Phát huy tối đa các nguồn lực, quyết tâm đưa Ðắk Nông bứt phá bằng tầm nhìn chiến lược
Sau gần 20 năm xây dựng và phát triển, Đắk Nông đã có sự phát triển khá toàn diện trên mọi lĩnh vực. Với khát vọng vươn tới không ngừng, trong bối cảnh phát triển của khu vực và đất nước, những kết quả đạt được vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế và dư địa tăng trưởng của tỉnh.
Xác định nguồn lực bên trong là quan trọng, Đảng bộ tỉnh Đắk Nông đã tập trung phát huy, động viên các nguồn lực bên trong phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Kết quả năm 2022, tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 19.280 tỷ đồng, tăng 14,5% so với năm 2021 (Nghị quyết là 17.780 tỷ đồng); huy động nguồn ngân sách địa phương 1.192,73 tỷ đồng phục vụ đầu tư phát triển; đào tạo nghề cho 5.766 người - vượt xa chỉ tiêu Nghị quyết. Chỉ số PCI của Đắk Nông tăng 8 bậc, chỉ số cải cách hành chính tăng 10 bậc, chỉ số chuyển đổi số tăng 13 bậc. Công nghiệp có bước phát triển và tăng trưởng khá, góp phần tích cực vào việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh; chỉ số sản xuất công nghiệp và giá trị sản xuất công nghiệp đạt và vượt kế hoạch đề ra; bổ sung 06 dự án điện gió, tổng công suất 430MW vào Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia; bước đầu hình thành vùng công nghiệp trọng điểm luyện alumin, nhôm của quốc gia. Tỷ lệ giải ngân chung cả năm 2022 hoàn thành. Bổ sung và hoàn thiện dự thảo báo cáo cuối kỳ Quy hoạch tỉnh Đắk Nông thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050. Tỉnh đã có phương án bố trí vốn đối ứng để cùng với tỉnh Bình Phước và các bộ, ngành Trung ương thực hiện dự án cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành.
Với phương châm doanh nghiệp đến, Đắk Nông vui, nhờ sự năng động của lãnh đạo tỉnh và quyết tâm cải thiện môi trường đầu tư, nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn (TKV, Hòa Phát, Sun Group, Sovico, Việt Phương, Đức Giang...) đã đến khảo sát, đề xuất và đang triển khai các bước để xin chủ trương đầu tư các dự án có quy mô và số vốn rất lớn vào công nghiệp alumin - luyện nhôm - năng lượng tái tạo, nông nghiệp công nghệ cao và du lịch. Điểm sáng trong lĩnh vực thu hút đầu tư là 13 dự án từ nguồn vốn ngoài ngân sách đã được chấp thuận chủ trương đầu tư với tổng số vốn đăng ký là 1.043 tỷ đồng.
Thành quả từ sự nỗ lực, đổi mới, sáng tạo của toàn Đảng bộ, chính quyền và người dân Đắk Nông được thể hiện trước hết bởi 13/13 nhóm chỉ tiêu đề ra đều đạt và vượt Nghị quyết. Dịch bệnh được kiểm soát; tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn - GRDP ước tăng 7,76% (Nghị quyết năm 2022 đề ra 7,5%); chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 11% so với năm 2021; GRDP bình quân đầu người đạt 59,81 triệu đồng (Nghị quyết năm 2022 đề ra 52,86 triệu đồng); thu ngân sách nhà nước đạt 3.475 tỷ đồng (Nghị quyết năm 2022 là trên 3.000 tỷ đồng). Đầu tư xây dựng cơ bản được tập trung thực hiện, ưu tiên 06 công trình trọng điểm chào mừng 20 năm thành lập tỉnh. Đầu tư được 70km đường, nâng tỷ lệ nhựa hóa đường toàn tỉnh từ 66% lên 67,5%; 02 khu công nghiệp thu hút tốt doanh nghiệp hoạt động; phê duyệt chủ trương đầu tư Khu công nghiệp Nhân Cơ 2 với diện tích 400 ha; tỷ lệ đô thị hóa đạt 28%.
Các sản phẩm nông nghiệp chủ lực cấp tỉnh bước đầu đã khẳng định vai trò chủ đạo trong cơ cấu kinh tế của ngành nông nghiệp, với 23 sản phẩm chủ lực; công nhận 60 sản phẩm OCOP, 4 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với diện tích khoảng 2.400ha; có trên 26 ngàn ha cây trồng các loại được tổ chức sản xuất có chứng nhận.
Thông qua việc tổ chức thành công Hội nghị Quốc tế về hang động núi lửa lần thứ 20, Liên hoan văn nghệ quần chúng, Liên hoan Dân ca các dân tộc tỉnh,… đã phát huy các nguồn lực tự nhiên, cảnh quan, địa chất của tỉnh, nhất là Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông; bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Cũng qua đó, đã khơi dậy tinh thần đoàn kết, lòng tự hào, ý chí vươn lên của các dân tộc, chung tay, góp sức xây dựng quê hương. Đây cũng là điều kiện cơ sở quan trọng để phát triển du lịch địa chất, kết hợp với tìm hiểu, khám phá các giá trị văn hóa bản địa, hiện thực hóa tiềm năng du lịch - một trong ba mũi đột phá của tỉnh.
Với truyền thống “nhân ái, nhân văn, nghĩa tình”, không để ai bị bỏ lại phía sau, Đảng bộ, chính quyền tỉnh đã huy động các nguồn lực bên trong và bên ngoài, từ cộng đồng doanh nghiệp, nhà hảo tâm ngoài tỉnh để quan tâm, chăm lo cho hộ nghèo, đối tượng chính sách trên địa bàn tỉnh, thể hiện sâu sắc tinh thần nhân văn, nhân ái. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm trên 3%, riêng tỷ lệ hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ giảm trên 5%.
Năm 2022 còn ghi dấu ấn về sự đổi mới mạnh mẽ trong phương pháp lãnh đạo, chỉ đạo; phong cách điều hành, hành động, quyết liệt với tinh thần “dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung”, “vì Nhân dân mà phục vụ” của Đảng bộ tỉnh khóa XII. Đảng bộ luôn tự đổi mới, nhìn thẳng vào sự thật, mạnh tay khắc phục những hạn chế, yếu kém, xóa bỏ những rào cản, với phương châm “không có vùng cấm trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực” để xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, ngang tầm với yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, chủ động kiến tạo môi trường, điều kiện thuận lợi để Đắk Nông phát triển nhanh và bền vững. Hình ảnh người đứng đầu cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở thường xuyên gặp gỡ, đối thoại, tiếp xúc, lắng nghe ý kiến của người dân, doanh nghiệp, chia sẻ khó khăn với Nhân dân, cùng tháo gỡ vướng mắc, tạo điều kiện cho cộng đồng doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, qua đó, xây dựng hình ảnh bộ máy chính quyền quyết tâm đổi mới, vì Nhân dân phục vụ.
Năm 2023, là năm có ý nghĩa rất quan trọng, kỷ niệm 20 năm thành lập tỉnh Đắk Nông, kiên trì với mục tiêu đặt ra, bằng tầm nhìn chiến lược, khơi dậy và phát huy mạnh mẽ hơn nữa truyền thống cách mạng, lòng yêu nước; tinh thần chủ động, sáng tạo; ý thức tự lực, tự cường và ý chí vươn lên mạnh mẽ của cán bộ, đảng viên và Nhân dân, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc quyết tâm vượt lên chính mình, sớm sánh bước cùng các tỉnh bạn trong khu vực; tạo những kết quả tiền đề quan trọng để đến năm 2025 đưa Đắk Nông trở thành tỉnh trung bình khá của khu vực Tây Nguyên.
Để sớm hiện thực hóa mục tiêu đó, cần nhất quán quan điểm huy động, khai thác và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, phát huy các nguồn lực bên trong, tích cực thu hút các nguồn lực bên ngoài cho quá trình phát triển của tỉnh. Trong đó, nguồn lực bên trong có vai trò quan trọng, nguồn lực bên ngoài là đột phá, biến các nguồn lực thành động lực phát triển.
Trước hết, quá trình huy động, phân bổ các nguồn lực cần bám sát quan điểm phát triển Đắk Nông thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050: phát triển kinh tế nhanh, bền vững, toàn diện trên cơ sở tập trung nguồn lực để phát triển các ngành, lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế cạnh tranh. Phát triển kinh tế với mục đích mang lại cho người dân cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Phát triển kinh tế đi kèm với việc giữ gìn các giá trị văn hóa của các dân tộc. Phát triển dựa trên các trụ cột, trọng tâm chính: đầu tư, thu hút đầu tư kết cấu hạ tầng đồng bộ, động lực cho nền kinh tế cất cánh; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong cả khu vực công và tư; công nghiệp luyện alumin, luyện nhôm và chế biến, chế tạo sau nhôm; nông nghiệp quy mô lớn, chất lượng và giá trị cao, theo hướng ứng dụng công nghệ cao và thích ứng với biến đổi khí hậu; phát triển du lịch trên nền tảng phát huy lợi thế tự nhiên, các giá trị văn hóa đặc trưng và Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông.
Quá trình huy động, phân bổ các nguồn lực cần bám sát quan điểm phát triển Đắk Nông thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050: phát triển kinh tế nhanh, bền vững, toàn diện trên cơ sở tập trung nguồn lực để phát triển các ngành, lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế cạnh tranh
Đồng chí Ngô Thanh Danh, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH Đắk Nông
Đối với nguồn lực tự nhiên, cần tiếp tục định hình chiến lược sử dụng một cách thông minh gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, hoàn thổ và phủ xanh các diện tích mỏ quặng bô xít đã hoàn thành khai thác. Nghiên cứu, từng bước áp dụng kinh tế tuần hoàn trong ngành công nghiệp alumin, luyện nhôm, mà cốt lõi chính là ứng dụng khoa học - công nghệ để cho phép tối ưu hóa sử dụng các nguồn lợi tự nhiên, hạn chế phát thải gây hại, tiết kiệm tài nguyên, bảo vệ môi trường sinh thái.
Cơ cấu lại ngành Nông nghiệp theo hướng phát triển bền vững; nâng cao chất lượng, khả năng cạnh tranh nông sản gắn với chuỗi giá trị, xây dựng nông thôn mới; bảo vệ môi trường sinh thái; nâng cao thu nhập cho người nông dân; hướng đến nền nông nghiệp xanh thích ứng với biến đổi khí hậu và hội nhập quốc tế.
Với lợi thế so sánh riêng, Đắk Nông cần phải ưu tiên đẩy nhanh hoàn thành nâng cấp, đầu tư xây dựng các công trình giao thông chiến lược, tăng tính kết nối, nhờ đó phát huy tốt hơn lợi thế nổi trội, nhất là tuyến cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành, nâng cấp quốc lộ 28, quốc lộ 14C.
Đối với các giá trị, nguồn lực văn hóa, ý chí, khát vọng vươn lên của con người Đắk Nông, cần được khơi dậy, kích hoạt, tạo động lực cho sự phát triển bền vững. Các di tích lịch sử - văn hóa cần được quy hoạch bài bản từng không gian - cảnh quan gắn bảo tồn và phát huy, hướng vào phục vụ cho phát triển du lịch, quảng bá hình ảnh, thương hiệu, bản sắc của địa phương trong và ngoài nước. Các di sản văn hóa phi vật thể cần được nghiên cứu công phu, phục vụ có hiệu quả hơn cho kinh tế du lịch.
Đối với các nguồn lực về thể chế, con người, khoa học - công nghệ, đây là những yếu tố có ý nghĩa kiến tạo, bảo đảm phát triển nhanh và bền vững của địa phương. Nhờ những biện pháp quyết liệt, những điểm nghẽn cho sự phát triển như chỉ số PCI, Par Index được cải thiện vượt bậc, đem lại hiệu ứng tích cực với gần chục doanh nghiệp, tập đoàn lớn đã tới Đắk Nông tìm kiếm cơ hội đầu tư trong năm qua. Thời gian tới, cần kiên trì cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, đẩy mạnh chuyển đổi số trên tất cả các lĩnh vực, tạo nên bứt phá mạnh mẽ hơn, để thu hút đầu tư vào ba trụ cột tăng trưởng của tỉnh.
Quy hoạch phát triển tỉnh Đắk Nông sẽ được triển khai theo định hướng “Nhất tâm”, “Nhị tuyến”, “Tam trụ”, “Tứ vùng”
Đồng chí Ngô Thanh Danh, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH Đắk Nông
Để khai thác, thu hút và phân bổ hợp lý các nguồn lực chủ yếu đã phân tích trên, với tầm nhìn chiến lược, có tính thực tiễn cao, cần sớm triển khai Quy hoạch tỉnh Đắk Nông thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 ngay sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Theo đó, Quy hoạch phát triển tỉnh Đắk Nông sẽ được triển khai theo định hướng: “Nhất tâm” với đô thị Gia Nghĩa là trung tâm; “Nhị tuyến”, với quốc lộ 14 và quốc lộ 28 làm tuyến giao thông động lực phát triển chính. “Tam trụ”, với ba trụ cột phát triển gồm tổ hợp công nghiệp bô xít - alumin - nhôm và năng lượng tái tạo; nông nghiệp bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu gắn với thị trường; du lịch. “Tứ vùng”, với 04 vùng trọng điểm: Tiểu vùng trung tâm gồm TP. Gia Nghĩa và huyện Đắk R’lấp; Tiểu vùng phía Đông gồm các huyện Krông Nô và Đắk Glong; Tiểu vùng phía Tây gồm các huyện Đắk Song, Tuy Đức, Tiểu vùng phía Bắc gồm đô thị Đắk Mil và huyện Cư Jút.
Con đường đi lên phía trước của Đắk Nông là quá trình tiếp tục kế thừa những giá trị tinh thần cao quý, những thành tựu to lớn tích lũy qua các thời kỳ; là sự hội tụ của “ý Đảng - lòng Dân”; cùng với sự chỉ đạo và đồng hành sát sao của các bộ, ban, ngành Trung ương; sự ủng hộ, đồng hành, chia sẻ của người dân, cộng đồng doanh nghiệp. Để thúc đẩy quá trình đó, đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu phải phát huy tính năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phát, dám chịu trách nhiệm, cùng nhau kiến tạo sự phát triển nhanh và bền vững tỉnh Đắk Nông.