Chính trị

Phát huy lợi thế di sản Công viên Địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông

Nhóm PV 26/12/2024 07:23

Việc công nhận lần 2 đối với Công viên Địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông là sự khẳng định những nỗ lực của địa phương, đồng thời tiếp thêm động lực để tỉnh phát huy lợi thế di sản địa chất, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Mở ra nhiều cơ hội hợp tác

Tháng 7/2024, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Ngô Thanh Danh đã dẫn đầu Đoàn công tác của tỉnh làm việc với Ban Khoa học trái đất và Giảm thiểu rủi ro địa chất thuộc UNESCO tại Pháp. Hoạt động này không chỉ thể hiện sự quan tâm của Thường trực Tỉnh ủy, nhất là đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đối với công tác bảo tồn, phát triển của Công viên Địa chất toàn cầu UNESCO (CVĐCTC) Đắk Nông mà còn hứa hẹn mở ra nhiều cơ hội hợp tác với các CVĐCTC khu vực châu Âu.

img_1955.jpg
Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Ngô Thanh Danh đã dẫn đầu Đoàn công tác của tỉnh Đắk Nông làm việc với Ban Khoa học trái đất và Giảm thiểu rủi ro địa chất thuộc UNESCO

Thông tin tại buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Ngô Thanh Danh nhấn mạnh, Đắk Nông là địa phương hội tụ những lợi thế về vị trí địa lý, khí hậu, tài nguyên thiên nhiên để phát triển công nghiệp, nông nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch. Trong đó, công nghiệp khai khoáng, nông nghiệp công nghệ cao, du lịch nghỉ dưỡng là 3 trụ cột về kinh tế đã và đang được tập trung phát triển.

Đặc biệt, địa phương còn sở hữu danh hiệu cao quý do UNESCO vinh danh, đó là CVĐCTC UNESCO Đắk Nông. Đây là mô hình bảo tồn các giá trị di sản kiểu “mở”, hướng tới 3 mục tiêu.

Cụ thể, bảo tồn các di sản địa chất và các giá trị khác trong khu vực như di sản văn hóa, lịch sử, khảo cổ, cảnh quan, môi trường, hệ sinh thái…; nâng cao nhận thức cộng đồng về vai trò, giá trị các loại hình di sản, hướng cộng đồng địa phương và du khách đến những ứng xử thân thiện, có trách nhiệm với môi trường; thúc đẩy các hoạt động phát triển kinh tế bền vững thông qua hoạt động du lịch.

Ngoài các cảnh quan tự nhiên đẹp và độc đáo như các miệng núi lửa, hệ thống các thác nước hùng vĩ, Đắk Nông còn là nơi lưu giữ các giá trị địa chất, văn hóa và đa dạng sinh học đặc trưng của khu vực. Vì vậy, việc xây dựng và phát triển CVĐC Đắk Nông thành CVĐCTC UNESCO là định hướng phát triển chiến lược, góp phần bảo tồn, gìn giữ các giá trị di sản đặc trưng và phát triển kinh tế - xã hội bền vững cho địa phương.

img_1950.jpg
Nhân chuyến thăm, làm việc tại Pháp, người đứng đầu tỉnh Đắk Nông mong muốn UNESCO tiếp tục quan tâm, hỗ trợ giới thiệu, quảng bá hình ảnh, tiềm năng phát triển

Điều đáng mừng, những nỗ lực và cam kết của tỉnh Đắk Nông đã được Hội đồng CVĐCTC ghi nhận và chính thức thông qua thẻ xanh sau kỳ tái thẩm định lần thứ nhất đối với CVĐCTC UNESCO Đắk Nông. Điều này đã mở ra một giai đoạn phát triển mới, nâng tầm khát vọng mới cho vùng đất và con người Đắk Nông.

Nhân chuyến thăm, làm việc tại Pháp, người đứng đầu tỉnh Đắk Nông mong muốn Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp và Phái đoàn thường trực Việt Nam, UNESCO tiếp tục quan tâm, hỗ trợ giới thiệu, quảng bá hình ảnh, tiềm năng phát triển của tỉnh đến các đối tác phù hợp tại Pháp. Đồng thời, kêu gọi, kết nối các nhà đầu tư tiềm năng, chiến lược đến tham quan, nghiên cứu, triển khai các chương trình hợp tác, viện trợ và đầu tư các dự án du lịch tại tỉnh.

Tại buổi làm việc, ông Kristof Vandenberghe, Trưởng Ban kiêm Thư ký Chương trình Khoa học Địa chất và CVĐCTC (IGGP) đánh giá cao những nỗ lực trong việc bảo tồn, phát huy tổng thể các giá trị địa chất, văn hóa, đa dạng sinh học của Đắk Nông và việc hướng tới phát triển bền vững kinh tế - xã hội địa phương.

Theo vị chuyên gia này, CVĐCTC UNESCO Đắk Nông đã và đang đi đúng định hướng khi chú trọng phát triển mối liên kết giữa các loại hình di sản, tăng cường các hoạt động hợp tác mạng lưới. Việc hợp tác mạng lưới là yếu tố then chốt tạo nên sự khác biệt vượt trội của “danh hiệu CVĐCTC” so với các danh hiệu khác của UNESCO…

Việc hợp tác với UNESCO không chỉ giúp nâng cao năng lực quản lý CVĐCTC UNESCO Đắk Nông mà còn mở ra nhiều cơ hội trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học, giáo dục và du lịch bền vững. Sự hỗ trợ và chỉ dẫn từ UNESCO sẽ là nền tảng quan trọng để Đắk Nông phát triển bền vững mô hình CVĐCTC, góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

Phát huy tổng thể các giá trị di sản

Thực tế trong nhiều năm qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Đắk Nông luôn quan tâm đến công tác bảo tồn, phát huy tiềm năng, thế mạnh về di sản địa chất, văn hóa, tài nguyên thiên nhiên, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội bền vững của tỉnh.

Để hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở chung tay xây dựng và phát triển CVĐC, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị số 23, ngày 17/11/2017 về việc xây dựng CVĐC trở thành CVĐCTC. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 32, ngày 22/1/2018 về thực hiện Chỉ thị số 23 của Tỉnh ủy. Thành công bước đầu đó chính là việc UNESCO chính thức công nhận CVĐC Đắk Nông là CVĐCTC vào tháng 7/2020.

daknong.1cdn.vn-2024-09-14-_dscf2252-1-.jpg
Đắk Nông đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác song phương, đa phương về các lĩnh vực bảo tồn di sản địa chất, phát triển du lịch giáo dục khoa học địa chất với các CVĐCTC khác trong khu vực và quốc tế (Ảnh: Hoàng Dương)

Sau đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 14, ngày 22/12/2021 về xây dựng và phát triển CVĐCTC Đắk Nông giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Nghị quyết được ban hành nhằm huy động sự vào cuộc quyết liệt hơn của cả hệ thống chính trị để CVĐCTC Đắk Nông thực sự trở thành mô hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và giữ vững danh hiệu CVĐCTC.

Để nghị quyết đi vào cuộc sống, UBND tỉnh cụ thể hóa thành Kế hoạch số 236 ngày 10/5/2022, đồng thời ban hành nhiều chương trình, văn bản chỉ đạo về giáo dục, nâng cao nhận thức, bảo vệ, phát huy các điểm di sản trong vùng CVĐCTC UNESCO Đắk Nông…

Theo đánh giá của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, qua 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 14, Đắk Nông đã đạt được những kết quả nổi bật. Hoạt động xúc tiến, quảng bá, nhất là tại các địa phương có CVĐCTC và các thị trường trọng điểm về du lịch được quan tâm. Đắk Nông đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác song phương, đa phương về các lĩnh vực bảo tồn di sản địa chất, phát triển du lịch, giáo dục khoa học địa chất với các CVĐCTC khác trong khu vực và quốc tế.

Đặc biệt, việc Đắk Nông đại diện cho Việt Nam đăng cai tổ chức thành công Hội nghị quốc tế về Hang động núi lửa lần thứ 20 (ISV20) năm 2022 đã góp phần tăng cường hợp tác khoa học, quảng bá hình ảnh, vùng đất và con người Đắk Nông nói riêng, Việt Nam nói chung đến với bạn bè quốc tế.

2(1).jpg
Đắk Nông đã có nhiều hoạt động để tăng cường hợp tác khoa học, quảng bá hình ảnh, vùng đất và con người

Trong thời gian qua, Đắk Nông luôn quan tâm thúc đẩy phát triển bền vững kinh tế - xã hội thông qua các hoạt động của CVĐCTC Đắk Nông. Đến nay, chuyên đề số 26 “Phương án quy hoạch vùng CVĐCTC UNESCO Đắk Nông, khoanh vùng bảo vệ các điểm di sản quan trọng và phát triển du lịch CVĐC gắn với thiên nhiên, văn hóa vùng di sản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050” đã được tích hợp chung vào Quy hoạch tỉnh Đắk Nông.

Đắk Nông đã bổ sung, điều chỉnh từ 44 điểm đến tiêu biểu trong vùng CVĐCTC thành 41 điểm cho phù hợp với tình hình phát triển trong giai đoạn mới. Địa phương tập trung nguồn lực đầu tư tu bổ, sửa chữa, nâng cấp các điểm đến trong vùng CVĐCTC phục vụ du lịch và tái thẩm định…

Chuyên đề số 26 “Phương án quy hoạch vùng CVĐCTC UNESCO Đắk Nông, khoanh vùng bảo vệ các điểm di sản quan trọng và phát triển du lịch CVĐC gắn với thiên nhiên, văn hóa vùng di sản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050” đã được tích hợp chung vào Quy hoạch tỉnh Đắk Nông.

1.jpg
Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông có thêm nhiều cơ hội để phát huy những giá trị di sản địa chất

Đặc biệt, hôm nay, ngày 26/12, Đắk Nông tổ chức Lễ đón nhận danh hiệu CVĐCTC UNESCO Đắk Nông lần thứ 2 năm 2024. Đây là lời khẳng định, ghi nhận nỗ lực, ý chí quyết tâm của cả hệ thống chính trị và Nhân dân trong việc xây dựng và phát triển CVĐCTC. Đồng thời cho thấy, mục tiêu của Nghị quyết số 14 bảo tồn và phát huy tổng thể các giá trị di sản trong vùng CVĐC theo đúng yêu cầu, hướng dẫn nhằm thúc đẩy phát triển bền vững kinh tế - xã hội của địa phương, đáp ứng yêu cầu tái thẩm định bước đầu đã thành công.

    Nổi bật

        Mới nhất
        Phát huy lợi thế di sản Công viên Địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO