Chính trị

Phát huy nội lực phát triển đất nước

P.V 02/09/2023 05:00

Để có được độc lập và tự do, một trong những bài học quý báu là Đảng và Bác Hồ đã phát huy tối đa sức mạnh nội lực của toàn dân tộc.

Sức mạnh nội lực

Nội lực của một dân tộc, một quốc gia chính là tổng hợp những lợi thế, những nguồn lực nội sinh của dân tộc, quốc gia đó. Những lợi thế, những nguồn lực này bao hàm trong toàn bộ các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội. Đó là tài nguyên thiên nhiên, nguồn lực con người, là tổng thể những giá trị vật chất, tinh thần, truyền thống văn hóa,...

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tổng kết: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta”. Chính từ nguồn sức mạnh nội lực vô bờ bến này, Nhân dân Việt Nam đã vượt qua muôn vàn gian khổ, chung sức, đồng lòng chiến đấu, giành chiến thắng trước mọi kẻ thù xâm lược. Bước vào thời kỳ mới, sức mạnh nội lực của dân tộc tiếp tục được phát huy, thể hiện rõ nét là lòng yêu nước trong mọi hoàn cảnh.

Không chỉ lòng yêu nước, sức mạnh nội lực của dân tộc Việt Nam thời kỳ mới còn bắt nguồn từ lòng dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Do đó, chỉ với sức mạnh đoàn kết nhất trí của toàn dân, sức mạnh của nền kinh tế tự chủ ngày càng vững mạnh, một nền văn hóa dân tộc được phát huy với những con người Việt Nam có phẩm chất, năng lực, trí tuệ... thì chúng ta mới có thể bảo vệ được độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và đưa đất nước vững bước tiến lên.

Đặc biệt, sức mạnh nội lực của quốc gia còn là ý chí của toàn dân tộc, lúc này là ý chí tự lực, tự cường. Sinh thời, với sự trải nghiệm của một người đã từng đi "năm châu, bốn biển", Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định khi mỗi người dân có ý chí tự lực, tự cường sẽ tạo thành sức mạnh nội lực cho cả dân tộc.

xuat-khau-dienj-thoai-linh-kien.jpg
Linh kiện điện tử là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam

Kế thừa quan điểm ấy, trong Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, tinh thần tự lực, tự cường được nhấn mạnh như là nguồn lực phát triển quan trọng của đất nước. Nguồn nội lực này trước hết là “khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”.

Trải qua nhiều giai đoạn lịch sử cho thấy, lòng yêu nước và tinh thần đoàn kết toàn dân tộc; chung sức đồng lòng vượt qua khó khăn; lòng nhân ái bao dung, nhường cơm sẻ áo tạo nên sức mạnh tinh thần to lớn là nội lực vô giá, không phải đất nước nào cũng có được. Nội lực này là cơ sở, nền tảng vững chắc để dân tộc Việt Nam vượt qua và chiến thắng mọi khó khăn, thách thức.

Nội lực có vai trò quyết định

Với tư duy biện chứng, Chủ tịch Hồ Chí Minh thấy rõ mối quan hệ chặt chẽ giữa nội lực và ngoại lực và Người luôn khẳng định: Tăng cường sức mạnh nội lực không có nghĩa là đóng kín, khước từ sự giúp đỡ ở bên ngoài mà là phải tìm mọi cách gia tăng sự ủng hộ của thế giới để nhân lên sức mạnh của nội lực.

Đối với kinh tế Việt Nam, ổn định vĩ mô là nội lực quan trọng nhất của đất nước. Kinh tế vĩ mô ổn định, tăng trưởng cao trong bối cảnh thế giới có nhiều rủi ro, bất định, tạo nên niềm tin và cơ sở vững chắc cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư, tiến hành sản xuất kinh doanh lâu dài tại Việt Nam.

Đất đai, lao động và vốn là những yếu tố sản xuất chủ yếu và cũng là nội lực quan trọng của đất nước. Cùng với đó, vốn, công nghệ, năng lực quản lý và khả năng kinh doanh là 3 yếu tố quan trọng, cần khai thác hiệu quả để phát huy nội lực, tận dụng ngoại lực cho phát triển kinh tế...

Trong điều kiện thực hiện chính sách mở cửa, hội nhập quốc tế, phát huy tối đa sức mạnh nội lực dân tộc đòi hỏi phải củng cố sự đoàn kết với phong trào cách mạng các nước. Đồng thời, phải nắm vững phương châm ngoại giao mềm dẻo, có nguyên tắc nhằm thực hiện thắng lợi chính sách đối ngoại hiện nay của Đảng và Nhà nước ta là: Việt Nam muốn là bạn và đối tác tin cậy với tất cả các nước trong cộng đồng quốc tế, vì hòa bình, hợp tác và phát triển…

Ngày nay, dù hướng ra bên ngoài để gia tăng nội lực là xu hướng phát triển tất yếu của các quốc gia nhưng nội lực vẫn là quyết định và chỉ khi thực sự có nội lực, ta mới có thể đưa ra quan điểm độc lập của mình về các vấn đề quốc tế và tiến hành "hòa nhập" mà không "hòa tan".

Một trong những nội dung cơ bản trong tư tưởng,
đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc là phát huy tối đa nội lực dân tộc, tranh thủ ngoại lực, có chính sách mở cửa, thu hút đầu tư nước ngoài.

Khơi dậy khát vọng

Văn kiện Đại hội XIII đã coi phát huy nội lực, ý chí tự lực, tự cường là một trong những động lực quan trọng để phát triển đất nước hiện nay. Tuy nhiên, cần phải xác định rõ rằng: Nội lực không chỉ là tiền của đang nằm trong dân mà là toàn bộ trí tuệ, tâm huyết, ý chí, quyết tâm của mỗi con người Việt Nam.

Để nền kinh tế bứt tốc, phấn đấu đến năm 2045, Việt Nam trở thành nước phát triển, thu nhập cao như mục tiêu Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra, cần thiết phải khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc ở mỗi người dân, mỗi doanh nghiệp, để tập hợp sức mạnh nội lực của toàn dân tộc.

do-hoa-thay-bai-noi-luc.png

Sức mạnh nội sinh của một dân tộc không phải là những điều “mặc định” và “bất biến” nên để phát huy nội lực thì phải tiếp tục phát huy tinh thần tự lực, tự cường vốn là nét đẹp trong truyền thống văn hóa Việt Nam và đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh phát triển lên một tầm cao mới.

Dự báo thời gian tới có nhiều khó khăn hơn thuận lợi, song chính thành tựu đạt được là nền tảng, động lực để chúng ta kiến tạo nên kỳ tích mới. Trong quá trình phát triển, việc phát huy nội lực; bảo đảm ổn định chính trị; chủ động, tích cực hội nhập kinh tế quốc tế; khơi dậy khát vọng phát triển, tinh thần khởi nghiệp quốc gia, đổi mới sáng tạo; đề cao giá trị văn hóa, bản lĩnh con người Việt Nam, vai trò xung kích của lực lượng doanh nghiệp, doanh nhân, trí thức, và giai cấp công nhân hiện đại… sẽ là những điểm cần chú trọng.

Để tiếp tục phát huy sức mạnh nội lực của dân tộc, tận dụng cơ hội, vượt qua nguy cơ, thách thức, Đảng nhấn mạnh phải khơi dậy tinh thần yêu nước, đây là một trong những giá trị, thuận lợi cơ bản để phát huy tối đa sức mạnh nội lực của dân tộc Việt Nam.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Phát huy nội lực phát triển đất nước
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO