Phát triển du lịch Đắk Nông: Sự kết hợp tuyệt vời giữa giá trị địa chất và giá trị văn hóa

Mỹ Hằng| 26/07/2019 10:24

Tại buổi gặp mặt giữa UBND tỉnh Đắk Nông và Đoàn chuyên gia UNESCO mới đây, TS Guy Martini, Chủ tịch Hội đồng thẩm định Mạng lưới Công viên địa chất (CVĐC) toàn cầu đã nhận định: Đắk Nông là vùng đất có khung cảnh tuyệt vời, với những nét văn hóa đặc sắc. Qua những chuyến đi thực tế, chúng tôi đã tìm ra hệ thống âm thanh và những câu chuyện di sản phi vật thể làm nên đặc trưng của CVĐC Đắk Nông. Đó là sự kết hợp tuyệt vời giữa giá trị địa chất và giá trị văn hóa.

Đoàn nghệ nhân biểu diễn chào mừng các chuyên gia UNESCO vào thẩm định chính thức CVĐC Đắk Nông

Có lẽ không phải ngẫu nhiên mà các chuyên gia UNESCO đã tư vấn cho tỉnh dùng tên gọi hết sức thân thương cho CVĐC Đắk Nông là "Xứ sở của những âm điệu”. Cũng từ tư vấn của các chuyên gia, tỉnh đã hình thành 3 tuyến du lịch với 44 điểm làm cơ sở bước đầu phát triển du lịch CVĐC và phục vụ thẩm định chính thức của UNESCO.

Đặc biệt, CVĐC Đắk Nông hiện đã hình thành các điểm nhấn của chủ đề "Xứ sở của những âm điệu” gồm: Nhà triển lãm âm thanh, Nhà trưng bày đàn đá, Nhà trưng bày cồng chiêng. Đây là những điểm mang nét đặc trưng của CVĐC Đắk Nông cũng như thể hiện sự độc đáo, mới lạ so với các CVĐC khác trên thế giới.

Có thể nói, bên cạnh các giá trị về địa chất, về giá trị văn hóa trước hết phải kể đến việc đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh đã sáng tạo ra một hệ thống âm nhạc phong phú với nhiều loại nhạc cụ độc đáo mang âm hưởng của đại ngàn. Tiêu biểu nhất của sự sáng tạo này chính là từ những tấm đá thô sơ nhưng người M’nông đã sáng chế ra bộ đàn đá (goong lú) nổi tiếng gồm 6 thanh đá, có kích thước và hình dạng khác nhau. Mỗi thanh đá đều có một âm sắc tương ứng với một chiếc chiêng trong bộ chiêng đồng và đàn đá được UNESCO chọn làm biểu trưng của CVĐC Đắk Nông.

Các nghệ nhân bon Bu Brâng, xã  Đắk N'drung (Đắk Song) biểu diễn Goong Prắk

Ngược dòng lịch sử cho thấy, bộ đàn đá đầu tiên được phát hiện ngay trên mảnh đất Tây Nguyên có niên đại khoảng 3.000 năm trở lại đây và các nhà nghiên cứu âm nhạc dân gian gọi 3 thanh đá này là “3 thanh mẹ”. Trước khi nhà dân tộc học người Pháp Georges Condominas phát hiện bộ đàn đá đầu tiên - bộ Goong lú Nduliêng Krat ở một buôn làng huyện Lắk của tỉnh Đắk Lắk (gần ranh giới với tỉnh Lâm Đồng và Đắk Nông) vào năm 1949, thì hầu như trên thế giới này không một ai biết đến một loại nhạc cụ có tên là đàn đá. Cũng vì vậy mà bộ Goong lú Nduliêng Krat đang trưng bày tại Bảo tàng Con Người ở thủ đô Paris nước Pháp được xem là bộ đàn đá đầu tiên trên thế giới.

Về sau, nhạc cụ đàn đá được phát hiện ở nhiều nơi trên địa bàn các tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng…Năm 1993, bộ đàn đá Đắk Kar được tìm thấy tại bon Bu Bir, xã Quảng Tín (Đắk R’lấp) được làm từ chất liệu đá sừng cordierit. Qua gia công ghè đẽo, chế tác, người tiền sử đã tạo ra bộ đàn đá hoàn chỉnh gồm 3 thanh: thanh Tru (cha), thanh T’rơ (mẹ) và thanh Tê (con). Các thang âm của bộ đàn đá này hoàn toàn tương đồng với thang âm cồng chiêng Tây Nguyên.

Bước sang thời kỳ kim khí, trên thế giới xuất hiện nhiều loại nhạc cụ bằng kim loại và cũng ở thời kỳ này, cư dân Tây Nguyên cũng đã biết chuyển thể, sáng tạo những âm thanh bằng đá sang âm thanh của 3 chiếc chiêng đồng. Từ đây, người dân xem tiếng chiêng là tiếng nói của thần linh-là sợi dây kết nối giữa con người với thế giới tâm linh.

Một trong những minh chứng cho điều này chính là hiện nay, một số dòng họ người M’nông trên địa bàn tỉnh còn lưu giữ những bộ Goong được đúc hoàn toàn bằng những đồng tiền kim loại. Đơn cử như gia đình chị Thị Mai (con gái của cố nghệ nhân Điểu Kâu) ở bon Bu Brâng, xã Đắk N’Drung (Đắk Song) vẫn còn lưu giữ bộ Goong Prắk. Đặc biệt, từ 3 chiếc chiêng, người dân đã phát triển lên thành bộ chiêng 5 chiếc và được đặt tên là Goong Rung.

Bộ chiêng Goong Prắk của gia đình chị Thị Mai (con gái cố nghệ nhân Điểu Kâu)

Mặt khác, sự quy tụ của hơn 40 dân tộc anh em đã tạo nên một hệ thống nhạc cụ vô cùng phong phú, đa dạng. Mỗi nhạc cụ đều có cấu tạo, cách sử dụng cũng như âm thanh khác nhau nhưng nguyên liệu đều được lấy từ trong tự nhiên như tre, nứa, lồ ô thậm chí là những chiếc lá…

Điều đáng nói, tuy đơn giản, mộc mạc nhưng các loại nhạc cụ đều chứa đựng tâm tư, tình cảm của con người với ước vọng về tương lai tốt đẹp. Ngoài ra, những làn điệu dân ca dân vũ, hát kể sử thi, hát then, hát giao duyên, hát đối đáp… của đồng bào các dân tộc cũng đã tạo nên nét đặc trưng riêng biệt của vùng CVĐC Đắk Nông.

Theo baodaknong.org.vn
https://baodaknong.org.vn/van-hoa/phat-trien-du-lich-dak-nong-su-ket-hop-tuyet-voi-giua-gia-tri-dia-chat-va-gia-tri-van-hoa-73815.html
Copy Link
https://baodaknong.org.vn/van-hoa/phat-trien-du-lich-dak-nong-su-ket-hop-tuyet-voi-giua-gia-tri-dia-chat-va-gia-tri-van-hoa-73815.html
x
    Nổi bật
        Mới nhất
        Phát triển du lịch Đắk Nông: Sự kết hợp tuyệt vời giữa giá trị địa chất và giá trị văn hóa
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO