Kinh tế

Phát triển kinh tế rừng Đắk Nông (bài 4): Đánh thức rừng Nam Tây Nguyên

Hồng Thủy-Minh Sáng 30/03/2023 21:18

Tiềm năng phát triển du lịch và ngành dược liệu dưới tán rừng của rừng Nam Tây Nguyên là rất lớn, đặc biệt là loại hình du lịch khám phá, nghỉ dưỡng và nghiên cứu.

ADQuảng cáo

Khởi đầu nan

Rừng do Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Nam Tây Nguyên quản lý có tổng diện tích 27.277ha. Trong đó diện tích có rừng gần 24.000ha, Phần còn lại là đất không có rừng và đất người dân chiếm dụng từ trước.

Rừng Nam Tây Nguyên có tổng chu vi khoảng 120km, nằm trên địa giới hành chính của 3 xã là Quảng Trực, Quảng Tâm và Đắk Ngo của huyện Tuy Đức, tiếp giáp với nhiều làng dân cư bản địa, vốn có “truyền thống” xâm canh lấn chiếm đất rừng để canh tác. Nhưng, kể từ năm 2017 đến nay, tình trạng xâm canh, lấn chiếm rừng ở đây ngày càng giảm. Hiện nay, ngoài một số diện tích đất không có rừng bị người dân chiếm để canh tác từ lâu, chưa thể thu hồi, thì tình trạng phá rừng gần như đã chấm dứt. Đó là nhờ sự nỗ lực không ngừng nghỉ của cả tập thể cán bộ, công nhân viên công ty, biết cách “lấy lòng” người dân bản địa, để họ chung tay bảo vệ, phát triển rừng, và cùng hưởng lợi từ rừng.

Đường QL14C mới xuyên rừng Nam Tây Nguyên. Ảnh: Hồng Thuỷ.

Đường QL14C mới xuyên rừng Nam Tây Nguyên. Ảnh: Hồng Thuỷ

Tâm sự với chúng tôi, ông Nguyễn Ngọc Bình, Chủ tịch Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Nam Tây Nguyên trầm ngâm: “Nhiều năm trước, Tuy Đức là địa phương “nóng” nhất tỉnh Đắk Nông về lấn chiếm, phá rừng. Và rừng Nam Tây Nguyên là 1 điểm nóng trong đó. Bởi phần lớn dân bản địa là đồng bào thiểu số, không hiểu biết pháp luật, đời sống thì khó khăn, họ mưu sinh chủ yếu dựa vào rừng. Nên khi mình quản lý gắt gao, họ không còn đường nào khác ngoài việc tiếp tục lén lút vào phá rừng, khai hoang để canh tác. Trong khi đó, lại thêm một lượng dân di cư không nhỏ từ ngoài Bắc vào, đất sản xuất không có, họ cũng chỉ biết trông nhờ vào “miếng cơm” trong rừng để sống. Chính vì thế, muốn giữ được rừng thì điều đầu tiên cần làm là phải nghĩ đến hướng mưu sinh của dân. Nếu không, với hàng chục ngàn ha rừng, chia cho vài chục con người, đi bộ cả ngày không hết một tiểu khu, lại phải đối mặt với vô vàn khó khăn, làm sao giữ nổi?”.

Ngừng giây lát, ông Bình nói tiếp: “Để chấm dứt tình trạng phá rừng, chúng tôi sử dụng giải pháp cả cứng lẫn mềm. Cứng là phối hợp chặt chẽ với lực lượng công an huyện, xã, bộ đội biên phòng tại địa phương để tuần tra, truy quét, phát hiện và xử lý các vụ vi phạm, thường xuyên tổ chức tập huấn nâng cao nghiệp vụ cho cán bộ, nhân viên của Công ty.

Rừng của Công ty Nam Tây Nguyên mấy năm qua đã bình yên và đang dần khởi sắc. Có được điều này là nhờ tập thể Công ty áp dụng 'chiến thuật' tiếp cận dân, dựa vào dân và kiên quyết với vi phạm lâm luật. Trong ảnh là một buổi tiếp xúc với dân của Công ty lâm nghiệp Nam Tây Nguyên. Ảnh: Minh Sáng.

Rừng của Công ty Nam Tây Nguyên mấy năm qua đã bình yên và đang dần khởi sắc. Có được điều này là nhờ tập thể Công ty áp dụng "chiến thuật" tiếp cận dân, dựa vào dân và kiên quyết với vi phạm lâm luật. Trong ảnh là một buổi tiếp xúc với dân của Công ty lâm nghiệp Nam Tây Nguyên. Ảnh: Minh Sáng

Còn mềm là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đến tận nhà người dân tổ chức đối thoại trực tiếp với họ, tuyên truyền cho họ biết đúng sai, sau khi họ nghe “lọt tai” rồi thì yêu cầu ký cam kết, vận động họ tố giác vi phạm lâm luật. Chúng tôi tiếp xúc những người có uy tín như già làng, trưởng bản, cùng tham gia tuyên truyền và bảo vệ rừng…hiện nay, bình quân mỗi năm Công ty chi khoảng 800 triệu để trả công cho các già làng, các nhóm cộng đồng dân bản địa để họ bảo vệ rừng và thông báo kịp thời khi phát hiện vi phạm lâm luật.

Bên cạnh đó, Công ty còn phối hợp với chính quyền địa phương tạo công ăn việc làm cho người dân bản địa bằng nhiều hình thức như hợp đồng lao động, thuê lao động thời vụ bảo vệ rừng; hỗ trợ cung cấp giống cây trồng, vật nuôi và chuyển giao kỹ thuật; xây dựng các mô hình sản xuất nông lâm kết hợp; Phát triển cơ sở hạ tầng góp phần ổn định cuộc sống cho họ.

Từ cách làm này, công tác quản lý, bảo vệ rừng dần đi vào ổn định, kiểm soát được tình trạng phá rừng; các vụ vi phạm được phát hiện, ngăn chặn kịp thời, diện tích rừng bị phá năm sau giảm hơn so với năm trước cả về số vụ và số diện tích; mô hình trồng rừng theo hình thức nông lâm kết hợp gắn với giao khoán theo nghị định 168/NĐ-CP và liên doanh, liên kết đã phát huy hiệu quả, bước đầu thu hút sự tham gia của người dân, nhận thức của người dân về vai trò, tầm quan trọng của rừng từng bước được nâng cao...”.

ADQuảng cáo
Ông Nguyễn Ngọc Bình (ngoài cùng bên phải), Chủ tịch Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Nam Tây Nguyên cùng các nhân viên bản vệ rừng chuẩn bị đi tuần tra rừng. Ảnh: Hồng Thuỷ.

Ông Nguyễn Ngọc Bình (ngoài cùng bên phải), Chủ tịch Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Nam Tây Nguyên cùng các nhân viên bản vệ rừng chuẩn bị đi tuần tra rừng. Ảnh: Hồng Thuỷ

Nhiều tiềm năng chưa được đánh thức

Đến hôm nay, Nam Tây Nguyên cũng đang dần dần bình yên, và đây là cơ hội để bứt phá, phát triển, dù vẫn còn đó những khó khăn. Bởi tiềm năng để rừng Nam Tây Nguyên phát triển kinh tế là rất lớn.

"Chúng tôi là đơn vị kinh doanh, phải tự hạch toán, nên ngoài làm tốt công tác bảo vệ rừng, còn phải phát triển kinh tế, tăng nguồn thu. Nhưng muốn phát triển kinh tế từ rừng thì phải nâng “vốn” cho rừng, tức bảo vệ tốt song song với đầu tư thêm. Năm 2022, Công ty đã huy động các nguồn lực tổ chức khoanh nuôi, tái sinh rừng tự nhiên được hơn 70ha. Kết quả khoanh nuôi tái sinh rừng được đơn vị báo cáo cơ quan chức năng kiểm tra hiện trường, cập nhật diện tích vào diễn biến rừng năm 2022. Ngoài ra, Công ty còn trồng thêm 5.500 cây phân tán với tổng diện tích quy đổi 5,5ha”, ông Bình cho biết.

Một tiềm năng lớn của rừng Nam Tây Nguyên hiện chưa được khai thác, đó là phát triển du lịch sinh thái. Với tuyến đường QL14C mới uốn lượng như dải lụa chạy xuyên giữa 2 bên là những cánh rừng thông đã khép tán, đẹp như Đà Lạt. Không chỉ tạo ra bầu không khí vô cùng mát mẻ, trong lành, dưới tán rừng thông này còn có thảm cỏ hồng như đồi cỏ hồng Đắk Đoa nổi tiếng của Gia Lai. Cách đồi thông không xa là ngọn thác hoang sơ đậm chất Tây Nguyên, tọa lạc tại tiểu khu 1477. Thác có độ cao khoảng 50m, dòng chảy chia thành nhiều bậc nối tiếp nhau. Phía hai bên thác là cây rừng, cùng với dòng chảy quanh năm tạo ra khung cảnh ấn tượng với các thảm thực vật. Khung cảnh núi rừng, dòng thác hoang sơ đã tạo nên vẻ đẹp hùng vĩ của núi rừng.

Cây Săng lẻ (Bằng lăng) 600 năm tuổi trong rừng Nam Tây Nguyên. Ảnh: Hồng Thuỷ. 

Cây Săng lẻ (Bằng lăng) 600 năm tuổi trong rừng Nam Tây Nguyên. Ảnh: Hồng Thuỷ

Ông Bình cho biết, công ty đã xây dựng và hình thành tuyến đường tuần tra rừng dài hơn 80km. Tuyến đường này có thể phục vụ du khách thực hiện các chuyến du lịch trải nghiệm, vừa trải nghiệm công việc tuần tra rừng, vừa khám phá thiên nhiên, không khí trong lành.

Một điểm nhấn nổi bật khác của Nam Tây Nguyên là có quần thể 36 cây săng lẻ (còn gọi là bằng lăng) và 1 cây đa, được công nhận là Cây di sản Việt Nam. Số cây di sản này nằm tại các tiểu khu 1469 và 1465. Số cây di sản này có tuổi đời lên đến hàng trăm năm. Riêng cây bằng lăng có tuổi đời 600 năm, đường kính bằng sải tay của 10 người lớn. “Số cây này không chỉ là điểm nhấn để phát triển du lịch, mà còn có ý nghĩa quan trọng trong bảo tồn, phát triển nguồn gen quý hiếm và đa dạng sinh học tại địa phương”, ông Bình nói.

Không chỉ có tiềm năng về du lịch, rừng Nam Tây Nguyên còn vô cùng phong phú về cây dược liệu với 530 loài, 348 chi, 127 họ, 6 ngành. Trong số này có 20 loài dược liệu quý có tên trong “sách đỏ” Việt Nam và theo Nghị định số 06/NĐ-CP ngày 22/01/2019 của Chính Phủ quy định về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm. Rất phù hợp với những người thích loại hình du lịch khám phá, nghỉ dưỡng và nghiên cứu...

Khu rừng thông 15 năm tuổi của Công ty Nam Tây Nguyên cũng có thảm cỏ hồng rất đẹp, là địa điểm lỳ tượng để du lịch dã ngoại. Ảnh: Minh Sáng.

Khu rừng thông 15 năm tuổi của Công ty Nam Tây Nguyên cũng có thảm cỏ hồng rất đẹp, là địa điểm lỳ tượng để du lịch dã ngoại. Ảnh: Minh Sáng

“Quá trình quản lý, bảo vệ rừng, chúng tôi đã định hình ra những khu vực, những sản phẩm du lịch để đưa vào khai thác. Bên cạnh đó, rất nhiều lâm sản phụ có thể trở thành sản phẩm quà tặng phục vụ du lịch trong tương lai. Ngoài ra, đồng bào các dân tộc tại địa phương, những hộ chúng tôi đang liên kết, giao khoán bảo vệ rừng, họ vẫn lưu giữ được các nghi lễ truyền thống, các bài chiêng, các món ăn truyền thống... là những nét văn hóa rất độc đáo. Có thể nói, tiềm năng phát triển du lịch và ngành dược liệu dưới tán rừng của Nam Tây Nguyên là rất lớn, nhưng công ty không đủ tiềm lực kinh tế, nhân sự để làm, hy vọng trong thời gian tới, sẽ có các nhà đầu tư tìm đến và biến những tiềm năng này thành sự phát triển thật sự”, ông Nguyễn Ngọc Bình, Chủ tịch Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Nam Tây Nguyên.

ADQuảng cáo
Theo nongnghiep.vn
https://nongnghiep.vn/phat-trien-kinh-te-rung-dak-nong-bai-4-danh-thuc-rung-nam-tay-nguyen-d347251.html
Copy Link
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phát triển kinh tế rừng Đắk Nông (bài 4): Đánh thức rừng Nam Tây Nguyên
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO