Phát huy giá trị, phát triển bền vững CVÐCTC UNESCO Ðắk Nông

Mỹ Hằng| 01/02/2023 15:34

Phát huy giá trị Công viên địa chất toàn cầu (CVÐCTC) UNESCO Ðắk Nông chính là “đòn bẩy” để khôi phục, bảo tồn và khai thác các giá trị di sản phục vụ cho mục tiêu phát triển du lịch một cách bền vững, là định hướng của Ðắk Nông trong quy hoạch tỉnh Ðắk Nông thời kỳ 2021-2030,tầm nhìn đến năm 2050.

ADQuảng cáo

Độc đáo và giàu tiềm năng

Theo PGS. TS Trần Tân Văn, Thành viên Hội đồng CVĐCTC UNESCO, điểm đặc sắc và đặc biệt là, Đắk Nông có một hệ thống núi lửa rất trẻ, sản sinh ra một hệ thống hang động núi lửa đồ sộ, đặc sắc nhất khu vực Đông Nam Á và Trung Quốc. Khu vực CVĐC Đắk Nông có hàng trăm hang động núi lửa, nhưng cho đến nay chỉ có khoảng 50 hang động núi lửa đã được điều tra, khảo sát và đo vẽ. Trong đó, có 1 hang dài đến hơn 1km và tổng chiều dài các hang động cho đến nay được đo vẽ đã lên đến hơn 10.000m. Đặc biệt nhất so với toàn thế giới và cũng là lần đầu tiên ở Việt Nam, các nhà khoa học đã tìm ra các di chỉ khảo cổ của người tiền sử, có cả bộ di cốt người tiền sử trong hang động núi lửa. Qua đánh giá được biết rằng, đó là di cốt người tiền sử từ cách đây khoảng 6.000 - 7.000 năm thuộc Văn hóa Hòa Bình. Đây là điểm rất độc đáo, đặc sắc chưa có nơi nào ở trên thế giới phát hiện ra.

Tháng 7/2020, Công viên địa chất Đắk Nông được UNESCO công nhận là Công viên địa chất toàn cầu và chính thức xuất hiện trên bản đồ du lịch của Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu với 177 điểm đến. Đến nay, việc xây dựng và phát triển Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông đã được các cấp, các ngành, đơn vị, địa phương và cộng đồng trong vùng Công viên địa chất nhận thức được vai trò, tầm quan trọng và quan tâm, hưởng ứng tham gia vào các hoạt động của Công viên địa chất. Đắk Nông đã xây dựng được 3 tuyến du lịch với 44 điểm di sản, CVĐC với chủ đề “Xứ sở của những âm điệu” gồm các tuyến: “Trường ca của nước và lửa”, “Bản giao hưởng của làn gió mới”, “Thanh âm từ Trái đất” và đang tiến hành xây dựng phương án tuyến du lịch thứ 4.

Hệ thống hang động núi lửa CVĐCTC UNESCO Đắk Nông độc đáo bậc nhất khu vực Đông Nam Á (ảnh: Thanh Hải)

Phải gắn phát triển kinh tế - xã hội địa phương

ADQuảng cáo

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Đắk Nông lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020-2025 xác định: “Phát triển du lịch trên nền tảng phát huy các lợi thế tự nhiên, các giá trị văn hóa - đặc trưng sinh thái bản địa, Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông” là nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025. Quy hoạch tỉnh Đắk Nông thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 hướng tới phát huy những lợi thế của CVĐCTC. Cụ thể, giai đoạn 2021-2025, tỉnh tập trung hoàn thiện hạ tầng giao thông kết nối đến các điểm di sản; xây dựng các tuyến, điểm tổ chức du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng; các sản phẩm du lịch lấy CVĐCTC UNESCO làm cốt lõi. Giai đoạn 2026-2030, triển khai thực hiện các lĩnh vực ưu tiên của Mạng lưới CVĐCTC UNESCO; kêu gọi đầu tư và nghiên cứu chuyên sâu để thu hút các doanh nghiệp vào đầu tư; kêu gọi người dân tham gia vào các hoạt động du lịch tạo sinh kế bền vững. Giai đoạn 2030-2050, hình thành các trung tâm dịch vụ du lịch tại các đô thị hạt nhân của tỉnh tạo thành mạng lưới thuận lợi nhất cho khách du lịch; đầu tư các điểm trình diễn văn hoá dân tộc, nghề truyền thống tại nơi bản địa…

Tại Hội nghị quốc tế về Hang động núi lửa lần thứ 20 do UBND tỉnh Đắk Nông đăng cai tổ chức, nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu khoa học thuộc Mạng lưới CVĐCTC UNESCO tham dự, chia sẻ nhiều kinh nghiệm, sáng kiến để phát triển, vận hành CVĐCTC UNESCO Đắk Nông.

Ông Christian Manhart, Trưởng Đại diện UNESCO tại Việt Nam cho rằng: “CVĐCTC UNESCO Đắk Nông là 1/11 CVĐC có hang động dung nham. Do đó, UNESCO cam kết hỗ trợ mạnh mẽ thúc đẩy hợp tác quốc tế. Với mạng lưới các chương trình khoa học liên chính phủ, tất cả đều góp phần thực hiện hiệu quả các mục tiêu phát triển bền vững nói chung và hành động ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ đa dạng sinh học và địa chất nói riêng”.

Còn theo PGS.TS Trần Tân Văn, thành viên Hội đồng CVĐCTC UNESCO, nếu Đắk Nông biết tận dụng và phát huy những lợi thế mà CVĐC mang lại thì sẽ phát triển hiệu quả du lịch CVĐC tạo sinh kế bền vững cho người dân. Trước mắt, Đắk Nông cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá để nâng cao nhận thức cộng đồng về các giá trị di sản và cùng chính quyền địa phương xây dựng, phát triển CVĐC. Đồng thời triển khai công tác khoanh vùng các giá trị di sản để biết rõ đâu là nơi bảo tồn còn đâu là nơi được phép phát triển”.

Đồng chí Tôn Thị Ngọc Hạnh, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Giám đốc BQL Công viên địa chất Đắk Nông cho biết: “Để CVĐCTC UNESCO Đắk Nông phát triển bền vững, ngoài việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cộng đồng về các giá trị của CVĐC Đắk Nông gắn với phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, Đắk Nông tiếp tục  tiến hành công tác khoanh vùng để bảo tồn, phát huy giá trị di sản trong vùng CVĐCTC”.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phát huy giá trị, phát triển bền vững CVÐCTC UNESCO Ðắk Nông
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO