Phát huy vai trò quân đội trong tuyên truyền pháp luật
Cùng với cả hệ thống chính trị, thời gian qua, Đắk Nông đã phát huy tốt vai trò của lực lượng quân đội trong phổ biến, giáo dục pháp luật và vận động Nhân dân chấp hành pháp luật.
“Mưa dầm thấm lâu” tại xã vùng sâu Đắk Ngo
Một buổi chiều giữa tháng 12/2024, chúng tôi có dịp theo chân cán bộ Trung đoàn 720, Binh đoàn 16 đến nhà anh S.A.C (1991) tại bản Si Át, xã Đắk Ngo, huyện Tuy Đức để tiếp tục tuyên truyền về Luật Hôn nhân và Gia đình.
Vợ chồng anh S.A.C có 2 người con, trai đầu sinh năm 2009, con gái thứ 2 sinh năm 2012. Gặp cán bộ trung đoàn, con trai a C buồn rầu: “Các chú bộ đội ơi, cháu mới 15 tuổi mà bố mẹ đã muốn cháu lấy vợ, trong khi cháu lại muốn đi bộ đội và học nghề để làm kinh tế, cháu mong các chú nói giúp bố mẹ đừng bắt cháu lấy vợ sớm”.
Thiếu tá Lê Văn Hà, Chủ nhiệm Chính trị Trung đoàn 720 nhẹ nhàng giải thích: “Điều 8, Luật Hôn nhân và Gia đình 2014, quy định các điều kiện sau đây: Điều kiện 1: Nam nữ kết hôn phải bảo đảm độ tuổi quy định (nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên); Điều kiện 2: Nam nữ kết hôn phải dựa trên tinh thần hoàn toàn tự nguyện. Cưới sớm không chỉ vi phạm pháp luật mà còn gây hậu quả nghiêm trọng cho gia đình, con cái”.
Đây là lần thứ 3 mà cán bộ Trung đoàn tuyên truyền nội dung này cho vợ chồng ông S.A.C. Nguyên nhân là ông vẫn muốn cho con mình lấy chồng sớm để nhanh có cháu bồng; còn người vợ thì lại cho rằng lấy chồng sớm là phong tục, truyền thống lâu đời của dân tộc Mông.
Bằng cách tuyên truyền chân thành, liên tục với những lời giải đáp gần gũi, dễ hiểu của cán bộ Trung đoàn 720 không chỉ giúp vợ chồng ông S.A.C mà còn có nhiều hộ gia đình khác tại các bản Si Át, Sín Chải, Giang Châu hiểu rõ hơn về các quy định của pháp luật, quyền lợi và trách nhiệm của mình trong gia đình, xã hội. “Tôi tưởng cưới sớm là phong tục, không ngờ nó là vi phạm pháp luật. Giờ hiểu rõ, nhà tôi sẽ không để chuyện đó xảy ra,” anh S.A.C thừa nhận.
Trung đoàn 720 đóng chân tại khu vực vùng sâu, vùng xa huyện Tuy Đức, nơi mà đồng bào Mông sinh sống khá nhiều và còn tồn tại những phong tục truyền thống, có phần lạc hậu khi di cư vào đây sinh sống. Cùng với Trung đoàn 726 đóng chân tại xã biên giới Quảng Trực, huyện Tuy Đức, bên cạnh thực hiện nhiệm vụ xây dựng khu vực kinh tế quốc phòng thì tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho đồng bào DTTS đã trở thành một phần quan trọng trong công tác của đơn vị.
Thượng tá Trần Văn Sơn, Phó Bí thư Đảng ủy, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 720 cho hay, các lĩnh vực pháp luật được ưu tiên tuyên truyền như Luật Đất đai, Luật Lâm nghiệp, Luật Giao thông đường bộ, Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia, các chính sách dân tộc, tôn giáo… Trong đó, đơn vị tập trung tuyên truyền, hướng dẫn người dân các quy định về sở hữu đất, thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, tránh tranh chấp đất đai; giúp người dân nhận thức được tác hại của các hủ tục, nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống và xây dựng gia đình văn minh. Đồng thời nâng cao ý thức chấp hành luật giao thông, phòng chống tai nạn trên các tuyến đường nông thôn; hướng dẫn lối sống lành mạnh, giảm các tệ nạn xã hội.
Các phương pháp tuyên truyền cũng được Trung đoàn triển khai đa dạng, phù hợp với nhận thức, tâm lý của đồng bào như sử dụng cán bộ biết tiếng Mông hoặc qua thông dịch viên để bảo đảm đồng bào hiểu rõ nội dung; kết hợp chiếu phim, biểu diễn văn nghệ, phát tờ rơi minh họa bằng hình ảnh dễ hiểu; đưa đội tuyên truyền đến từng bản làng, sử dụng loa phát thanh, xe lưu động. Trung đoàn hướng dẫn người dân các thủ tục pháp lý ngay tại chỗ như làm giấy khai sinh, đăng ký kết hôn, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất…
Việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật được đơn vị tổ chức thường xuyên, liên tục, kết hợp bằng nhiều hình thức và theo phương châm “mưa dầm thấm lâu” để đồng bào nơi đây được tiếp cận liên tục, hàng ngày, giúp họ nhận thức và thay đổi nếp nghĩ đã ăn sâu vào tiềm thức từ rất lâu”, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 720 chia sẻ.
Hiệu quả của Đề án 1371
Thực hiện Quyết định số 1371/QĐ-TTg ngày 30/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Phát huy vai trò của lực lượng Quân đội Nhân dân tham gia công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, vận động Nhân dân chấp hành pháp luật tại cơ sở giai đoạn 2021-2027” (Đề án 1371), năm 2024, lực lượng quân sự Đắk Nông đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp.
Trong đó, Ban chỉ đạo Đề án 1371 tập trung đưa nội dung giới thiệu văn bản pháp luật liên quan đến tình hình kinh tế, xã hội ở địa phương cũng như cơ chế, chính sách liên quan trực tiếp đến đời sống, sinh hoạt của Nhân dân và các vấn đề dư luận xã hội quan tâm. Điển hình như Luật Phòng chống tác hại rượu, bia; Luật Nghĩa vụ quân sự; Luật Giao thông đường bộ; Luật Hôn nhân và Gia đình; Luật Đất đai; Luật Biên giới quốc gia…
Đề án 1371 là một chương trình dài hơi, được triển khai giai đoạn 2021-2027. Năm 2024, Đắk Nông được chọn làm địa phương thí điểm. Ban chỉ đạo chọn xã Đắk R’măng, huyện Đắk Glong và xã Thuận Hạnh, huyện Đắk Song làm điểm để rút kinh nghiệm, triển khai nhân rộng các mô hình hay, cách làm hiệu quả cho các đơn vị trong tỉnh.
Năm 2024, Đắk Nông tổ chức hơn 35 đợt chiếu phim tuyên truyền pháp luật, thu hút hơn 12.000 lượt người tham dự; phát 30.000 tờ rơi, dựng hơn 300m² pano, băng rôn và tổ chức hàng loạt chương trình giao lưu văn hóa, thể thao. Hơn 50km đường giao thông được phát dọn, sửa chữa; 3 nhà tình nghĩa, hàng trăm phần quà và 10 xe đạp được trao tận tay người dân.
Bên cạnh đó, các đơn vị còn lồng ghép thực hiện Đề án 1371 với các phong trào như “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”; “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”; phong trào thi đua “Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới”; “Quân đội chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”.
Lực lượng quân đội tổ chức hàng ngàn lượt cán bộ, chiến sĩ hành quân dã ngoại làm công tác dân vận, vận động quần chúng, tham gia xây dựng nông thôn mới, giúp dân xóa đói, giảm nghèo; thăm tặng quà đồng bào nghèo các buôn, bon trên địa bàn, số tiền hơn 880 triệu đồng.
Điểm nổi bật của Đề án 1371 là sự linh hoạt trong cách thức triển khai. Ngoài các buổi phổ biến trực tiếp, lực lượng quân đội còn sử dụng loa truyền thanh, xe lưu động và mạng xã hội để tiếp cận người dân. Những video clip ngắn gọn, hình ảnh trực quan được đăng tải trên các trang fanpage như "Cao nguyên Bunoong" hay "Liêng Nung hùng vĩ" đã thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân…
Đại tá Đinh Hồng Tiếng, UVBTV Tỉnh ủy, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh nhấn mạnh: Trong 3 năm qua, Bộ CHQS tỉnh Đắk Nông đã triển khai đồng loạt các nội dung trong đề án tại nhiều xã, phường, thị trấn trên địa bàn toàn tỉnh. Trong đó chú trọng các xã vùng sâu, vùng xa, trên tinh thần phát huy tối đa các lực lượng tham gia công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật.
"Riêng năm 2024, Ban Chỉ đạo 1371 chọn những vấn đề nổi cộm về chấp hành pháp luật, những tệ nạn, hủ tục cần được vận động, tuyên truyền xóa bỏ để xây dựng kế hoạch chi tiết và triển khai thực hiện. Hoạt động tuyên truyền, phổ biến của Đề án 1371 đã góp phần rất lớn trong việc nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật cho người dân", Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh nhấn mạnh.