Phát huy vai trò cán bộ nữ trong lãnh đạo, quản lý ở Đắk Nông(Kỳ 2): Hướng đến xây dựng cán bộ nữ chất lượng
Công tác cán bộ nữ ở Đắk Nông đã, đang có bước chuyển biến tích cực. Đắk Nông đang hướng đến xây dựng đội ngũ cán bộ nữ chất lượng, đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ trong tình hình mới.
KỲ 2: HƯỚNG ĐẾN XÂY DỰNG CÁN BỘ NỮ CHẤT LƯỢNG
Công tác cán bộ nữ ở Đắk Nông đã, đang có bước chuyển biến tích cực. Đắk Nông đang hướng đến xây dựng đội ngũ cán bộ nữ chất lượng, đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ trong tình hình mới.
Tỷ lệ cán bộ nữ tăng
Công tác cán bộ nói chung, cán bộ nữ nói riêng được các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương quan tâm, xây dựng. Điều đó được thể hiện trong chủ trương, chính sách mà cụ thể ở đây là các nghị quyết, kế hoạch, đề án… đã được Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh đã ban hành. Công tác cán bộ nữ được tỉnh quan tâm trong tất cả các khâu, từ đào tạo, quy hoạch đến bố trí, bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử. Việc tăng cường công tác cán bộ nữ không phải chỉ để có cơ cấu nữ trong bộ máy lãnh đạo, mà chính là để khơi dậy, phát huy tiềm năng và công nhận năng lực của phụ nữ hướng đến mục tiêu bình đẳng, vì sự tiến bộ của phụ nữ.
Tại huyện Đắk Glong, công tác quy hoạch đội ngũ cán bộ nữ được các cấp uỷ đặc biệt quan tâm, coi trọng. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, có 228 lượt cán bộ lãnh đạo, quản lý luân chuyển, điều động, bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử; trong đó, có 67 cán bộ nữ.
Theo ông Vũ Tiến Lư, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Đắk Glong, đóng góp vào sự phát triển chung của huyện có vai trò rất lớn của phụ nữ huyện nhà nói chung, đội ngũ cán bộ lãnh đạo nữ nói riêng. Phụ nữ huyện Đắk Glong ngày càng khẳng định được vai trò, vị thế trong nhiều lĩnh vực của đời sống, trong đó “Phụ nữ tham chính” đã chứng tỏ được bản lĩnh cũng như những sự ưu việt khi được tín nhiệm giữ những chức vụ quan trọng và thực tiễn công tác. Tại các cơ quan Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và tổ chức chính trị - xã hội các cấp, nguồn nhân lực nữ được quan tâm và quy hoạch để phát triển.
Nhờ sự quyết tâm của toàn hệ thống chính trị, công tác cán bộ nữ của tỉnh đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Đến nay, tỷ lệ cán bộ nữ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý đạt 13,36%, tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy các cấp, đại biểu Quốc hội, HĐNĐ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025 tăng so với nhiệm kỳ 2015-2020. Toàn tỉnh có 48/299 cán bộ nữ tham gia ban Chấp hành đảng bộ cấp huyện (26 nữ dân tộc thiểu số; 19 nữ dưới 40 tuổi); 11/90 cán bộ nữ tham gia Ban Thường vụ cấp huyện; 6/8 huyện, thành phố có tỷ lệ cấp ủy viên nữ từ 15% trở lên...
Nhiều cán bộ nữ được tín nhiệm, giao trọng trách quan trọng trên cương vị lãnh đạo, quản lý như Phó Chủ tịch UBND tỉnh, huyện, thành phố; giám đốc, phó giám đốc các sở, ban, ngành. Hầu hết các cán bộ lãnh đạo nữ đã thể hiện được trách nhiệm, năng lực trong công tác.
Chú trọng tạo nguồn cán bộ nữ chất lượng
Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Nông đã ban hành Đề án số 03 “về tạo nguồn đội ngũ cán bộ nữ, cán bộ trẻ, cán bộ người dân tộc thiểu số thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý từ nay đến năm 2030, định hướng đến năm 2035”. Mục tiêu Ban Thường vụ Tỉnh ủy hướng đến là xây dựng đội ngũ cán bộ trong đó có cán bộ nữ chất lượng, đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ trong tình hình mới, bảo đảm tính kế thừa, hướng đến sự tham gia tích cực, bình đẳng của phụ nữ trong các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, xã hội, góp phần thực hiện tốt mục tiêu bình đẳng giới.
Mục tiêu đến giai đoạn 2021 – 2025, tỷ lệ cán bộ nữ giữ các chức danh thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý đạt từ 15% trở lên; cán bộ nữ tham gia cấp ủy viên cấp tỉnh đạt từ 15% trở lên và có cán bộ nữ tham gia Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Giai đoạn 2025 – 2030, tỷ lệ cán bộ nữ giữ các chức danh thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý đạt từ 20% trở lên; cán bộ nữ tham gia cấp ủy viên cấp tỉnh đạt từ 20% trở lên và có từ 10% trở lên cán bộ nữ tham gia Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Giai đoạn 2030 – 2035, tỷ lệ cán bộ nữ giữ các chức danh thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý đạt từ 25% trở lên; phấn đấu cán bộ nữ tham gia cấp ủy viên cấp tỉnh đạt từ 20% trở lên và có từ 15% trở lên cán bộ nữ tham gia Ban Thường vụ Tỉnh ủy.
Căn cứ Đề án số 03 của Tỉnh ủy, cùng với quán triệt, nâng cao nhận thức các cơ quan, đơn vị, địa phương đã chọn lựa cán bộ tạo nguồn để giới thiệu tham gia Đề án. Tháng 8/2022, Tỉnh ủy Đắk Nông đã thống nhất danh sách cán bộ tạo nguồn cho Đề án với tổng số 295 người/319 lượt người. Trong đó, có 153 cán bộ nữ (khối đảng 53 người; khối Nhà nước 62 người; cấp huyện 38 người).
Riêng Hội LHPN tỉnh Đắk Nông tích cực, chủ động tham mưu các nội dung trong việc xây dựng, triển khai thực hiện Đề án. Trong đó, Hội chủ động tham mưu tăng các chỉ tiêu quy định về tỷ lệ cán bộ nữ tham gia cấp ủy, các chức danh lãnh đạo, tỷ lệ nữ trong quy hoạch; các giải pháp triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án.
Đồng chí H’Vi ÊBan, TUV, Chủ tịch LHPN tỉnh Đắk Nông cho biết, thời gian qua, các cấp hội Phụ nữ tỉnh tích cực, chủ động tham mưu với cấp ủy triển khai, quán triệt các văn bản có liên quan đến công tác phụ nữ và bình đẳng giới. Các cấp hội tích cực tham gia bồi dưỡng, phát hiện nguồn cán bộ nữ để giới thiệu với cấp ủy trong quá trình chuẩn bị nhân sự Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2020-2025; hiệp thương nhân sự ứng cử HĐND các cấp, bảo đảm tỷ lệ nữ ứng cử viên theo quy định. Hội giới thiệu nhiều cán bộ nữ đủ điều kiện, tiêu chuẩn để thực hiện quy trình quy hoạch các chức danh lãnh đạo tại địa phương. Chất lượng đội ngũ cán bộ hội được các cấp chú trọng nâng cao. Đến nay, 100% cán bộ hội chuyên trách các cấp đạt chuẩn chức danh về trình độ chuyên môn và lý luận chính trị theo quy định.
Còn theo đồng chí Lê Xuân Ninh, Phó Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Đắk Nông, để việc thực hiện Đề án số 03 đạt hiệu quả, tạo nguồn cán bộ lâu dài, trong đó có cán bộ nữ phải thực hiện đồng bộ các khâu trong công tác cán bộ. Đó là, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, đề bạt, bổ nhiệm, luân chuyển và các chính sách đối với cán bộ nữ, cán bộ trẻ, cán bộ người DTTS. Đối với công tác tạo nguồn cán bộ nữ, khi ban hành chính sách, các cấp có thẩm quyền nghiên cứu lồng ghép các chính sách ưu tiên mang tính chất đặc thù đối với cán bộ nữ. Tích cực tạo nguồn, phát hiện nhân tố mới và kịp thời bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ và lý luận chính trị cho đội ngũ cán bộ nữ. Các cấp, ngành, địa phương ưu tiên xem xét bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ nữ ứng cử bảo đảm điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định giữ các chức danh lãnh đạo, quản lý các cấp đã được quy hoạch và sự chuyển tiếp, chủ động giữa các thế hệ.