Kinh tế

Phát huy tương đồng để nông nghiệp Tây Nguyên không “giẫm chân nhau”

Đức Diệu 10/03/2023 10:17

Tây Nguyên từ lâu được mệnh danh là thủ phủ của nhiều loại cây trồng giá trị như cà phê, hồ tiêu, bơ, sầu riêng…  Ở mỗi tỉnh trong khu vực, ngoài tính tương đồng, mỗi loại cây đều có thế mạnh đặc trưng khá rõ nét.

ADQuảng cáo

Đã có nhiều cuộc hội thảo, hội nghị chuyên đề mang tầm khu vực bàn về tính tương đồng và những lợi thế so sánh của ngành nông nghiệp các tỉnh Tây Nguyên trong xu thế thị trường rộng mở. Làm sao để vừa phát huy tính tương đồng, vừa khai thác tốt lợi thế so sánh để nâng cao giá trị cho các ngành hàng từ nền nông nghiệp vẫn là câu hỏi mang tính cấp thiết và dài hơi.

Phát huy tính tương đồng

Tây Nguyên là vùng có rất nhiều lợi thế trong phát triển kinh tế và hội nhập kinh tế quốc tế. Nhiều nghiên cứu đã chứng minh, Tây Nguyên là vùng đất mang tính đặc thù”. Tính đặc thù này thể hiện cả trong bản sắc văn hoá, dân tộc, hệ sinh thái, tài nguyên, con người, vị trí địa chính trị kinh tế. Điều này khiến Tây Nguyên khác với các vùng đất khác trên cả nước, đòi hỏi phải có những công trình nghiên cứu bài bản và thực tiễn tham chiếu cho công tác đầu tư, quy hoạch Tây Nguyên để có tính kết nối, liên kết vùng mạnh mẽ hơn, phát huy hiệu quả các lợi thế đặc thù khi Việt Nam đã gia nhập AEC, thực hiện CPTPP và các FTA thế hệ mới.

Nhắc đến Tây Nguyên, người ta thường nghĩ ngay đến “thủ phủ" của cà phê, hồ tiêu, sầu riêng và những rừng cao su bạt ngàn. Hiện nay, diện tích cà phê khu vực Tây Nguyên khoảng trên 539.800ha, chiếm gần 90% diện tích cà phê của cả nước; trong đó tỉnh Đắk Lắk có trên 201.340ha, Lâm Đồng có 145.700ha, Đắk Nông có trên 116.350ha… Đối với cây hồ tiêu, toàn vùng có khoảng 82.865 ha, chiếm 62,87% so với cả nước. Đây là những cây trồng chủ lực của nhiều tỉnh trong khu vực, có giá trị kinh tế cao, với thị trường xuất khẩu rộng lớn.

Thời gian gần đây, người dân Tây Nguyên đã từng bước ứng dụng công nghệ từ khâu giống, canh tác, thu hái và chế biến nên nhiều sản phẩm nông nghiệp Tây Nguyên đang dần khẳng định vị trí hàng đầu của mình trên thị trường. Nhiều loại cây trồng đang dần hình thành vùng sản xuất chuyên canh quy mô lớn để thuận lợi hơn trong việc chuẩn hóa các tiêu chí mà thị trường khu vực, thế giới đưa ra. Điều này càng khẳng định, Tây Nguyên có nhiều lợi thế trong sản xuất các ngành hàng nông nghiệp xuất khẩu như cà phê, hồ tiêu, hoa quả các loại vì tính tập trung vùng trồng khá cao, cộng với những yếu tố khá tương đồng về khí hậu, thổ nhưỡng của các tỉnh.

Các nghiên cứu gần đây đã cho thấy, một số ngành hàng như cà phê, hồ tiêu của Việt Nam, trong đó chủ lực là khu vực Tây Nguyên tuy có vị trí trong tốp đầu về sản lượng xuất khẩu nhưng giá trị kim ngạch vẫn ở mức thấp hơn so với một số nước khác được cho là ít lợi thế hơn ở cùng một ngành hàng.

Trên thực tế, những tiềm năng nông nghiệp ở Tây Nguyên phần lớn vẫn đang được khai thác tập trung về chiều rộng. Rõ nhất là các địa phương mới tập trung khai thác về lợi thế tự nhiên với từng loại cây trồng cụ thể mà chưa tập trung đầu tư vào chiến lược phát trển đồng bộ, dài hơi. Điều này dẫn đến tình trạng vẫn “mạnh ai nấy làm”, các lợi thế về tính tương đồng bị chia nhỏ, cắt khúc, thậm chí “giẫm chân nhau”. Ngoài việc không gia tăng thêm sức mạnh cạnh tranh, việc phát triển thiếu chiến lược đồng bộ còn dẫn đến nhiều rủi ro trong điều kiện biến đổi khí hậu ngày càng rõ nét; lợi thế về tự nhiên ngày càng bị khai thác cạn kiệt…

Vì vậy, lợi thế về tính tương đồng chưa biến thành các lợi thế cạnh tranh, chưa giúp Tây Nguyên kết nối giữa các tỉnh, địa phương có cùng tiềm năng với nhau ở một số ngành hàng và sẽ là những khó khăn cho Tây Nguyên khi tăng cường hội nhập quốc tế.

093049dsc_0860(1).jpg
Krông Nô đang khai thác khá tốt lợi thế về sản xuất lúa gao

Khó khăn của các tỉnh Tây Nguyên trước hết là do đặc thù về vị trí địa lý, giao thông mới chủ yếu phát triển đường bộ, trong đó giao thông nội vùng chưa được đầu tư nhiều so với các khu vực khác trong cả nước. Từ đây, giá vật tư đầu vào, chi phí vận chuyển hàng hóa cao đã đẩy giá thành sản xuất lên cao khiến nhiều ngành hàng bất lợi trong cạnh tranh. Nếu phát huy tốt tính tương đồng, một số ngành hàng ở Tây Nguyên sẽ phát huy thế mạnh về vùng nguyên liệu, tính đồng nhất về chất lượng, chủng loại, vùng trồng và sẽ làm chủ tốt hơn trên thị trường hội nhập; khả năng đưa ứng dụng khoa học vào sản xuất đạt chuẩn sẽ cao hơn.

ADQuảng cáo

Khai thác lợi thế so sánh

Khi tính tương đồng được khai thác tốt, sẽ là điều kiện để mỗi tỉnh trong khu vực khai thác lợi thế so sánh của riêng mình ở một số ngành hàng, hướng đi cụ thể.

Có thế ở một số ngành hàng nông nghiệp, mặc dù có một số yếu tố tương đồng về điều kiện tự nhiên, song xét về lợi thế so sánh sẽ khác nhau như trình độ sản xuất, yếu tố văn hóa, lịch sử, chế biến sâu hay khoảng cách về thị trường tiềm năng…

Lợi thế so sánh được hiểu là chi phí cơ hội, lợi ích tiềm năng của một ngành hàng có tính cạnh tranh cao hơn so với đối tác hoặc địa phương khác.

Còn nhớ cánh đây mấy năm, tại một cuộc họp về vấn đề khai thác lợi thế để tìm hướng phát triển phù hợp cho kinh tế Đắk Nông, một số ý kiến quan ngại là Đắk Nông thành lập sau, các lợi thế về nông nghiệp, du lịch thì các tỉnh khác đã phát triển khá sớm. Chúng ta không thể “đua” du lịch so với Lâm Đồng; phát triển thương hiệu cà phê so với “Đắk Lắk”… Nếu không có lợi thế so sánh, chúng ta phải xác định làm sao trở thành một vệ tinh quan trọng cho các lĩnh vực đó, và tập trung nguồn lực cho các lĩnh vực có lợi thế so sánh tốt hơn.

Hiện nay, các tỉnh trong khu vực, trong đó có Đắk Nông cũng đã quan tâm đến vấn đề đánh giá các lợi thế so sánh, đưa ra quy hoạch vùng, tập trung nguồn lực cho một số cây, con mũi nhọn trong ngành nông nghiệp. Tuy nhiên, chuyển biến trong thực tiễn về các vùng chuyên canh, thâm canh, các cây trồng đặc trưng thế mạnh ngay trong nội tại từng địa phương vẫn chưa có tính liên kết cao. Đơn giản chỉ là củ khoai lang, nếu cách đây mấy năm, khoai lang Tuy Đức đã làm nên bước ngoặt khi trở thành một trong những nông sản Đắk Nông bước vào thị trường khó tính Nhật Bản một cách dễ dàng. Tuy nhiên, một phần do việc khai thác lợi thế so sánh thiếu chiến lược chiều sâu, mà mới chủ yếu khai thác theo chiều rộng, tận dụng tối đa lợi thế tự nhiên nên dần mất đi thế mạnh đặc trưng của mình vì tài nguyên tự nhiên bị khai thác quá mức. Mặt khác, do thiếu sự liên kết với một số vùng có tính tương đồng về lợi thế nên các huyện khác cũng mạnh ai nấy trồng khoai lang, dần dần mất đi lợi thế đặc trưng vốn có.

Việc “giẫm chân nhau” trong phát huy lợi thế sẽ không tạo được tính cạnh tranh bền vững. Mặt khác, vấn đề xác định phân khúc đầu tư (nguyên liệu, chế biến, thị trường) cũng khó khăn hơn dẫn đến dần dần lợi thế sẽ không được phát huy.

Xác định đúng lợi thế so sánh, phát huy tốt tính tương đồng để liên kết đang là một trong những yếu tố cốt lõi để nông nghiệp Tây Nguyên vươn xa hơn.

Tây Nguyên hiện vẫn là điểm trũng của dòng vốn FDI vào Việt Nam. Đây cũng đặt ra những thách thức đối với việc thu hút và huy động vốn đầu tư cho phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có đầu tư chế biến sâu các mặt hàng nông sản. Nó đặt ra các vấn đề về việc lựa chọn chiến lược và mô hình phát triển hợp lý trong tương lai để lợi thế đặc thù không bị khai thác tận thu, tận diệt, không bảo đảm việc làm và thu nhập cho đồng bào dân tộc thiểu số, đồng thời không huỷ hoại tài nguyên và di sản văn hoá, vừa bảo đảm sự ổn định chính trị xã hội và an ninh quốc phòng trong phát triển kinh tế.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phát huy tương đồng để nông nghiệp Tây Nguyên không “giẫm chân nhau”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO