Góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế
Là một ngành kinh tế quan trọng của tỉnh, sản xuất công nghiệp đang đi đúng hướng với mục tiêu phát triển đa ngành, đa lĩnh vực, phát triển theo cả chiều rộng và chiều sâu.
Giai đoạn 2016-2020, ngành Công nghiệp của tỉnh có bước phát triển khá, với mức tăng bình quân là 12,22%. Giá trị gia tăng của ngành Công nghiệp năm 2020 đạt 2.034 tỷ đồng, tăng 72% so với năm 2016. Cơ cấu ngành Công nghiệp trong GRDP của tỉnh tăng từ 7,79% (năm 2016) lên 12,06% (năm 2020).
Theo đánh giá chung, thời gian qua, phát triển công nghiệp đã góp phần quan trọng vào sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh theo hướng tăng dần tỷ trọng ngành Công nghiệp và giảm dần tỷ trọng khu vực nông nghiệp.
Sản xuất alumin tại Công ty Nhôm Đắk Nông - TKV (Đắk R'lấp) |
Hoạt động nghiên cứu, chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ vào sản xuất công nghiệp và đầu tư đổi mới thiết bị, công nghệ từng bước được chú trọng.
Nhiều chương trình, dự án và chính sách hỗ trợ phát triển công nghiệp được triển khai. Một số dự án sản xuất công nghiệp mới đi vào hoạt động đã phát huy hiệu quả.
Nổi bật nhất là Dự án Nhà máy Alumin Nhân Cơ (Đắk R’lấp) đi vào hoạt động với công suất 650.000 tấn/năm. Dự án đã góp phần giải quyết việc làm cho nhiều lao động tại địa phương, đóng góp lớn vào ngân sách của địa phương.
Ngành Công nghiệp của Đắk Nông đã từng bước thể hiện vai trò là ngành kinh tế quan trọng, góp phần thúc đẩy kinh tế, xã hội cho địa phương.
Công nghiệp chế biến đang tạo việc làm cho nhiều lao động tại địa phương |
Lấy công nghiệp bô xít làm trọng tâm
Nghị quyết về Phát triển công nghiệp, giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, nêu ra 5 quan điểm chỉ đạo then chốt. Trong đó, phát triển công nghiệp phải bảo đảm 3 vấn đề chính.
Đó là phải dựa vào các dự án lớn trên cơ sở quy hoạch, kế hoạch, đặc thù của địa phương và lấy công nghiệp bô xít là trọng tâm. Ngoài ra, phát triển công nghiệp còn phải phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.
Phát triển công nghiệp cũng phải dựa vào quy hoạch của quốc gia, khu vực, tỉnh và gắn với bảo đảm quốc phòng - an ninh. Đặc biệt, phát triển công nghiệp phải bảo đảm hài hòa, bền vững, thân thiện với môi trường…
Phấn đấu đến năm 2025, cơ cấu ngành công nghiệp trong GRDP của tỉnh chiếm 16,74%. Phát triển công nghiệp alumin, điện phân nhôm và năng lượng tái tạo sẽ trở thành ngành kinh tế quan trọng.
Từ đó, góp phần tăng thu ngân sách cho địa phương. Công nghiệp phải tạo được động lực thúc đẩy tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh theo hướng hiện đại, văn minh.
Giai đoạn 2021-2025, chỉ số sản xuất công nghiệp của tỉnh sẽ tăng bình quân 16%/năm. Trong đó, công nghiệp khai khoáng tăng 3,03%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 31,04%; công nghiệp sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước tăng 24,93%; công nghiệp cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 5%. |
Để đạt được mục tiêu trên, nhiều giải pháp trọng tâm được tỉnh quyết tâm triển khai thực hiện. Trong đó, tỉnh sẽ thực hiện có hiệu quả 3 đột phá chiến lược được đề ra tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Các giải pháp đặc biệt nhấn mạnh tới việc xây dựng, hoàn thiện và triển khai đồng bộ các cơ chế, chính sách để phát triển công nghiệp và các ngành công nghiệp có lợi thế ưu tiên.
Các chính sách cho các ngành công nghiệp bô xít - nhôm, năng lượng tái tạo và chế biến nông - lâm sản phát triển sẽ được xây dựng và triển khai có hiệu quả. Qua đó tạo nền tảng cơ bản cho công nghiệp hóa theo hướng hiện đại và bền vững.
Tỉnh sẽ thực hiện sắp xếp, quy hoạch, thu hút đầu tư hiệu quả các cụm công nghiệp để di dời các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ vào hoạt động sản xuất tập trung, an toàn với môi trường.
Trong đó, việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng Khu công nghiệp Nhân Cơ 2 sẽ sớm được triển khai để thu hút các dự án đầu tư phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ khai thác bô xít, luyện alumin, điện phân nhôm và sản xuất các sản phẩm sau nhôm…