Tạo việc làm cho người dân
Mô hình trồng xen cây ăn quả của gia đình ông Trương Công Khánh, thôn 2, xã Đắk R’la mang lại thu nhập khá cao mỗi năm. Mô hình hiện có 600 cây bơ các loại, 100 cây sầu riêng, 300 cây xoài, chưa kể các loại cây trồng khác.
NHCSXH huyện Đắk Mil giao dịch với người dân xã Đắk R'la |
Ngoài nhân lực của gia đình, để chăm sóc vườn cây tốt, có những thời điểm, ông phải thuê thêm nhân công. “Kinh tế khá giả chưa giám nói, nhưng thu nhập cứ đều đều mỗi năm cơ bản bảo đảm được”, ông Khánh cho biết.
Theo ông Khánh, lúc mới đầu tư, giống cây ăn quả có giá cao, cứ 40-50 ngàn đồng/cây. Trong khi gia đình rất khó khăn do thiếu vốn ban đầu. Trước tình hình đó, địa phương bình xét, NHCSXH huyện tạo điều kiện cho vay vốn từ chương trình GQVL.
Có nguồn vốn, gia đình tập trung mua cây giống ở những nơi uy tín. Quá trình trồng, chăm sóc vườn cây được gia đình thực hiện bài bản nên phát triển tốt, cho năng suất cao.
Người dân thôn 5, xã Đắk R'la được vay vốn đầu tư chăn nuôi gà |
“Nguồn vốn góp phần tạo thu nhập cho gia đình tôi. Gia đình tôi lại tạo điều kiện về việc làm cho một số nhân công nữa. Thực sự nguồn vốn ưu đãi từ NHCSXH “tiếp sức” cho người nông dân rất nhiều”.
Toàn xã Đắk R’la hiện có gần 1.000 hộ gia đình được vay vốn ưu đãi. Tổng dư nợ của địa phương tại NHCSXH huyện là gần 35 tỷ đồng. Trong đó, riêng các hộ vay theo Chương trình GQVL là 130 hộ, với số tiền 3,6 tỷ đồng.
Theo ông Nguyễn Xuân Ánh, Chủ tịch UBND xã Đắk R’la, cùng với các chương trình khác, nguồn vốn GQVL đã giúp địa phương trong việc tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Về phía chính quyền xã luôn phối hợp với NHCSXH trong bình xét, cho vay, thu lãi, nợ gốc.
Cán bộ NHCSXH huyện Đắk Mil kiểm tra vườn cà phê của hộ vay được đầu tư từ nguồn vốn vay của NHCSXH |
Những mô hình đầu tư vốn vay tốt, địa phương nêu gương trong các buổi họp thôn, xã. Nhờ vậy, hiệu quả trong sử dụng vốn từ chương trình cho vay GQVL khá tốt. “Mới đây, địa phương chúng tôi được công nhận xã nông thôn mới. Có được kết quả này một phần nhờ nguồn vốn ưu đãi từ chương trình GQVL trong thực hiện tiêu chí số 15. Nếu không có nguồn vốn ưu đãi hỗ trợ, xã khó có thể về đích theo kế hoạch”, ông Ánh khẳng định.
Theo Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Đắk Mil, đến hết tháng 6/2021, đơn vị đã tạo điều kiện cho hơn 400 hộ gia đình, với nguồn vốn gần 36,3 tỷ đồng. Trong đó, chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2021, gần 130 hộ được vay vốn, với dư nợ hơn 11 tỷ đồng. |
Tiếp tục cho vay để bà con đầu tư
Theo Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Đắk Mil, nguồn vốn cho vay GQVL được triển khai đã thực sự mang lại hiệu quả tại các địa bàn. Bà con không những có thêm thu nhập, ổn định cuộc sống, mà còn tự tạo ra được việc làm cho chính bản thân mình.
Theo ông Phạm Hòa, Giám đốc Phòng Giao dịch NHCSXH Đắk Mil, hằng năm, đơn vị đẩy mạnh rà soát nhu cầu vay vốn tại địa bàn từng xã, thị trấn. Những hộ gia đình nào đủ điều kiện, ngân hàng nhanh chóng làm hồ sơ để giải quyết cho vay.
Nhiều hộ dân Đắk Mil sử dụng nguồn vốn đầu tư vào cây trồng đang phát huy hiệu quả |
Từ quá trình thẩm định hồ sơ đến kiểm tra, giám sát hoạt động cho vay vốn đều được đơn vị thực hiện chặt chẽ, minh bạch. Ngân hàng thực hiện đúng quy định, cứ sau 30 ngày vay vốn sẽ tiến hành kiểm tra việc sử dụng vốn của người dân.
Qua kiểm tra, các hộ vay đều sử dụng vốn vay đúng mục đích. Nhiều mô hình trang trại, trồng xen canh, chăn nuôi… được đầu tư, chăm sóc khoa học. Hiệu quả kinh tế của nguồn vốn mang lại từng bước được nâng cao.
Quá trình thu hồi nợ được Phòng Giao dịch thực hiện quyết liệt, nghiêm túc. So với các chương trình khác, vốn cho vay GQVL triển khai tại các địa bàn hầu như không có nợ quá hạn.
“Qua rà soát, hiện nay, nhiều hộ dân có nhu cầu nâng hạn mức vay. Chúng tôi sẽ phối hợp với chính quyền các địa phương rà soát thật kỹ. Qua xem xét, chúng tôi sẽ đẩy mạnh giải ngân, tạo nguồn vốn cho bà con đầu tư, phát triển kinh tế, tạo thêm việc làm”, ông Phạm Hòa nhấn mạnh.