Kinh tế

Phát triển kinh tế rừng Đắk Nông (bài 3): Cơ hội rừng phòng hộ Thác Mơ

Hồng Thuỷ-Minh Sáng 30/03/2023 07:55

Rừng phòng hộ Thác Mơ (xã Quảng Trực, huyện Tuy Ðức) có nhiều thắng cảnh đẹp, khí hậu ôn hoà, rất phù hợp trồng cây dược liệu và phát triển du lịch sinh thái.

ADQuảng cáo

Không chỉ là rừng

Rừng phòng hộ (RPH) Thác Mơ có tổng diện tích 6.567ha, trong đó rừng tự nhiên 6.324ha; rừng trồng 117ha. Từ nhiều năm nay, công tác bảo vệ rừng tại đây được làm khá tốt, chưa xảy ra vụ việc xâm lấn rừng nghiêm trọng nào.

Theo chân Ban Giám đốc RPH Thác Mơ vào sâu trong rừng phòng hộ, cái nắng trưa gay gắt đã không còn. Đổi lại là làn không khí mát rượi. Những tán cây rừng cổ thụ xoè rộng, che kín bầu trời, khiến ánh nắng rất khó khăn mới xiên được vài tia dài xuống đất.

RPH Thác Mơ được coi là khu rừng bình yên nhất ở Đắk Nông. Ảnh: Hồng Thuỷ.

RPH Thác Mơ được coi là khu rừng bình yên nhất ở Đắk Nông. Ảnh: Hồng Thuỷ

Trên con đường mòn, anh Nguyễn Xuân Khương, Giám đốc BQL RPH Thác Mơ, trong bộ đồ rằn ri bộ đội dẫn đầu, thỉnh thoảng lại dừng chân bên mấy bụi cây ven lối đi, giới thiệu: “Đây là sâm cau rừng. Loại dược liệu này rất có giá trị, không phải rừng nào cũng có”. Bụi sâm cau anh Khương giới thiệu mọc khá nhiều, nhiều chỗ mọc thành từng bãi rộng cả chục mét vuông.

Anh Khương cho biết, khu rừng này không đơn thuần là rừng, vì ngoài chức năng là rừng như nhiều khu rừng khác, RPH Thác Mơ còn có những chức năng rất quan trọng, đó là duy trì hệ sinh thái và chức năng phòng hộ đầu nguồn cho các con sông, suối lớn của khu vực sông Đồng Nai, góp phần quan trọng bảo vệ đầu nguồn sông Bé, nơi có công trình thuỷ điện Thác Mơ và VQG Bù Gia Mập (Bình Phước). Đặc biệt, đây còn là rừng phòng hộ vùng biên giới Việt Nam - Campuchia. Trên lâm phần của đơn vị có nhiều cây gỗ quý, hiếm. Hiện đã có nhiều cây cổ thụ trong rừng được Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam công nhận là Cây di sản. Trong số này, có 1 cây giáng hương 437 năm tuổi.

“Việc nhiều cây được công nhận Cây di sản sẽ là động lực để chúng tôi nỗ lực hơn trong công tác bảo vệ, gìn giữ. Đồng thời, đẩy mạnh công tác bảo tồn, nghiên cứu khoa học, thực hiện chiến lược phát triển kinh tế xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu. Góp phần giúp rừng Thác Mơ trở thành điểm đến hấp dẫn trong phát triển du lịch sinh thái tại đây”, anh Khương nói.

Trorng ảnh là cây giáng hương 437 tuổi. Ảnh: Minh Sáng.

Trorng ảnh là cây giáng hương 437 tuổi. Ảnh: Minh Sáng

Một lợi thế lớn trong việc bảo vệ tốt rừng Thác Mơ là giáp ranh với Vườn Quốc gia Bù Gia Mập (Bình Phước), rừng của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Nam Tây Nguyên. Đồng thời, còn có rừng nguyên sinh do một đơn vị bộ đội biên phòng quản lý, công tác bảo vệ được phối hợp giữa các đơn vị giáp ranh, nên hiệu quả cao hơn.

“So với các đơn vị rừng khác trong tỉnh thì đây là khu rừng bình yên nhất. Để đạt kết quả này, chúng tôi cũng đã có những khảo sát, đánh giá về rừng và tài nguyên rừng để xây dựng chương trình quản lý, hỗ trợ, hợp tác chặt chẽ trong việc phát triển kinh tế xã hội ở địa phương gắn với quản lý, bảo vệ rừng bền vững. Tiếp xúc và gần gũi với người dân địa phương, tạo sự thân thiện, gắn kết, từ đó mình có cơ hội tuyên truyền, vận động và khuyến khích họ cùng tham gia quản lý, bảo vệ rừng, tạo sinh kế cho người dân trong khu vực nhằm giảm sức ép từ người dân trong việc bảo vệ rừng đối với lực lượng bảo vệ”, anh Đỗ Thành Tâm, Phó Giám đốc Ban quản lý RPH Thác Mơ nói.

ADQuảng cáo

Tiềm năng lớn về trồng cây dược liệu, du lịch sinh thái

Nói về tiềm năng phát triển trồng cây dược liệu dưới tán rừng, Giám đốc Nguyễn Xuân Khương cho biết, đơn vị có nhiều lợi thế trong việc liên kết trồng cây dược liệu dưới tán rừng, vì đường giao thông thuận tiện, trạng thái rừng là thường xanh trung bình, bảo đảm cho việc phát triển của các loài dược liệu.

Đặc biệt, UBND tỉnh Đắk Nông vừa ban hành quyết định phê duyệt phương án quản lý rừng bền vững giai đoạn 2022-2031 đối với Ban quản lý RPH Thác Mơ. Trong đó, cho phép Ban quản lý RPH Thác Mơ thực hiện mô hình trồng cây dược liệu dưới tán rừng với tổng diện tích dự kiến 262ha, theo hình thức liên kết với các tổ chức, cá nhân có đủ năng lực thực hiện.

Rừng Thác Mơ có nguồn dược liệu thiên nhiên phong phú, phù hợp phát triển trồng cây dược liệu dưới tán rừng. Trong ảnh là anh Nguyễn Xuân Khương, Giám đốc BQL với cây sâm cau, một trong những loài dược liệu quý có sẵn trong rừng. Ảnh: Hồng Thuỷ.

Rừng Thác Mơ có nguồn dược liệu thiên nhiên phong phú, phù hợp phát triển trồng cây dược liệu dưới tán rừng. Trong ảnh là anh Nguyễn Xuân Khương, Giám đốc BQL với cây sâm cau, một trong những loài dược liệu quý có sẵn trong rừng. Ảnh: Hồng Thuỷ

“Rừng Thác Mơ có nguồn tài nguyên cây dược liệu tự nhiên rất phong phú, như giảo cổ lam, nhân trần, thiên niên kiện, sâm cau, sâm alipas.... Đây mới chỉ là phát hiện trong những chuyến đi tuần tra rừng chứ chưa phải khảo sát, nghiên cứu sâu. Để phát triển cây dược liệu hiệu quả, bền vững cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp”, anh Khương nói.

Theo đề án được UBND tỉnh phê duyệt về phương án bảo vệ, phát triển rừng bền vững, Ban quản lý RPH Thác Mơ được tổ chức, xây dựng các mô hình du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trên diện tích 113ha; được xây dựng các công trình phục vụ du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng trên diện tích đất trống, trảng cỏ và tận dụng hệ thống đường lâm nghiệp sẵn có trên lâm phần đơn vị quản lý.

Tổng vốn nhu cầu đầu tư xây dựng và thực hiện phương án quản lý rừng bền vững giai đoạn 2022-2031 là hơn 237 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước trong công tác trồng rừng và quản lý, bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng là 11,5 tỷ đồng.

Nguồn vốn tham gia cung ứng dịch vụ môi trường rừng là hơn 54,2 tỷ đồng; nguồn vốn kêu gọi đầu tư từ các tổ chức, cá nhân liên kết trong đầu tư phát triển du lịch sinh thái, kinh doanh dược liệu, trồng rừng và từ các hộ dân liên kết trồng rừng và trồng rừng nông lâm kết hợp là hơn 171 tỷ đồng.

Rừng Thác Mơ có tiềm năng để phát triển du lịch sinh thái. Trong ảnh là thác Đắk Ka, một trong những con thác đẹp trong lõi rừng Thác Mơ. Ảnh: Hồng Thuỷ.

Rừng Thác Mơ có tiềm năng để phát triển du lịch sinh thái. Trong ảnh là thác Đắk Ka, một trong những con thác đẹp trong lõi rừng Thác Mơ. Ảnh: Hồng Thuỷ

Ngoài phát triển cây dược liệu dưới tán rừng, Thác Mơ còn có nguồn tài nguyên đặc trưng lớn trên lâm phần để phát triển du lịch như rừng nguyên sinh, các con suối, những thác nước khá nổi tiếng nằm trên các con suối Girh; suối Đắk Ka; suối Đắk Bô và thác nước, suối thuộc tiểu khu 1444. “Đơn vị có lợi thế lớn trong việc phát triển du lịch nhân văn vì lâm phần nằm ở xã Quảng Trực, gắn liền với văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số người M'nông. Phát triển du lịch sẽ góp phần giữ gìn và tôn tạo tài nguyên thiên nhiên, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, bảo vệ môi trường. Đơn vị phát triển du lịch lấy hiệu quả kinh tế, văn hoá, xã hội và môi trường làm mục tiêu phát triển”, anh Khương nói.

Cùng với việc triển khai xây dựng “Kế hoạch phát triển cây dược liệu dưới tán rừng”, Ban quản lý RPH Thác Mơ mong UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Y tế, cùng các công ty dược liệu có những khảo sát, nghiên cứu, hỗ trợ đơn vị phát triển hiệu quả cây dược liệu dưới tán rừng. Việc tận dụng thế mạnh về rừng, đất rừng để phát triển các loài cây dược liệu không chỉ phục vụ cho mục tiêu phát triển y tế và kinh tế của tỉnh mà còn góp phần phát triển rừng một cách bền vững. Phát triển nuôi trồng dược liệu là giải pháp quan trọng hạn chế tối đa việc khai thác tự nhiên, góp phần bảo vệ đa dạng sinh học, bảo vệ các loài thực vật hiếm đang có nguy cơ tuyệt chủng.

Anh Nguyễn Xuân Khương, Giám đốc Ban quản lý RPH Thác Mơ

ADQuảng cáo
Theo nongnghiep.vn
https://nongnghiep.vn/phat-trien-kinh-te-rung-dak-nong-bai-3-co-hoi-rung-phong-ho-thac-mo-d347161.html
Copy Link
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phát triển kinh tế rừng Đắk Nông (bài 3): Cơ hội rừng phòng hộ Thác Mơ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO