Phát huy giá trị công viên địa chất để phát triển du lịch riêng biệt
Tháng 7/2020, Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông được công nhận. Đây là công viên địa chất toàn cầu thứ 3 được UNESCO công nhận tại Việt Nam.
Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông có tổng diện tích gần 4.760km2, trải dài các huyện Krông Nô, Cư Jút, Đắk Mil, Đắk Song, Đắk Glong, TP. Gia Nghĩa. Trên vùng đất này, bên cạnh người Kinh chiếm khoảng 65% dân số, còn có khoảng 40 dân tộc khác nhau cùng sinh sống.
Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông có 3 tuyến du lịch và 41 điểm đến hội tụ đầy đủ các giá trị tiêu biểu về địa chất, địa mạo, khảo cổ, văn hóa và đa dạng sinh học mang tầm quốc tế.
Trong đó, hơn 50 hang động núi lửa được đánh giá lớn nhất Đông Nam Á, là di sản độc đáo của quá trình phun trào núi lửa cách đây hàng triệu năm. Tại vùng đất này có khoảng 164 loài sinh vật quý hiếm và cây thần linh. Nhiều miệng núi lửa được công nhận di sản…
Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông là sản phẩm du lịch chủ đạo, điểm nhấn khác biệt trong sản phẩm du lịch của Đắk Nông. Trên cơ sở những giá trị đặc biệt, các chuyên gia, nhà chuyên môn cho rằng Đắk Nông cần có giải pháp khai thác tốt để phát triển du lịch.
Chuyên gia Phạm Thanh Tùng, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế và Du lịch nông nghiệp đánh giá: Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông là lợi thế riêng biệt chỉ có tại Đắk Nông. Nhiều nơi khác ở Việt Nam và trên thế giới muốn cũng không thể có.
Những lợi thế trên rất thuận lợi cho phát triển du lịch. Do đó, Đắk Nông cần khai thác lợi thế Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông, bảo tồn và xây dựng nơi đây trở thành điểm du lịch đặc biệt của thế giới.
Ông Phạm Tuấn Anh, Giám đốc Sở NN-PTNT Đắk Nông cho rằng: Trên vùng đất thuộc Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông phù hợp với nhiều nông sản có thể xây dựng thành đặc sản, do được thừa hưởng những khoáng chất đặc biệt từ quá trình phun trào của hệ thống núi lửa.
Các huyện, TP. Gia Nghĩa đã xây dựng các sản phẩm nông nghiệp như rau, củ, quả, lúa gạo… đặc thù, độc đáo mang đậm bản sắc riêng của Đắk Nông phục vụ phát triển du lịch.
Ngành Nông nghiệp của tỉnh tiếp tục chú trọng khai thác du lịch nông nghiệp, xây dựng sản phẩm nông nghiệp gắn với du lịch Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông, nhất là các sản phẩm đạt OCOP, hữu cơ...
Tiến sĩ Nguyễn Đức Trí, Trưởng khoa Du lịch, Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh chia sẻ: Người Đắk Nông hiền hòa, thân thiện và đa dạng về văn hóa.
Đắk Nông có nhiều nghi lễ, lễ hội truyền thống gắn với các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể, không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên… Những giá trị văn hóa này cần được bảo tồn, phát huy để khai thác du lịch.
Ông Đỗ Văn Khang, Phó Chủ tịch phụ trách Liên hiệp các Hội Khoa học - Kỹ thuật Đắk Nông chia sẻ: Chúng tôi đã và đang tham khảo ý kiến của các nhà khoa học, những người có chuyên môn về du lịch để tham mưu xây dựng Đắk Nông trở thành trung tâm nghỉ dưỡng và du lịch quốc gia.
Một trong những vấn đề chúng tôi quan tâm đó là bảo vệ giá trị của Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông và đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, nơi lưu trú để du khách đến tham quan có nơi nghỉ dưỡng tốt mới nâng cao hiệu quả dịch vụ, nâng cao kinh tế.
Đại hội Đảng bộ tỉnh Đắk Nông lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020-2025 xác định du lịch là một trong ba trụ cột phát triển kinh tế. Thời gian qua, các sở, ngành, địa phương đã tổ chức các hội nghị, hội thảo, diễn đàn nhằm đưa ra giải pháp phát triển du lịch Đắk Nông.
Lực lượng lao động trong ngành Du lịch của Đắk Nông năm 2016 là 1.050 người, đến hến năm 2023 tăng lên khoảng 2.000 người. Lao động có trình độ từ sơ cấp đến đại học chỉ chiếm khoảng 30%. Phần lớn lao động trong ngành du lịch trẻ, tiềm năng nhưng cần được đào tạo, nâng cao nghiệp vụ.
Trong những năm qua, doanh thu của du lịch Đắk Nông hàng năm tăng lên, trong đó có đóng góp khai thác Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông. Tổng doanh thu từ hoạt động du lịch của Đắk Nông năm 2016 đạt 27 tỷ đồng, đến năm 2023 ước đạt 160 tỷ đồng.
Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông được công nhận không chỉ vinh dự cho Đắk Nông mà còn góp phần nâng cao hình ảnh, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Vì thế, Đắk Nông cần có trách nhiệm bảo tồn, phát huy, khai thác những giá trị đặc biệt của Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông trở thành điểm đến du lịch riêng biệt, xứng tầm quốc tế.
-