Phát huy lợi thế du lịch gắn nông nghiệp

Bài và ảnh: MAI VĂN BẢO| 22/05/2025 22:28

Du lịch trải nghiệm, khai thác các giá trị dựa trên thành quả của ngành nông nghiệp đã trở thành xu hướng của du lịch trong nước và trên thế giới. Đó là mối quan hệ hữu cơ, cộng sinh, góp phần truyền tải những câu chuyện về vùng đất, con người, giá trị văn hóa, cuộc sống đời thường và lan tỏa thương hiệu nông sản địa phương.

Du khách trải nghiệm vườn dâu tây công nghệ cao tại thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng.Du khách trải nghiệm vườn dâu tây công nghệ cao tại thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng.

Tại Lâm Đồng, với lợi thế về điều kiện tự nhiên, thương hiệu du lịch Đà Lạt, cùng kết quả nổi trội của nền nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh thì sự “bắt tay” giữa du lịch và nông nghiệp sẽ mở ra triển vọng của sản phẩm du lịch mới trên vùng đất nam Tây Nguyên.

Bắt nhịp xu hướng

Qua đánh giá tiềm năng, lợi thế, từ năm 2015, tỉnh Lâm Đồng chính thức triển khai mô hình kết hợp du lịch và nông nghiệp, với tên gọi “du lịch canh nông”, nhằm tạo thương hiệu riêng cho loại hình du lịch mới này.

Tỉnh cũng ban hành đề án thí điểm “Xây dựng mô hình du lịch canh nông trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng”, từ đó, xây dựng những chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện để du lịch canh nông phát triển mạnh mẽ, hấp dẫn, thu hút đông đảo du khách trong nước và quốc tế tham quan, trải nghiệm.

Năm 2010, khi lần đầu đặt chân đến Đà Lạt, vợ chồng ông Nghiêm Văn Minh và bà Nguyễn Thị Bích Thủy, Việt kiều Pháp, đã mê đắm những vườn dâu tây, rau, hoa áp dụng công nghệ cao của vùng đất này. Sau đó, ông bà quyết định định cư và triển khai dự án nông nghiệp công nghệ cao tại đây.

Ông bà thành lập Công ty Sinh Học Sạch (Biofresh Farm), trực tiếp nhập giống, phân bón, giá thể từ Pháp về trồng dâu, dưa lưới, trà thảo mộc… và hoa hồng ngoại. Sau thời gian ngắn, trang trại dâu tây Biofresh đã đón lượng khách tham quan khá lớn và trở nên nổi tiếng.

Từ trang trại khiêm tốn ban đầu, đến nay, chủ nhân Biofresh Farm đã đầu tư dự án trên vùng đất mới, cách trung tâm Đà Lạt chừng 10 km, quy mô gần 20 ha. Điểm nhấn tại đây vẫn là dâu tây canh tác theo quy trình, công nghệ Pháp dưới tán rừng thông.

“Nông nghiệp sạch và du lịch sinh thái, trải nghiệm chắc chắn sẽ thu hút du khách đến xứ sở mộng mơ Đà Lạt”, bà Thủy khẳng định.

Tại huyện nông thôn mới Đơn Dương, Avocado Farm của Công ty trách nhiệm hữu hạn Avocado Farm vừa được Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng công nhận là điểm du lịch, trong đó có du lịch canh nông...

Đầu năm 2024, mô hình “Tám Trình Coffee Experiences” của Công ty trách nhiệm hữu hạn xuất nhập khẩu cà-phê Tám Trình (huyện Lâm Hà) được Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng công nhận điểm du lịch canh nông.

Đây là mô hình chuỗi sản xuất khép kín nhằm quảng bá, giới thiệu và nâng tầm giá trị hạt cà-phê, nét đẹp sản xuất, văn hoá cà-phê Tây Nguyên và Việt Nam đến du khách trong nước và quốc tế.

“Với mong muốn mang đến những trải nghiệm gần gũi, chân thật và góc nhìn toàn cảnh về hành trình “Từ nông trại đến ly cà-phê - farm to cup”, chúng tôi quyết định đầu tư xây dựng điểm dừng chân trải nghiệm trên diện tích hơn 4 ha này”, ông Đoàn Mạnh Trình, Phó Giám đốc công ty cho biết.

Dù mới hoạt động hơn 2 năm, “Tám Trình Coffee Experiences” đã đón rất nhiều đoàn khách quốc tế cùng các đoàn du học sinh của nhiều quốc gia.

“Sau khi trải nghiệm quy trình sản xuất cà-phê, thưởng thức đặc sản địa phương, thưởng thức cà-phê, du khách đều mua càphê OCOP về làm quà. Đây là phương thức quảng bá thương hiệu rất hiệu quả”, ông Trình chia sẻ.

Gần đây, tại Lâm Đồng đã xuất hiện nhiều điểm du lịch canh nông như: Vườn hồng Lê Phúc, Làng nấm Đà Lạt, Cao nguyên hoa Đà Lạt; điểm tham quan, trải nghiệm Bồng Lai Farm ở huyện Đức Trọng, với vườn nho đen giống Nhật được bao bọc bởi các loại cây ăn trái phủ lên một màu xanh tươi mát…

Du khách được trải nghiệm làm nông dân công nghệ cao, thưởng thức đặc sản cao nguyên và thư giãn trong không gian lãng mạn. Đó là những trải nghiệm mới mẻ trên hành trình khám phá miền đất phía nam Tây Nguyên.

Gỡ vướng để phát huy lợi thế

Năm 2018, Lâm Đồng có 33 điểm du lịch canh nông của các tổ chức, cá nhân được công nhận với thời hạn 3 năm; tổng nguồn vốn đầu tư các mô hình du lịch canh nông hơn 377 tỷ đồng, diện tích hơn 300 ha.

Đến năm 2021, chính quyền tỉnh Lâm Đồng ban hành Quy chế tạm thời về đầu tư, quản lý hoạt động kinh doanh du lịch canh nông; trong đó có những tiêu chí cụ thể về xây dựng điểm du lịch canh nông.

Theo thống kê, tổng lượt khách đến tham quan các mô hình du lịch canh nông tại Lâm Đồng từ năm 2018-2024 là hơn 10 triệu lượt; giải quyết việc làm cho khoảng 1.000 lao động. 200 hướng dẫn viên du lịch tại các đơn vị kinh doanh du lịch canh nông được cấp thẻ.

Tiến sĩ Phạm S, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng, người có ý tưởng đề xuất đặt tên “du lịch canh nông”, cho rằng: Du lịch canh nông có sức lôi cuốn lớn với du khách trong nước và quốc tế, góp phần giúp nông sản được tiêu thụ tại chỗ, lan tỏa thương hiệu và đem lại hiệu quả kinh tế.

Loại hình này cũng góp phần giữ gìn, nâng cao các giá trị văn hóa truyền thống và đã đóng góp đáng kể vào sự tăng trưởng kinh tế địa phương. Tuy nhiên, đến cuối năm 2023, Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng có quyết định chấm dứt hiệu lực thi hành Quy chế tạm thời về đầu tư và quản lý hoạt động kinh doanh du lịch canh nông trên địa bàn, vì không còn phù hợp với tình hình thực tế địa phương và các quy định liên quan đến loại hình du lịch này.

Việc công nhận điểm du lịch (có sản phẩm du lịch canh nông) tại Lâm Đồng thực hiện theo Luật Du lịch, Nghị định số 168/2017/ NĐ-CP ngày 31/12/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Du lịch. Từ đó, nhiều cơ sở du lịch muốn tổ chức hoạt động du lịch canh nông, nhưng vì nhiều lý do nên không được công nhận, như vướng về tiêu chí về xây dựng, chuyển đổi mục đích sử dụng đất.

“Sản phẩm du lịch canh nông liên quan Luật Du lịch, Luật Đất đai, Luật Xây dựng… nên còn vướng về mặt thể chế, chưa có các hướng dẫn cụ thể của các ngành liên quan”, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết.

Căn cứ các quy định liên quan, từ năm 2024, Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng có quyết định công nhận 8 điểm du lịch, trong đó có nhiều điểm du lịch canh nông, hoặc có sản phẩm du lịch canh nông; hỗ trợ 6 mô hình, điểm thí điểm phát triển du lịch nông thôn; xây dựng một mô hình chuỗi liên kết du lịch canh nông.

Tỉnh cũng đã đẩy mạnh phát triển dịch vụ, du lịch gắn với sản phẩm OCOP, góp phần đưa các sản phẩm du lịch, mua sắm đặc trưng của địa phương đến với du khách.

Để loại hình du lịch canh nông tại Lâm Đồng phát triển xứng tầm, nhiều chuyên gia, tổ chức, doanh nghiệp cho rằng, cần có văn bản quy phạm riêng và các cơ chế, chính sách, giải pháp ưu tiên thúc đẩy phát triển; nhất là gỡ nút thắt về cơ sở pháp lý chuyển đổi đất, quy mô và tỷ lệ về diện tích được phép xây dựng các cơ sở dịch vụ, hạ tầng phục vụ du lịch.

Địa phương cần có cơ chế để tận dụng nguồn lực sẵn có, bảo tồn văn hóa và môi trường, phát triển đa dạng các mô hình du lịch gắn với thiên nhiên, bảo vệ môi trường; cùng các chính sách hỗ trợ về thuế, tín dụng và đào tạo nguồn nhân lực; cải thiện cơ sở hạ tầng.

Theo nhandan.vn
https://nhandan.vn/phat-huy-loi-the-du-lich-gan-nong-nghiep-post881700.html
Copy Link
https://nhandan.vn/phat-huy-loi-the-du-lich-gan-nong-nghiep-post881700.html

Nổi bật

    Mới nhất
    Phát huy lợi thế du lịch gắn nông nghiệp
    • Mặc định
    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO