Phát huy lợi thế vùng lõi Công viên địa chất Đắk Nông
Là vùng lõi của Công viên Địa chất toàn cầu (CVĐCTC) UNESCO Đắk Nông, Krông Nô nỗ lực bảo tồn văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số (DTTS) gắn với phát triển du lịch, mang đến các trải nghiệm mới mẻ, làm phong phú thêm sản phẩm du lịch Đắk Nông.
Là vùng lõi của Công viên Địa chất toàn cầu (CVĐCTC) UNESCO Đắk Nông, Krông Nô nỗ lực bảo tồn văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số (DTTS) gắn với phát triển du lịch, mang đến các trải nghiệm mới mẻ, làm phong phú thêm sản phẩm du lịch Đắk Nông.
NHIỀU ƯU THẾ
VỀ THIÊN NHIÊN VÀ CON NGƯỜI
Huyện Krông Nô có hệ thống núi lửa dài và rộng bậc nhất Đông Nam Á với gần 50 hang động lớn nhỏ. Đặc biệt, quần thể hang động này nối liền với quần thể thác lớn trên sông Sêrêpốk, rất thuận lợi để phát triển du lịch. Krông Nô còn có nhiều thắng cảnh; 6 di tích lịch sử cách mạng cấp tỉnh và quốc gia.
Huyện Krông Nô có nhiều điểm đến trong vùng CVĐCTC UNESCO Đắk Nông, bao gồm: Dãy núi lửa Nâm Kar, Đầm sen, Thung lũng mặt trời mọc, Ngôi nhà may mắn, Trung tâm thông tin Krông Nô, Thác Dray Sáp, Hang động núi lửa, Thác Gia Long…
Ở Krông Nô, từ chân lên đến đỉnh đồi, hàng triệu viên nham thạch xếp dày lớp lớp trên mặt đất. Chúng tôi vượt qua con đường bazan, vượt qua đá để được tận mắt khám phá, ngắm nhìn những kỳ tích của tạo hóa và thiên nhiên nơi đây. Đó là những hang động giấu kín trong lòng đất. Hệ thống hang động núi lửa Krông Nô nối liền với những ngọn thác đẹp hùng vĩ trên dòng sông Sêrêpốk...
Chị Hoàng Thị Thu Hương, du khách đến từ tỉnh Lạng Sơn
Với 24 DTTS cùng sinh sống, Krông Nô là bức tranh đa sắc màu chứa đựng văn hoá độc đáo của các dân tộc bản địa và những mảng màu mới lạ của các dân tộc phía Bắc di cư. Mỗi dân tộc đều có những nét truyền thống văn hóa riêng biệt, phong phú từ âm nhạc, ẩm thực, trang phục đến lễ hội dân gian.
Nổi bật trong bức tranh văn hóa của huyện Krông Nô là kho tàng văn hóa độc đáo, đa dạng của các cư dân bản địa: M’nông, Ê đê. Với tín ngưỡng đa thần, đồng bào M’nông và Ê đê nơi đây có hệ thống các nghi lễ và lễ hội đa dạng liên quan đến nông nghiệp, vòng đời và cộng đồng. Nhiều lễ hội vẫn gìn giữ cho đến ngày nay như Tăm plang Blang bon; Tâm N'Găp bon; cúng bến nước; cầu mưa; vào nhà mới…
Sự hiện diện của các dân tộc đến từ các tỉnh miền núi phía Bắc cũng làm cho bức tranh văn hóa vùng đất Krông Nô thêm sống động. Các bản làng của đồng bào Thái ở xã Nam Xuân rộn ràng với làn điệu dân ca, dân vũ cùng điệu múa xòe, nhảy sạp hay tiếng khua luống. Nhiều phụ nữ Dao ở xã Nâm N’đir tự tay thêu thùa, may vá trang phục truyền thống và duy trì việc truyền dạy cho thế hệ trẻ. Đồng bào Tày, Nùng luôn đề cao ý thức lưu giữ và phát huy đàn tính, hát then... Đặc biệt, lễ cấp sắc của người Dao; lễ hội lồng tồng của người Tày, Nùng; lễ cúng lúa mới của người Thái… được bà con duy trì tổ chức trên quê hương mới.
Cùng với nhịp sống hiện đại, nhiều nghệ nhân vẫn luôn tâm huyết với việc gìn giữ, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Theo thống kê, hiện nay, huyện Krông Nô có khoảng 180 nghệ nhân cồng chiêng, 16 nghệ nhân biết chế tác và sử dụng nhạc cụ dân tộc, 17 nghệ nhân biết và hát những làn điệu dân ca; hơn 100 nghệ nhân dệt thổ cẩm truyền thống; 15 nghệ nhân biết làm cây nêu truyền thống…
BẢO TỒN VÀ PHÁT HUY
VĂN HÓA TRUYỀN THỐNG
Nữ nghệ nhân H’Brơi ở bon Ja Ráh, xã Nâm Nung, huyện Krông Nô nổi tiếng bởi tài nghệ tấu chiêng và hát dân ca. Từ nhỏ, H’Brơi đã đắm mình trong nhịp chiêng ngân vang của bố, giọng hát mượt mà của bà, của mẹ. Những làn điệu dân ca được H’Brơi bồi tụ theo thời gian về cuộc sống hằng ngày, tình yêu đôi lứa, ca ngợi buôn làng, ca ngợi những chàng trai anh dũng bảo vệ buôn làng, ca ngợi thiên nhiên tươi đẹp…
Cùng với sự động viên, khuyến khích của các cấp, các ngành địa phương, tôi
thường xuyên góp mặt trong đội chiêng và văn nghệ dân gian của xã, huyện. Tôi tích cực tham gia nhiều hội diễn, hội thi nghệ thuật quần chúng địa phương tổ chức.Nghệ nhân H’Brơi ở bon Ja Ráh, xã Nâm Nung, huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông
Với sự góp mặt của H’Brơi và các nghệ nhân, xã Nâm Nung có được những giải thưởng cao trong các cuộc biểu diễn… Tâm huyết với truyền thống văn hóa của dân tộc M’nông, bà thường tham gia các hoạt động truyền dạy văn hóa phi vật thể của người M’nông cho thế hệ trẻ tại địa phương.
Nhằm tạo nét đặc trưng riêng về phát triển du lịch, Krông Nô chú trọng gìn giữ, phát huy bản sắc văn hoá truyền thống các DTTS. Nhiều lớp truyền dạy cồng chiêng, chế tác nhạc cụ, hát dân ca, làm cây nêu và đan lát, dệt thổ cẩm được tổ chức. Các lễ hội truyền thống của đồng bào các DTTS được chú trọng bảo tồn, khôi phục, phục dựng. Huyện đã tổ chức, khôi phục, phục dựng các lễ hội của đồng bào DTTS như lễ hội Lồng tồng của người Tày, Nùng xã Nam Xuân; lễ cúng lúa mới của đồng bào Thái xã Nam Xuân; lễ cúng bến nước của đồng bào M’nông, xã Nâm Nung...
Triển khai thực hiện Dự án 6 về Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền
thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, giai đoạn 2021 – 2025 (Chương trình 1719), năm 2024, huyện tổ chức được 4 lớp tập huấn, hỗ trợ nghệ nhân ưu tú truyền dạy văn hóa phi vật thể cho các DTTS trên địa bàn huyện...Ông Huỳnh Công Nga, Phó Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông
Các lớp truyền dạy kỹ năng bao gồm: đánh cồng chiêng nâng cao và dân ca M’nông, xã Nâm Nung; dệt thổ cẩm, hoa văn dệt thổ cẩm dân tộc Dao, xã Nâm N'đir; lớp đánh cồng chiêng nâng cao, phục dựng cây nêu dân tộc M’nông, xã Quảng Phú và đánh cồng chiêng nâng cao, đan lát dân tộc Ê đê, xã Quảng Phú.
PHÁT HUY THẾ MẠNH
"TRƯỜNG CA NƯỚC VÀ LỬA"
Những năm trở lại đây, nhiều hoạt động văn hóa tự phát từ cộng đồng đã được các cấp chính quyền khuyến khích xây dựng thành sản phẩm du lịch của địa phương. Tiêu biểu như Lễ hội Lồng tồng được tổ chức hằng năm ở xã Nam Xuân trở thành sản phẩm du lịch độc đáo, thu hút đông đảo du khách gần xa, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.
Ban Quản lý CVĐCTC UNESCO Ðắk Nông phối hợp với UBND huyện Krông Nô đầu tư, xây dựng điểm dừng chân “Thung lũng mặt trời mọc” thuộc xã Nâm N’đir. Sức hấp dẫn của điểm đến này không chỉ là sự mộc mạc và yên bình của thôn quê, của cánh đồng lúa nước nằm dưới chân núi lửa mà còn là những nét văn hóa đặc sắc của dân tộc Dao Thanh Y. Với vốn văn hóa sẵn có như trang phục, ẩm thực, văn nghệ, cộng đồng người Dao ở đây luôn sẵn lòng đón tiếp, phục vụ nhu cầu tham quan, trải nghiệm của du khách khi đến với điểm dừng chân “Thung lũng mặt trời mọc”.
Phát triển du lịch trên nền tảng phát huy các lợi thế tự nhiên, các giá trị văn hóa - đặc trưng sinh thái bản địa, CVĐCTC UNESCO Đắk Nông được xác định là một trong những lợi thế cạnh tranh, định hướng phát triển trong nền kinh tế của huyện Krông Nô. Với mục tiêu phát triển du lịch bền vững có sự tham gia đầy đủ của cộng đồng các dân tộc, Krông Nô chú trọng thúc đẩy phát triển du lịch cộng đồng. Đây là loại hình du lịch có sự tham gia của cộng đồng dân cư vào chuỗi cung ứng và quản lý du lịch. Hình thức này mang đến cho du khách nhiều trải nghiệm thú vị khi hòa vào cuộc sống của người dân bản địa.
Một số mô hình du lịch cộng đồng và sản phẩm du lịch gắn với văn hóa manh nha, khởi động. Đơn cử như mô hình du lịch cộng đồng tại bon Ja Ráh, xã Nâm Nung. Đồng bào M’nông nơi đây cũng thành lập thêm tổ hợp tác làm rượu cần, dệt thổ cẩm.
Nhận thấy những tiềm năng về du lịch của vùng đất Nâm Nung, gia đình tôi đã tham gia nhóm du lịch cộng đồng. Tôi mong muốn giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc mình; tiếp nối nghề truyền thống như đan lát, dệt thổ cẩm, làm rượu cần; quảng bá sản phẩm nông sản bà con nơi đây như cà phê, trái cây, rau củ…
Tâm huyết với truyền thống văn hóa của dân tộc M’nông, khi tham gia nhóm làm du lịch cộng đồng, nữ nghệ nhân H’Brơi ở bon Ja Ráh không khỏi vui mừng. Bởi tài nghệ tấu chiêng và hát dân ca có nhiều cơ hội biểu diễn. Những làn điệu dân ca được H’Brơi bồi tụ theo thời gian về cuộc sống hằng ngày, tình yêu đôi lứa, ca ngợi buôn làng, những chàng trai anh dũng bảo vệ buôn làng, thiên nhiên tươi đẹp…, trở thành điểm nhấn với du khách trong những đêm giao lưu văn hóa văn nghệ.
Tương tự, em H’Nóa ở bon Ja Ráh là một trong những thành viên trẻ của nhóm múa 3 năm nay. Cô gái trẻ luôn say mê và có ý thức giữ gìn nét đẹp văn hóa của dân tộc mình. Việc tham gia một cách tự nguyện của H’Nóa đã truyền cảm hứng cho lớp trẻ trong bon làng phát huy những nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc.
Huyện cũng đã thành lập 5 đội văn nghệ truyền thống phục vụ du lịch tại thôn Nam Thanh, xã Nam Xuân; bon Ja Ráh, xã Nâm Nung; thôn Phú Vinh, xã Quảng Phú; thôn Nam Tân, xã Nam Đà; thôn Nam Cao, xã Đắk Sôr; bon Choih, xã Đức Xuyên. Riêng tại xã Nam Xuân thành lập được 10 câu lạc bộ văn nghệ dân gian thường xuyên tổ chức sinh hoạt, biểu diễn. Một số câu lạc bộ nhận tuor du lịch tham quan, kết hợp tìm hiểu phong tục, tập quán các DTTS.
Người dân dần nhận ra được những lợi ích của du lịch cộng đồng, chủ động hơn trong việc gìn giữ văn hóa truyền thống, khôi phục các nghề thủ công. Thường niên, địa phương tổ chức 3 lễ hội đặc trưng, tiêu biểu. Trong đó, lễ hội Tăm Blang M'prang Bon được nâng tầm, gắn với CVĐCTC UNESCO Đắk Nông.
Thời gian qua, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương xây dựng các chương trình, đề án định hướng bảo tồn, phát huy văn hoá truyền thống, phát triển các sản phẩm du lịch. Bên cạnh các hoạt động xúc tiến, quảng bá hình ảnh vùng lõi CVĐC đến với bạn bè trong nước và quốc tế, ngành văn hóa và huyện Krông Nô đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động cộng đồng các dân tộc bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp để phục vụ các hoạt động du lịch tại địa phương.
Sở hữu nhiều lợi thế về cảnh quan thiên nhiên, di sản văn hóa phong phú, Krông Nô là điểm đến lý tưởng cho du khách yêu thích khám phá. Các sản phẩm du lịch văn hóa đa dạng như dệt thổ cẩm, rượu cần, ẩm thực địa phương... không chỉ làm phong phú trải nghiệm mà còn góp phần quảng bá hình ảnh địa phương, tạo dựng nét riêng, thu hút du khách và thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội.