Phát huy giá trị đặc biệt di chỉ Thác Hai

NGUYỄN CÔNG LÝ| 29/08/2023 22:36

Di chỉ khảo cổ học Thác Hai thuộc thôn 6, xã Ia Jlơi, huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk được phát hiện vào đầu năm 2020. Với những giá trị đặc biệt, Bảo tàng Đắk Lắk đang lập hồ sơ “Sưu tập mũi khoan đá Thác Hai” đề nghị công nhận là Bảo vật quốc gia.

Hố khai quật tại di chỉ khảo cổ học Thác Hai.
Hố khai quật tại di chỉ khảo cổ học Thác Hai.

Độc đáo di chỉ phức hợp

Kết quả khai quật lần thứ nhất vào tháng 3/2021 thu được rất nhiều di vật, cho thấy đây vừa là nơi cư trú, vừa là nơi mộ táng và công xưởng rất quan trọng. Ngoài rìu bôn đá, đồ gốm và các mộ táng, các nhà khảo cổ còn thu được hơn 1.000 mũi khoan bằng các loại đá, cùng hàng vạn mảnh tước nhỏ…

Cuộc khai quật lần thứ hai từ tháng 11/2021 đến tháng 5/2022, thu được khối lượng di vật phong phú, làm rõ thêm nội dung văn hóa và tính chất của di chỉ. TS Trương Đắc Chiến, Bảo tàng Lịch sử quốc gia cho biết, các di tích xuất lộ gồm mộ táng, cụm gốm, hố đất đen và nền đất cháy. Có 16 mộ táng, phong tục mai táng khá thống nhất, một số mộ chôn theo công cụ đá như rìu, đục, bàn mài, bàn đập vải vỏ cây; có mộ chôn theo đồ tùy táng là 42 hạt chuỗi thủy tinh mầu xanh. Di vật thu được gồm đồ đá, đồ gốm và thủy tinh. Đồ đá là loại di vật chủ đạo ở Thác Hai, nhiều nhất là mũi khoan với 1.596 tiêu bản. Đáng chú ý, hầu hết mũi khoan đều chưa có dấu vết sử dụng. Đồ gốm tại di chỉ khảo cổ học Thác Hai có các loại hình: bình, nồi, chum, vò, bát bồng… với nhiều kích cỡ. Đồ thủy tinh chủ yếu là loại hình hạt chuỗi với 1.244 hạt chuỗi…

Từ đó cho thấy, Thác Hai là một di chỉ phức hợp, vừa có tính chất cư trú, vừa là khu mộ táng và là một công xưởng chế tác mũi khoan đá quy mô lớn. Tính chất cư trú thể hiện rõ qua địa tầng dày trên dưới 2 m, ken dày đặc mảnh gốm và đồ đá cùng các dấu vết sinh hoạt khác như than tro, hố đất đen…, cho thấy cư dân cổ đã cư trú tại khu vực này lâu dài và liên tục. Tính chất mộ táng cũng rất rõ nét, thể hiện qua việc các mộ táng xuất lộ trong mọi độ sâu của tầng văn hóa, với táng thức khá thống nhất.

Phát huy giá trị đặc biệt di chỉ Thác Hai ảnh 1

Các mũi khoan đá khai quật được tại di chỉ Thác Hai.

Tầng văn hóa phong phú

Kết quả khai quật còn cho thấy, di chỉ khảo cổ học Thác Hai nằm trong khung niên đại từ khoảng 3.500 năm trước Công nguyên cho đến khoảng 2.000 năm cách ngày nay, tồn tại kéo dài trong khoảng thời gian hơn 1.000 năm, với hai giai đoạn phát triển sớm muộn khác nhau. Giai đoạn sớm thuộc hậu kỳ đá mới, đại diện là lớp văn hóa chứa mũi khoan, có cả mộ nồi và mộ đất, đồ tùy táng chôn theo chủ yếu là đồ đá và đồ gốm. Giai đoạn muộn thuộc thời đại đồ sắt, với lớp văn hóa chứa hạt chuỗi thủy tinh, mộ nồi vò chôn theo hạt chuỗi thủy tinh.

Các nhà khảo cổ học cho rằng, Thác Hai có thể là di chỉ có tầng văn hóa dày nhất Tây Nguyên. Các điểm khảo cổ ở Tây Nguyên thường có tầng văn hóa dày trung bình 50-70 cm, địa điểm dày nhất ở Lung Leng cũng chỉ trên dưới 1 m, nhưng tại di chỉ Thác Hai ngay cả khi không tính lớp thứ hai (thời cận đại) thì tầng văn hóa ở đây vẫn dày khoảng 2 m. Đặc biệt, các nhà khảo cổ học còn phát hiện những tín hiệu của hoạt động sản xuất hạt chuỗi thủy tinh ngay tại di chỉ Thác Hai. Tín hiệu thể hiện ở chỗ là mật độ tập trung của thủy tinh trong một diện tích rất nhỏ, chỉ hơn 10 m2, nhưng các nhà khảo cổ đã tìm thấy 1.244 hạt chuỗi khác nhau, trong đó có những hạt chuỗi thứ phẩm, phế phẩm, các mảnh thủy tinh nguyên liệu và nhất là sự có mặt của các hạt đá quartz trong địa tầng-một dạng silic được dùng chế tác nguyên liệu thủy tinh. Phát hiện này có ý nghĩa quan trọng, bởi hạt chuỗi thủy tinh tìm được rất nhiều trong các di tích khảo cổ thời đại đồ sắt ở Việt Nam, từ miền bắc đến miền nam.

Tính chất công xưởng lại càng nổi bật hơn nữa, với sự xuất hiện của mũi khoan số lượng lớn, đi kèm là các hiện vật liên quan đến chuỗi chế tác như đá nguyên liệu, mảnh tước, phác vật, phế vật…

Kỳ vọng là bảo vật quốc gia

Để lập hồ sơ “Sưu tập mũi khoan đá Thác Hai” đề nghị công nhận là Bảo vật quốc gia, tháng 6/2023, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk đã thành lập Hội đồng thẩm định hiện vật và hồ sơ hiện vật. Hội đồng thẩm định đã tư vấn, đóng góp nhiều ý kiến để Bảo tàng Đắk Lắk tiếp tục chỉnh sửa thông tin hồ sơ hiện vật và thống nhất đưa “Sưu tập mũi khoan đá Thác Hai” đề nghị công nhận là Bảo vật quốc gia.

“Sưu tập mũi khoan đá Thác Hai” gồm 250 hiện vật, trong đó có 200 mũi khoan hoàn chỉnh và 50 phác vật mũi khoan. Theo Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk Thái Hồng Hà, sau khi hoàn chỉnh chỉnh sửa thông tin hồ sơ hiện vật, Sở sẽ lập hồ sơ và trình UBND tỉnh Đắk Lắk xem xét gửi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trình Thủ tướng Chính phủ.

Theo nhandan.vn
https://nhandan.vn/phat-huy-gia-tri-dac-biet-di-chi-thac-hai-post769638.html
Copy Link
https://nhandan.vn/phat-huy-gia-tri-dac-biet-di-chi-thac-hai-post769638.html

    Nổi bật

        Mới nhất
        Phát huy giá trị đặc biệt di chỉ Thác Hai
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO