Tại điểm cầu Đắk Nông, đồng chí Lưu Văn Trung, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì hội nghị, cùng với sự tham gia của các sở, ban, ngành liên quan.
Đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu Đắk Nông |
Trong giai đoạn 2012 -2020, các cấp ủy, chính quyền từ Trung ương đến địa phương đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức, quán triệt Nghị quyết số 21-NQ/TW. Công tác kiểm tra, giám sát, sơ kết được chú trọng và thực hiện nghiêm túc. Qua đó, các cấp ủy, chính quyền, các tổ chức chính trị-xã hội và người dân đã nhận thức rõ hơn về vai trò, tầm quan trọng của BHXH, BHYT.
Đến ngày 31/12/2020, toàn quốc có 16,188 triệu người tham gia BHXH, đạt 33,5% lực lượng lao động trong độ tuổi, tăng 5,62 triệu người so với năm 2012; trong đó 15,064 triệu người tham gia BHXH bắt buộc và 1,124 triệu người tham gia BHXH tự nguyện, tăng gấp 10 lần so với năm 2012.
Đối với BHYT, số người tham gia vượt mục tiêu Nghị quyết 21 đề ra. Cụ thể, tính đến hết năm 2020, đã có khoảng 88 triệu người tham gia BHYT, chiếm 90,97 dân số. Đối tượng tham gia BHYT tăng nhanh qua các năm, từ 2012 -2020 tăng gần 29 triệu người, trong đó diện bao phủ tập trung vào các nhóm yếu thế…Như vậy, Việt Nam cơ bản hoàn thành mục tiêu BHYT toàn dân và về đích trước thời hạn theo Nghị quyết 21-NQ/TW.
Bên cạnh kết quả đạt được, việc thực hiện Nghị quyết số 21 vẫn còn những hạn chế nhất định. Cụ thể, diện phủ BHXH thấp và có sự chênh lệch lớn giữa các tỉnh, thành phố trong cả nước. Đối tượng tham gia BHXH tự nguyện ở nhiều địa phương còn thấp. Hệ thống chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT còn bất cập, chưa phù hợp với thực tiễn, chậm sửa đổi, bổ sung.
Quỹ BHXH đầu tư chưa đa dạng, chưa tận dụng khả năng sinh lời, bội chi BHYT có xu hướng tăng. Tình trạng nợ đọng, trốn đóng BHXH, BHYT xảy ra ở nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước. Công tác quản lý quỹ BHXH, BHYT có lúc, có nơi còn chưa chặt chẽ, để xảy ra vi phạm pháp luật. Công tác thanh tra, kiểm tra việc quản lý, sử dụng, đầu tư quỹ BHXH, BHYT chưa toàn diện, thiếu sự chỉ đạo, phối hợp giữa các bộ, ngành và chính quyền địa phương trong việc phát hiện, ngăn chặn kịp thời sai phạm, tiêu cực.
Phát biểu kết luận hội nghị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, sau 8 năm triển khai, Nghị quyết số 21 đã thực sự đi vào cuộc sống, góp phần to lớn trong bảo đảm an sinh xã hội thông qua các chính sách của BHXH, BHYT, tạo được niềm tin của Nhân dân vào sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền từ Trung ương đến địa phương.
Với quan điểm phát triển hệ thống bảo hiểm linh hoạt, đa dạng, hiện đại, hội nhập quốc tế, chăm lo tốt hơn nữa sức khỏe của Nhân dân, các bộ, ngành ở Trung ương và cấp ủy, chính quyền các địa phương tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo công tác BHXH, BHYT trong bối cảnh đất nước đang thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.
Trong đó, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 đã đề ra phương hướng, nhiệm vụ: “Hoàn thiện hệ thống luật pháp về BHXH, tiến tới BHXH toàn dân; phát triển hệ thống BHXH linh hoạt, đa dạng, đa tầng hiện đại, hội nhập quốc tế; kết hợp hài hòa nguyên tắc đóng góp và thụ hưởng; công bằng, bình đẳng, chia sẻ và bền vững. Tiếp tục hiện đại hóa quản lý BHXH theo hướng tinh gọn, chuyên nghiệp, hiệu quả. Phấn đấu đến năm 2030 có 60% lực lượng lao động tham gia BHXH; khoảng 45% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm thất nghiệp”.
Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh yêu cầu tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo công tác BHXH, BHYT trong điều kiện nước ta đang xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Quá trình đó trước hết đòi hỏi phải tách bạch giữa chức năng quản lý nhà nước về dịch vụ công, với chức năng cung ứng dịch vụ công, trong đó có dịch vụ BHXH, BHYT.
Bên cạnh đó, việc thực hiện chính sách BHXH phải tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính trong toàn bộ hoạt động của hệ thống bảo hiểm. Cùng với nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, cả nước mở rộng hợp tác quốc tế, ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hóa hệ thống quản lý về BHXH, BHYT.