; đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa; xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế; thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội”.

Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII tiếp tục khẳng định: “KTTT định hướng XHCN là mô hình tổng quát của nước ta trong thời kỳ quá độ lên CNXH” là sự minh chứng cho sự lãnh đạo toàn diện của Đảng trong quá trình xây dựng, phát triển đất nước đi lên xây dựng CNXH hiện nay.

Phát triển, xây dựng nền KTTT định hướng XHCN là nội dung lớn trong quá trình đổi mới, hội nhập quốc tế đi lên CNXH ở Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước. Vì vậy, bất kỳ sự dao động nào về tư tưởng; về vai trò lãnh đạo của Đảng đối với nền kinh tế, sẽ tạo ra mảnh đất màu mỡ cho chủ nghĩa cơ hội, luận điệu thù địch.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO