Mục tiêu của chương trình là đến năm 2025 thu hút, hỗ trợ đầu tư phát triển mới từ 3-4 nhà máy, cơ sở chế biến nông sản lớn theo hướng chuyên sâu, áp dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại; 10 doanh nghiệp trở lên đầu tư vào lĩnh vực chế biến, bảo quản và tiêu thụ nông sản, hỗ trợ nâng cấp, ứng dụng công nghệ cho ít nhất 50% số cơ sở sơ chế, chế biến và bảo quản nông sản hiện có.
Phấn đấu đến năm 2025, toàn tỉnh sẽ xây dựng, phát triển ít nhất 15 chuỗi liên kết và hoàn thiện 100% chuỗi liên kết sản xuất hiện có gắn với các cơ sở chế biến, tiêu thụ. Đến năm 2025, mỗi nhóm sản phẩm nông lâm thủy sản chủ lực và tiềm năng của tỉnh có đăng ký sử dụng mã số, mã vạch, thẻ, tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm tăng 50% trở lên.
Để đạt được các mục tiêu này, chương trình yêu cầu thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm. Cụ thể, tăng cường thông tin tuyên truyền về công tác liên kết sản xuất, sơ chế, chế biến và tiêu thụ nông sản theo chuỗi; tổ chức sản xuất nguyên liệu, phát triển các chuỗi liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản.
Chương trình yêu cầu khuyến khích đầu tư chế biến nông sản, chuyển dịch cơ cấu sản phẩm; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ chế biến, bảo quản nông sản; nâng cao chất lượng sản phẩm và bảo quản an toàn thực phẩm; đẩy mạnh công tác phát triển thị trường, xúc tiến thương mại. Ngoài ra, các cấp, các ngành chú trọng đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách; đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước.