Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Đắk Nông |
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu, trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương phải tổ chức thực hiện hiệu quả, thực chất để đưa NQ 06 của Bộ Chính trị thực sự đi vào cuộc sống.
Từ đó giúp giải quyết những vấn đề điểm nghẽn trong quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Thủ tướng nhấn mạnh, đây là hội nghị quan trọng được tổ chức 10 năm một lần. Qua đó nhằm tiếp tục quán triệt sâu rộng những nội dung, nhiệm vụ trọng tâm và tinh thần quan trọng của NQ 06 và phổ biến Chương trình hành động của Chính phủ.
Thủ tướng yêu cầu, tại hội nghị, các đại biểu cần đi thẳng vào nội dung chính, để tìm ra giải pháp thực hiện tốt Nghị quyết của Bộ Chính trị và Chương trình hành động của Chính phủ. Trong tổ chức thực hiện, vấn đề quan trọng là cần phối hợp chặt chẽ, xây dựng chương trình, kế hoạch cho từng cấp, từng ngành.
Thủ tướng nêu rõ, trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, phát triển đô thị là một động lực phát triển. Điều này đặt ra vấn đề quy hoạch tốt, xây dựng tốt, quản lý tốt đô thị, phát triển đô thị theo hướng xanh, bền vững, bao trùm.
NQ 06 xác định 5 nhóm quan điểm và 6 nhiệm vụ giải pháp chủ yếu. Ngay sau khi Nghị quyết được ban hành, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Xây dựng chủ trì phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan xây dựng Chương trình hành động của Chính phủ để thực hiện.
NQ 06 đặt rõ một số mục tiêu cụ thể như: đến năm 2025, tỷ lệ đô thị hóa đạt tối thiểu 45%; đến năm 2030 đạt trên 50%. Tỷ lệ đất xây dựng đô thị trên tổng diện tích đất tự nhiên đạt khoảng 1,5-1,9% vào năm 2025, đến năm 2030 đạt khoảng 1,9-2,3%.
Đến năm 2025, số lượng đô thị toàn quốc đạt khoảng 950-1.000 đô thị; 100% các đô thị hiện có và đô thị mới có quy hoạch tổng thể, quy hoạch phân khu, chương trình cải tạo, chỉnh trang, tái thiết và phát triển đô thị; bảo đảm tối thiểu 100% đô thị loại III trở lên hoàn thiện tiêu chí phân loại đô thị về cơ sở hạ tầng đô thị, nhất là hạ tầng về y tế, giáo dục, đào tạo và công trình văn hóa cấp đô thị…
Hội nghị Đô thị toàn quốc năm 2022 được kỳ vọng sẽ tạo chuyển biến tích cực trong công tác nâng cao lượng và chất của quá trình đô thị hóa, phát triển đô thị trong 10 năm tới, định hướng đến 2045. Trong đó, các giải pháp thực hiện sẽ chú trọng nâng cao hiệu quả khai thác sử dụng tài nguyên, phát huy nguồn lực đổi mới sáng tạo của đô thị cũng như lợi thế so sánh, lợi thế cạnh tranh của đô thị trong bối cảnh phát triển quốc gia, khu vực và thế giới.