Kinh tế

Phát triển kinh tế rừng Đắk Nông: 'Trụ đỡ' từ đề án đột phá

Hồng Thủy-Minh Sáng 28/03/2023 06:57

Ngoài phát triển diện tích rừng tự nhiên, đề án của tỉnh Đắk Nông sẽ chú trọng phát triển kinh tế rừng, như: chăn nuôi, trồng cây đặc sản, trồng dược liệu, du lịch sinh thái...

Toàn tỉnh Đắk Nông hiện còn trên 248.343 ha rừng, trong đó có hơn 196.358 ha rừng tự nhiên. Tuy nhiên, trong khi độ che phủ rừng bình quân cả nước đạt gần 42%, thì Đắk Nông chỉ đạt hơn 38%. Ngoài ra, tiềm năng phát triển kinh tế dưới tán rừng của tỉnh này cũng rất lớn, nhưng gần như chưa được khai thác. Chính vì thế, ngoài việc tập trung mọi nguồn lực bảo vệ thật tốt gần 200.000 ha rừng tự nhiên, tỉnh Đắk Nông đang tiếp tục nâng cao độ che phủ rừng và đẩy mạnh phát triển kinh tế rừng.

Đề án phát triển rừng đa mục đích

UBND tỉnh Đắk Nông vừa phê duyệt đề án phát triển rừng tự nhiên gắn với phát triển kinh tế - xã hội, ổn định dân cư giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030 (Quyết định số 35/QĐ-UBND). Đề án được giao cho Sở NN-PTNT tỉnh Đắk Nông làm chủ đầu tư, với kinh phí thực hiện gần 893 tỉ đồng.

Trọng tâm của đề án là quả lý, bảo vệ tốt diện tích rừng tự nhiên gắn với phát triển kinh tế - xã hội, ổn định dân cư sống trong và gần rừng; nâng tỷ lệ che phủ rừng của tỉnh đến năm 2025 đạt trên 40%, đến năm 2030 là trên 42%, tương mức bình quân cả nước; nỗ lực bảo vệ hơn 248.000 ha rừng, giảm thấp nhất các hành vi xâm hại tài nguyên rừng. Ngoài ra, chú trọng đến công tác bảo tồn, phát triển, theo dõi, giám sát, cứu hộ và phát triển sinh vật, đặc biệt là các loài động, thực vật nguy cấp trong các khu rừng có giá trị bảo tồn cao. 

Đắk Nông đang nỗ lực bảo vệ hơn 196.000ha rừng tự nhiên còn lại của tỉnh và phát triển thêm diện tích mới. Trong ảnh là một góc thuộc khu bảo tồn thiên nhiên Nâm Nung, nằm trên địa bàn 3 huyện Krông Nô, Đăk Glong và Đăk Song, tỉnh Đắk Nông. Ảnh: Hồng Thuỷ.

Đắk Nông đang nỗ lực bảo vệ hơn 196.000ha rừng tự nhiên còn lại của tỉnh và phát triển thêm diện tích mới. Trong ảnh là một góc thuộc khu bảo tồn thiên nhiên Nâm Nung, nằm trên địa bàn 3 huyện Krông Nô, Đắk Glong và Đắk Song, tỉnh Đắk Nông. Ảnh: Hồng Thuỷ

Nhiệm vụ trọng tâm của đề án trong thời gian tới là cập nhật hồ sơ quản lý đối với toàn bộ diện tích đất sản xuất nông nghiệp, canh tác rẫy bên trong lâm phần rừng tự nhiên của các đơn vị; rà soát, xác định toàn bộ khu vực giáp ranh giữa đất bị người dân lấn chiếm với diện tích rừng tự nhiên. Thường xuyên tuần tra kiểm soát bảo vệ rừng. Tổ chức các cuộc tuần tra liên ngành, nhằm truy quét các nhóm đối tượng xâm hại rừng.

Ngoài việc quản lý, bảo vệ tốt diện tích rừng tự nhiên, tỉnh Đắk Nông sẽ chú trọng phát triển kinh tế rừng. Xây dựng các mô hình phát triển kinh tế rừng, góp phần tăng doanh thu cho các đơn vị quản lý, bảo vệ rừng, thông qua các hoạt động như: nuôi heo, bò, dê dưới tán rừng; khai thác lồ ô, tre nứa; trồng cây đặc sản trong rừng tự nhiên; trồng dược liệu dưới tán rừng; phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng.

Theo ông Lê Quang Dần, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Đắk Nông, trong bối cảnh rừng ngày càng đóng vai trò quan trọng cả về phương diện môi trường lẫn kinh tế, thì Đắk Nông cũng như các địa phương khác trong cả nước, đang được hưởng những chính sách ưu đãi lớn từ nhà nước như: hỗ trợ về giao khoán rừng; chi trả dịch vụ môi trường rừng; nguồn vốn đầu tư của các doanh nghiệp, các tổ chức phi chính phủ… Đây là điều kiện rất thuận lợi để nâng cao hiệu quả bảo vệ rừng cũng  như phát triển kinh tế dưới tán rừng.

Lực lượng bảo vệ rừng ở khu bảo tồn thiên nhiên Nâm Nung. Ảnh: Hồng Thuỷ.

Lực lượng bảo vệ rừng ở khu bảo tồn thiên nhiên Nâm Nung. Ảnh: Hồng Thuỷ

“Còn tại địa phương, từ năm 2019, HĐND tỉnh Đắk Nông đã thông qua Nghị quyết về một số chính sách bảo vệ, phát triển rừng trên địa bàn tỉnh. Trong đó quan trọng là việc điều chỉnh chính sách hỗ trợ đầu tư trồng rừng sản xuất, trồng cây phân tán, trồng cây nông lâm kết hợp; hỗ trợ hoạt động quản lý, bảo vệ rừng tự nhiên của các đơn vị được giao khoán, cho thuê rừng; hỗ trợ kinh phí cho hoạt động Ban lâm nghiệp xã. Ví dụ, đối với các tổ chức, cá nhân, cộng đồng dân cư, hộ gia đình không có, hoặc có nguồn thu từ dịch vụ môi trường rừng dưới mức 300.000 đồng/ha/năm, sẽ được hỗ trợ đủ 300.000 đồng/ha/năm; hỗ trợ 200.000 đồng/ha/năm đối với các chủ rừng có diện tích rừng không có hoặc nguồn thu từ dịch vụ môi trường rừng từ 300.000 – 400.000 đồng/ha/năm…”, ông Dần nói.

Gắn trách nhiệm của kiểm lâm với chủ rừng

Ngay sau khi ban hành Quyết định số 35, tỉnh Đắk Nông tiếp tục ban hành kế hoạch số 329 về triển khai thực hiện Đề án tăng cường quản lý, bảo vệ rừng, gắn trách nhiệm của lực lượng Kiểm lâm với chủ rừng.

Mục tiêu chung của Kế hoạch, nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh; hạn chế đến mức thấp nhất các hành vi xâm hại tài nguyên rừng; lập lại trật tự, kỷ cương trong công tác quản lý, bảo vệ rừng; góp phần tăng tỷ lệ che phủ rừng của tỉnh Đắk Nông đạt trên 40% vào năm 2025 và trên 42% vào năm 2030; Phát huy vai trò, trách nhiệm của lực lượng Kiểm lâm, chủ rừng và các đơn vị liên quan đối với công tác quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh Đắk Nông.

Mục tiêu cụ thể giữ vững diện tích 248.343 ha rừng hiện còn trên địa bàn tỉnh, đặc biệt diện tích hơn 196.358 ha rừng tự nhiên. Phấn đấu 100% diện tích rừng bị phá, đất bị lấn, chiếm được phục hồi lại rừng (sau khi hoàn thiện hồ sơ thủ tục xử lý), hạn chế thấp nhất tình trạng tái lấn, chiếm; hạn chế tối thiểu số vụ vi phạm không phát hiện được đối tượng.

Tại công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Nam Tây Nguyên (huyện Tuy Đức), công tác tuyên truyền bảo vệ rừng, và phối hợp với người dân bản địa trong việc giữ rừng phát huy hiệu quả cao. Trong ảnh: Một buổi họp dân của công ty Nam Tây Nguyên. Ảnh: Hồng Thuỷ.

Tại công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Nam Tây Nguyên (huyện Tuy Đức), công tác tuyên truyền bảo vệ rừng, và phối hợp với người dân bản địa trong việc giữ rừng phát huy hiệu quả cao. Trong ảnh: Một buổi họp dân của công ty Nam Tây Nguyên. Ảnh: Hồng Thuỷ

Nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các lực lượng: Công an, Quân đội, Kiểm lâm, chủ rừng, chính quyền địa phương và đơn vị liên quan trong công tác quản lý, bảo vệ rừng. Phân bổ hợp lý biên chế, số lượng công chức Kiểm lâm giữa các địa bàn; gắn trách nhiệm của Kiểm lâm địa bàn với đơn vị chủ rừng. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong thực thi nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng của chính quyền địa phương (UBND cấp huyện, UBND cấp xã) và các đơn vị chủ rừng.

Kế hoạch nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, phát huy tinh thần trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị liên quan trong công tác quản lý, bảo vệ rừng; đặc biệt là lực lượng Kiểm lâm, chính quyền địa phương và đơn vị chủ rừng trên địa bàn tỉnh; khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý, bảo vệ rừng thời gian qua.

Ông Lê Quang Dần cho biết, tỉnh đang quyết liệt thực hiện quản lý, bảo vệ, phát triển trữ lượng diện tích rừng hiện có, giảm thiểu tới mức thấp nhất việc phá rừng, lấn chiếm đất rừng; tập trung trồng rừng sản xuất và đề án nông lâm kết hợp. Bên cạnh quản lý, bảo vệ diện tích rừng hiện có, trong 5 năm, tỉnh Đắk Nông phải trồng tối thiểu 10.000 ha rừng mới đạt mục tiêu che phủ rừng mà Nghị quyết Đảng bộ tỉnh Đắk Nông đề ra.

Tiềm năng phát triển kinh tế dưới tán rừng của Đắk Nông rất lớn, nhưng gần như chưa khai thác. Trong đó, 2 huyện Tuy Đức và Đắk Glong có diện tích rừng lớn nhất. Chúng tôi đã lên kế hoạch xây dựng, mời gọi doanh nghiệp đầu tư vào ngành trồng, khai thác và chế biến gỗ, trồng dược liệu dưới tán rừng ở những diện tích rừng được phép trồng. Đối với đề án nông lâm kết hợp và trồng cây phân tán, nếu cá nhân, doanh nghiệp tham gia, chúng tôi có cơ chế khuyến khích, hỗ trợ, đảm bảo theo hướng các bên đều có lợi.

Ông Lê Quang Dần, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Đắk Nông

Theo nongnghiep.vn
https://nongnghiep.vn/phat-trien-kinh-te-rung-dak-nong-bai-1-tru-do-tu-de-an-dot-pha-d346956.html
Copy Link
https://nongnghiep.vn/phat-trien-kinh-te-rung-dak-nong-bai-1-tru-do-tu-de-an-dot-pha-d346956.html
x

    Nổi bật

        Mới nhất
        Phát triển kinh tế rừng Đắk Nông: 'Trụ đỡ' từ đề án đột phá
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO