Phát triển Đắk Lắk nhanh và bền vững, sinh thái, cửa ngõ hội nhập và liên kết của vùng

THANH GIANG| 18/08/2024 18:46

Chiều 18/8, tại thành phố Buôn Ma Thuột, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Lắk để thảo luận, đánh giá về tình hình phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh trên địa bàn tỉnh 7 tháng năm 2024. Cùng dự có đại diện lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Lắk. (Ảnh: Thanh Giang)
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Lắk. (Ảnh: Thanh Giang)

Đắk Lắk có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng, về chính trị, kinh tế, xã hội, quốc phòng an ninh và đối ngoại, trung tâm vùng Tây Nguyên. Đắk Lắk có diện tích đứng thứ 4 cả nước (trên 13 nghìn km2), diện tích đất sản xuất nông nghiệp gần 658 nghìn ha (đứng thứ 2 cả nước), với hơn 370 nghìn ha đất đỏ bazan phì nhiêu thích hợp cho việc trồng các loại cây công nghiệp, cây ăn trái, cây dược liệu; là tỉnh có diện tích cà phê lớn nhất cả nước với thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột nổi tiếng trong và ngoài nước.

Đắk Lắk có dân số trẻ, lực lượng lao động dồi dào với khoảng 1,1 triệu lao động. Đây cũng là tỉnh giàu truyền thống cách mạng và có cộng đồng các dân tộc giàu bản sắc văn hóa, với 49 dân tộc anh em cùng chung sống; có nhiều tài nguyên du lịch phong phú, đa dạng, được biết đến như một điểm du lịch hấp dẫn với nhiều địa danh (như hồ Lắk, cụm thác Gia Long - Dray Sap, du lịch Buôn Đôn, thác Krông Kma, Diệu Thanh, Tiên Nữ…), bên cạnh đó là các vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên (như Chư Yang Sin, Easo…).

Phát triển Đắk Lắk nhanh và bền vững, sinh thái, cửa ngõ hội nhập và liên kết của vùng ảnh 1

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu ý kiến kết luận cuộc làm việc. (Ảnh: Thanh Giang)

Đắk Lắk có nhiều di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh (với 23 di tích lịch sử cách mạng, 2 di tích lịch sử văn hoá, 13 di tích kiến trúc nghệ thuật, 8 di tích khảo cổ, 71 di tích thắng cảnh, 25 danh lam thắng cảnh; có 9 di tích được công nhận di tích quốc gia và 4 di tích quốc gia đặc biệt). Đặc biệt là không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên - một “Kiệt tác truyền khẩu và di sản văn hóa phi vật thể” của nhân loại.

Đắk Lắk có hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội tương đối đồng bộ (có sân bay Buôn Mê Thuột, hệ thống giao thông vùng Tây Nguyên, duyên hải miền Trung) giúp cho việc giao thương của Đắk Lắk ngày càng thuận lợi hơn.

Phát triển Đắk Lắk nhanh và bền vững, sinh thái, cửa ngõ hội nhập và liên kết của vùng ảnh 2

Quang cảnh buổi làm việc (Ảnh: Thanh Giang).

Về kết quả phát triển kinh tế-xã hội 7 tháng đầu năm 2024: Giá trị tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước đạt gần 25.500 tỷ đồng, tăng 4,13% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 4,38%; công nghiệp - xây dựng tăng 4,52%; dịch vụ tăng 4,04%. Huy động vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt hơn 15.600 tỷ đồng, tăng 3,62% so với cùng kỳ năm 2023. Giải ngân vốn đầu tư công đến hết ngày 31/7/2024 đạt 38,9% kế hoạch, cao hơn mức bình quân chung cả nước (32,2%), đứng đầu trong 5 tỉnh Tây Nguyên và đứng thứ 13/63 địa phương cả nước.

Tổng thu cân đối ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt gần 4.500 tỷ đồng, bằng 64,12% dự toán năm do Trung ương giao. Xuất khẩu 7 tháng năm 2024 đạt 1,13 tỷ USD, tăng 25,4% so với cùng kỳ; nhập khẩu đạt 295 triệu USD, tăng 33,1%. Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ đạt hơn 62.600 tỷ đồng, tăng 9,52% so với cùng kỳ.

Các chính sách bảo đảm an ninh xã hội được triển khai kịp thời, thiết thực, đúng đối tượng. Tỉnh đã khởi công xây dựng 1.200 căn nhà (đạt 100% kế hoạch đề ra), trong đó bàn giao, đưa vào sử dụng 1.068 căn (89%); thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách xã hội...

Phát triển Đắk Lắk nhanh và bền vững, sinh thái, cửa ngõ hội nhập và liên kết của vùng ảnh 3

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk Phạm Ngọc Nghị báo cáo Thủ tướng Chính phủ tại buổi làm việc. (Ảnh: Thanh Giang)

Tại buổi làm việc, lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương đã đóng góp nhiều ý kiến thẳng thắn, chỉ rõ những mặt hạn chế, bất cập, tiềm năng, cơ hội nổi trội của tỉnh Đắk Lắk, cũng như gợi ý nhiều giải pháp để khắc phục mọi khó khăn, vướng mắc, đưa Đắk Lắk phát triển nhanh và bền vững.

Phát biểu ý kiến tại buổi làm việc, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính trân trọng ghi nhận, biểu dương nỗ lực và những kết quả quan trọng về kinh tế-xã hội mà Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Đắk Lắk đã đạt được, đóng góp quan trọng vào thành tựu chung của cả nước.

Thủ tướng nhấn mạnh phát triển kinh tế-xã hội cần phải nhanh, bền vững, toàn diện, bao trùm dựa vào 4 trụ cột tăng trưởng: phát triển các nông lâm sản lợi thế, quy mô lớn, chất lượng cao để xuất khẩu; công nghiệp chế biến nông sản và sản xuất năng lượng tái tạo quy mô lớn; kinh tế đô thị, hạ tầng số, hạ tầng thủy lợi; dịch vụ logistics, du lịch dựa trên nền tảng số, xã hội số; phát triển kinh tế-xã hội gắn kết xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, bảo vệ vững chắc, xây dựng tuyến biên giới hoà bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển; phát triển kinh tế-xã hội gắn kết bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, xoá đói giảm nghèo; quản lý chặt chẽ, sử dụng hợp lý, hiệu quả tài nguyên đất đai về nước và rừng và các loại tài nguyên khác; bảo vệ, cải thiện môi trường, tích cực triển khai các giải pháp thích ứng biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai; phát triển kinh tế-xã hội lấy con người làm trung tâm, giảm nghèo bền vững, đồng đều giữa các dân tộc, không để ai bị bỏ lại phía sau, quan tâm công tác dân tộc, tôn giáo.

Đề cập mục tiêu tổng quát, Thủ tướng nêu rõ, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, văn hóa và tinh thần của nhân dân trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk sớm đạt mức trung bình khá của cả nước, trên cơ sở phát triển kinh tế-xã hội nhanh và bền vững; phát triển không gian sinh thái, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc; tỉnh Đắk Lắk trở thành điểm đến đặc sắc, hấp dẫn khách du lịch trong nước và quốc tế. Thành phố Buôn Ma Thuột là trung tâm của vùng Tây Nguyên, là cửa ngõ hội nhập và liên kết của vùng với khu vực và quốc tế; người dân được thụ hưởng một đời sống chất lượng với dịch vụ xã hội tốt, môi trường được bảo đảm, cơ hội việc làm và thu nhập cao.

Thủ tướng đề nghị tỉnh thực hiện “6 tăng cường”: Tăng cường niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước, người dân và doanh nghiệp cụ thể hoá các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và tổ chức thực hiện tốt; Tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, nhất là 49 dân tộc trên địa bàn Đắk Lắk nói riêng, Tây Nguyên nói chung, chia sẻ, giúp đỡ, tạo điều kiện cùng làm, cùng hưởng, cùng phát triển, cùng chiến thắng, không để ai bị bỏ lại phía sau; Tăng cường các cơ chế để huy động mọi nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển, nhất là hợp tác công tư, đặc biệt là phát triển hệ thống chính trị, nhất là hạ tầng giao thông để tháo gỡ nút thắt về giao thông, tạo không gian phát triển mới, khu công nghiệp, đô thị, dịch vụ mới, giảm chi phí logistics, tăng sức cạnh tranh cho hàng hoá; Tăng cường tiềm lực quốc phòng, quân sự, an ninh góp phần xây dựng đường biên giới hoà bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển với nước bạn Campuchia với tinh thần láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài; Tăng cường đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho tỉnh và vùng Tây Nguyên, tăng cường chuyển đổi cơ cấu lao động từ khu vực nông thôn sang thành thị; Tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh, quân sự góp phần giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo đảm chủ quyền, độc lập quốc gia.

Với dân số gần 2 triệu người, tỉnh Đắk Lắk phải đẩy mạnh tiêu dùng trong nước, nhất là Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam.

Về phương hướng nhiệm vụ cụ thể: rà soát lại chỉ tiêu, kế hoạch của Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Đại hội Đảng bộ các cấp đã đề ra để xem những gì đạt được, chưa đạt được, cái gì cần phấn đấu phải phấn đấu mạnh mẽ hơn, cái nào cần đột phá phải có giải pháp, rút ra bài học kinh nghiệm cho thời gian tới; đẩy mạnh triển khai Quy hoạch tỉnh Đắk Lắk, xây dựng Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh; gắn kết với quy hoạch vùng, quy hoạch quốc gia để thực hiện; tổ chức, sắp xếp hợp lý không gian, lãnh thổ, phát triển hệ thống đô thị trở thành các cực phát triển, trung tâm kinh tế của tỉnh, vùng; tổ chức triển khai hiệu quả Quy hoạch Điện VIII và Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII theo Quyết định số 262/QĐ-TTg ngày 1/4/2024 của Thủ tướng Chính phủ.

Đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, sinh kế cho người dân; huy động tối đa nguồn lực cho phát triển, nhất là hạ tầng giao thông, nâng cao hiệu quả thu hút vốn đầu tư, làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống, đẩy mạnh các động lực tăng trưởng mới. Với dân số gần 2 triệu người, tỉnh Đắk Lắk phải đẩy mạnh tiêu dùng trong nước, nhất là Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; triển khai hiệu quả các dự án giao thông trọng điểm của tỉnh và của vùng Tây Nguyên nhằm kết nối đồng bộ; tăng cường thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nông nghiệp xanh, hữu cơ; phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm; duy trì và mở rộng các làng nghề truyền thống gắn với bảo vệ môi trường sinh thái bền vững; phát triển kinh tế lâm nghiệp gắn với quản lý, bảo vệ, khôi phục và phát triển rừng; tăng nguồn thu từ dịch vụ môi trường rừng, bán tín chỉ carbon.

Tăng cường đầu tư vào chế biến sâu để nâng cao giá trị gia tăng, xây dựng và quảng bá thương hiệu cho các sản phẩm quan trọng của tỉnh, ví dụ như cà phê Buôn Ma Thuột phải trở thành ngành hàng có hàm lượng giá trị gia tăng cao, một sản phẩm có sức mạnh thương hiệu mang tầm quốc tế. Tăng cường đầu tư phát triển hạ tầng du lịch, liên kết chuỗi du lịch “Một cung đường, nhiều điểm đến” gắn với hạ tầng giao thông, văn hoá, xã hội; đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; kiên quyết cắt giảm, đơn giản hoá thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian xử lý thủ tục, hồ sơ, nhất là đất đai, đầu tư xây dựng, quy hoạch, môi trường; đẩy mạnh chuyển đổi số, thực hiện Đề án 06 và tăng cường triển khai dịch vụ công trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia.

Chú trọng phát triển các lĩnh vực văn hoá, xã hội, bảo vệ môi trường, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh. Phát triển kinh tế đi đôi với công bằng xã hội, thúc đẩy tăng trưởng bao trùm, toàn diện để mọi người dân đều được hưởng thành quả của phát triển, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân.

Chú trọng công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu. Chúng ta phải biết chắt chiu tiết kiệm tài nguyên, nhất là tài nguyên nước để có thể phát triển lâu dài, không được sử dụng lãng phí; phải có tính toán căn cơ và bước đi thích hợp để ứng phó biến đổi khí hậu; cần có quy hoạch hệ thống hồ chứa nước và trạm bơm hợp lý, có các giải pháp công nghệ cao; tiết kiệm sử dụng nước; thu hồi tái tạo lại nước sạch.

Làm tốt công tác giữ vững an ninh chính trị, bảo đảm trật tự an toàn xã hội; xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân, thế trận lòng dân vững chắc.Tập trung xây dựng bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; xây dựng và đào tạo đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.

Thủ tướng mong muốn và tin tưởng rằng, với vị trí, vai trò của tỉnh Đắk Lắk là trung tâm liên kết, điều phối và cực tăng trưởng chính của vùng Tây Nguyên, với bản sắc, truyền thống cách mạng và đà phát triển những năm qua, với sự ủng hộ của cả hệ thống chính trị, cùng khát vọng, nhiệt huyết vươn lên được lan tỏa trong toàn thể Đảng bộ, chính quyền và đồng bào các dân tộc, thời gian tới tỉnh Đắk Lắk sẽ mạnh mẽ khắc phục mọi khó khăn, vượt qua mọi thách thức, tiếp tục đổi mới tư duy, tầm nhìn để tạo xung lực phát triển mới, nhanh, xanh, hài hòa và bền vững, dứt khoát không để tụt hậu và không để ai bị bỏ lại phía sau.

Với quan điểm “lấy dân làm gốc”, “người dân là trung tâm, là chủ thể, là nguồn lực và động lực cho phát triển”, và trên tinh thần “dân cần - chính quyền có; dân khó - chính quyền lo”, Thủ tướng mong lãnh đạo tỉnh phải gần dân, sát dân, hiểu dân và chăm lo cho đời sống của dân như chăm lo cho chính mình, bao gồm cộng đồng cả 49 dân tộc anh em trên địa bàn tỉnh ngày càng gắn kết, bình đẳng, cùng nhau phát triển, cảnh giác với các thế lực thù địch, phản động thường xuyên kích động, gây chia rẽ, mất ổn định.

Thủ tướng tin tưởng tỉnh Đắk Lắk sẽ sớm vươn lên mạnh mẽ thời gian tới với tinh thần đoàn kết thống nhất, tạo ra không gian phát triển mới, tạo khu công nghiệp, mới, khu đô thị, dịch vụ mới khi hạ tầng giao thông được phát triển. Chúng ta đã có Nghị quyết của Bộ Chính trị phát triển thành phố Buôn Ma Thuột phát triển nhanh và bền vững; đồng thời phát triển Thành phố Buôn Ma Thuột trở thành “Thành phố cà phê thế giới” mang tầm cỡ thế giới, góp phần quan trọng vào thúc đẩy phát triển vùng Tây Nguyên, địa bàn “chiến lược của chiến lược”, phên dậu quan trọng của Tổ quốc.

Theo nhandan.vn
https://nhandan.vn/phat-trien-dak-lak-nhanh-va-ben-vung-sinh-thai-cua-ngo-hoi-nhap-va-lien-ket-cua-vung-post825468.html
Copy Link
https://nhandan.vn/phat-trien-dak-lak-nhanh-va-ben-vung-sinh-thai-cua-ngo-hoi-nhap-va-lien-ket-cua-vung-post825468.html
    Nổi bật
        Mới nhất
        Phát triển Đắk Lắk nhanh và bền vững, sinh thái, cửa ngõ hội nhập và liên kết của vùng
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO