Đa dạng hình thức tuyên truyền
Thực hiện chương trình phối hợp, các tổ chức tôn giáo đã tích cực và chủ động có nhiều hình thức đa dạng, phong phú để tuyên truyền, vận động chức sắc, chức việc, tín đồ, người dân ở cộng đồng tham gia BVMT, ứng phó với BĐKH. Qua đó, các chức sắc, chức việc, nhà tu hành, đồng bào các tôn giáo và người dân có sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, thay đổi thái độ, hành vi, thói quen sống để góp phần BMMT.
Phụ nữ tôn giáo các tỉnh Tây Nguyên trồng cây xanh tại khuôn viên Đài tưởng niệm liệt sĩ thôn Kiên Cường, xã Hòa Thuận, TP. Buôn Ma Thuột. Ảnh tư liệu |
Điển hình, Giáo hội Phật giáo Việt Nam lồng ghép phổ biến chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về BVMT và ứng phó với BĐKH trong các trường hạ, khóa tu của phật tử, buổi học chính khóa, sinh hoạt ngoại khóa của tăng, ni sinh tại các trường đào tạo Phật học. Tại các tự viện Phật giáo cũng thường xuyên tổ chức các khóa tu cho phật tử với nhiều nội dung phong phú, đa dạng.
Các chùa cùng phật tử thả hàng ngàn tấn cá, con giống các loại, đưa nhiều động vật quý hiếm trở về với thiên nhiên; vận động phật tử tránh chặt, đốt phá rừng, trồng cây gây rừng, tạo lá phổi xanh cho khu vực. Giáo hội ban hành văn bản hướng dẫn tăng, ni trụ trì các tự viện thực hiện việc tổ chức lễ hội văn minh, tiết kiệm, không phô trương hình thức; hướng dẫn phật tử, bà con loại bỏ mê tín dị đoan, không đốt vàng mã tại các cơ sở thờ tự và các hình thức khác trái với thuần phong mỹ tục.
Đối với đạo Công giáo, các giáo xứ, giáo họ tổ chức các hội thảo chia sẻ kinh nghiệm về ứng phó với BĐKH và giảm nhẹ rủi ro thiên tai; tuyên truyền giáo dân và bà con bỏ rác đúng nơi quy định, bảo vệ cây cối, không chặt phá cây xanh, vệ sinh chuồng trại…
Giáo phận Vinh vận động giáo dân tham gia khơi thông cống rãnh, ao tù nước bẩn, phát quang bụi rậm, thu gom và tiêu hủy rác thải lâu dài; cổ vũ nhóm tình nguyện chuyên về thu gom, tiêu hủy rác thải, bảo vệ và chăm sóc môi trường, khuyến khích trồng thêm cây xanh nơi mình đang sống…
Giáo phận Phát Diệm, các linh mục vận động giáo dân không vứt rác bừa bãi, dọn vệ sinh môi trường, vớt rác, túi nilon, bèo ở bờ sông. Nhiều giáo xứ đã tổ chức xây cống rãnh tiêu nước thải, tổ chức ngày gặp mặt thiếu nhi để giao lưu và truyền thông về BVMT…
Nhiều mô hình, cách làm sáng tạo
Bên cạnh công tác tuyên truyền, các tôn giáo còn chú trọng xây dựng các mô hình điểm, nhân rộng cách làm sáng tạo về BVMT, ứng phó với BĐKH. Đến nay, cả nước có gần 2.000 mô hình thuộc 43 tổ chức tôn giáo tham gia BVMT và ứng phó với BĐKH, giảm nhẹ rủi ro thiên tai.
Điển hình, ở tỉnh Quảng Nam có các mô hình “Tuyến đường tự quản về BVMT, ứng phó với BĐKH” của các cơ sở thờ tự tôn giáo trên địa bàn các xã Cẩm Thanh, Cẩm Kim, Minh An, Cẩm Châu, Cửa Đại; “Tổ đoàn kết tôn giáo với công tác BVMT” tại chùa Long Quang, thị trấn Núi Thành; “Cơ sở tôn giáo cảnh tịnh, thanh nhã và gương mẫu” của các cơ sở tôn giáo huyện Quế Sơn…
Tỉnh Cần Thơ có các mô hình “Xử lý rác thải, xây dựng lò đốt rác, trồng cây xanh, bình chữa cháy” của Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo, phường Tân Lộc, quận Thốt Nốt; “Chủ động trong việc thu gom và xử lý rác thải đúng nơi quy định bảo đảm vệ sinh môi trường, trồng nhiều cây xanh, hoa kiểng tạo cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp; hạn chế khói nhang khi lễ Phật; vệ sinh cảnh quan môi trường nơi tự viện, nơi ăn ở, sinh hoạt để tạo môi trường sống xanh, sạch, đẹp” tại Thiền viện Trúc Lâm Phương Nam.
Tỉnh Long An đã xây dựng 3 mô hình điểm tại các chùa Thiên Phước, Phước Bảo, Pháp Bảo với các hoạt động như lập tổ tự quản BVMT, tuyên truyền trên đài truyền thanh vào thứ 7 hàng tuần, trồng cây xanh, vận động hộ gia đình có vật dụng chứa rác thải bảo đảm không gây ô nhiễm môi trường trước khi đưa đến nơi tập trung.
Tỉnh Quảng Ngãi, các Giáo xứ Bình Hải, Phú Hòa xây dựng 2 nhà máy nước sạch khử trùng qua tia cực tím với công suất 2.000 lít/ngày đêm với tổng trị giá hơn 700 triệu đồng phục vụ nhu cầu nước sạch cho đồng bào công giáo và bà con. Giáo xứ Bình Hải kêu gọi bà con đóng góp 20.000 đồng/tháng/hộ để có xe vận chuyển tập kết rác thải đến nơi quy định và xử lý. Ủy ban MTTQ tỉnh Quảng Ngãi còn phối hợp với chùa Thiên Phước, huyện Mộ Đức làm 50 giếng nước và tặng 38 bồn nước cho các điểm trường, xã khó khăn; xây dựng 2 cây cầu với tổng kinh phí 5,820 tỷ đồng.
Đối với Đắk Nông, tại nhiều giáo xứ, đồng bào Công giáo đã thực hiện thu gom rác thải tập trung, tạo cảnh quan môi trường trong khu dân cư xanh-sạch-đẹp. Một số giáo xứ, họ đạo phát động phong trào trồng cây phủ xanh đồi trọc vừa BVMT, vừa phát triển kinh tế. Các linh mục, hội đồng giáo xứ, ban hành giáo các giáo họ cùng giáo dân, cộng đồng dân cư ra quân dọn dẹp vệ sinh, bảo vệ môi trường tại các hộ gia đình, khu dân cư.
Giáo xứ Quảng Đà (Krông Nô) đã vận động giáo dân thu gom rác thải tập trung đạt 91%. Các Giáo xứ Xuân Lộc và Thổ Hoàng (Đắk Mil) có 90% gia đình tham gia thu gom rác thải, dọn vệ sinh đường làng, trồng hoa ven đường tạo cảnh quan môi trường sạch, đẹp.
Ngoài ra, đồng bào Công giáo còn tích cực đóng góp tiền của, ngày công, hiến đất, tự giải phóng mặt bằng cùng với chính quyền địa phương làm đường giao thông nông thôn, lắp điện chiếu sáng tại các con đường trung tâm. Cụ thể, giáo dân Giáo xứ Đức Hạnh, Giáo xứ Xuân Lộc (Đắk Mil) đóng góp hơn 500 triệu đồng và hàng trăm ngày công để tu sửa đường, làm đường bê tông nông thôn. Giáo dân Giáo xứ Phúc Bình cùng với chính quyền địa phương xây dựng 5.000m đường bê tông nội thôn…
Với những cách làm thiết thực, các tôn giáo trong cả nước đã phát huy vai trò trong công tác BVMT, ứng phó với BĐKH, góp phần đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận, tăng cường sự hiểu biết, gắn bó, đoàn kết toàn dân tộc.