Sau khi chính sách được triển khai thực hiện, công tác khám, chữa bệnh đã có bước tiến bộ đáng ghi nhận. Số bác sĩ thu hút đã và đang phát huy vai trò trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của ngành y tế, triển khai được nhiều dịch vụ kỹ thuật cao, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân trong tỉnh.
Cụ thể, trong giai đoạn 2015 - 2020 đã thu hút được 47 bác sĩ, trong đó có 4 bác sĩ chuyên khoa I, 5 bác sĩ đạt loại giỏi, 3 bác sĩ y học cổ truyền loại khá, 35 bác sĩ đa khoa loại khá; đãi ngộ cho 2.120 lượt cán bộ chuyên môn đang công tác. Công tác đào tạo sau đại học chuyên ngành y tế từ năm 2015 - 2022 là 158 trường hợp, trong đó đào tạo chuyên khoa II và tiến sĩ 15 trường hợp, chuyên khoa I và thạc sĩ y tế 151 trường hợp, với mức kinh phí Nhà nước phải chi riêng cho sau đại học là 88 trường hợp/8 năm, với số tiền hơn 3,5 tỷ đồng; 42 trường hợp còn lại được chi từ kinh phí các dự án.
Theo đánh giá của ngành y tế, chính sách thu hút, đãi ngộ theo chế độ đặc thù đối với công chức, viên chức, người lao động chuyên môn y tế về công tác và đang công tác tại các cơ quan, đơn vị y tế trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đã đáp ứng về số lượng bác sĩ, hạn chế tình trạng chảy máu chất xám; tác động tích cực đến số lượng, chất lượng bác sĩ của ngành y tế Đắk Nông, góp phần tích cực vào việc bổ sung nguồn nhân lực chất lượng cao của tỉnh; tác động tích cực đến các đối tượng bác sĩ yên tâm công tác phục vụ lâu dài với địa phương; là động lực khuyến khích cán bộ chuyên môn y tế chủ động học tập để nâng cao trình độ chuyên môn đáp ứng yêu cầu công tác. Xây dựng đội ngũ cán bộ y tế tỉnh Đắk Nông đủ về số lượng, chất lượng với trình độ chuyên môn cao, có năng lực, kỹ thuật tốt, đáp ứng với yêu cầu chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân; đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế; bảo đảm an sinh xã hội và phục vụ phát triển kinh tế của tỉnh.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn một số hạn chế như chất lượng dịch vụ y tế ở các cơ sở y tế tuyến dưới vẫn chưa được cải thiện căn bản, chưa tạo được niềm tin của người dân nên người dân vẫn có tâm lý muốn khám chữa bệnh ở tuyến trên. Dù đã được quan tâm đào tạo, tuy nhiên, số lượng bác sĩ được đào tạo những năm qua ở tỉnh còn ít và số lượng bác sĩ thu hút về công tác tại tỉnh còn hạn chế, trong khi đó số lượng bác sĩ nghỉ việc theo nguyện vọng nhiều nên nguồn nhân lực bác sĩ được đào tạo hiện nay chưa đáp ứng được mục tiêu đề ra. Chất lượng nguồn nhân lực y tế còn thiếu, hạn chế, mất cân đối về cơ cấu và phân bổ. Tình trạng chuyển dịch cán bộ y tế (chủ yếu là cán bộ có chuyên môn khá, giỏi) từ vùng khó khăn về đô thị, từ khu vực công lập ra khu vực ngoài công lập vẫn diễn ra.
Mặt khác nguồn thu các đơn vị còn thấp, chưa tạo được nguồn thu nhập ổn định cho nhân viên nên không giữ chân được bộ phận bác sĩ phục vụ tại tỉnh.
Đặc biệt, công tác phát triển nguồn nhân lực vẫn còn nhiều bất cập; còn thiếu bác sĩ đại học chính quy, thiếu nguồn nhân lực chuyên môn y tế sau đại học có chuyên môn sâu; đội ngũ chuyên gia đầu ngành rất hạn chế; số lượng bác sĩ chính quy đại học, sau đại học và chuyên môn y sau đại học về công tác hàng năm trên phạm vi toàn tỉnh nói chung và vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn nói riêng còn thấp. Tình trạng thiếu bác sĩ để bố trí về công tác tại các đơn vị y tế, lĩnh vực đặc thù như: pháp y, tâm thần, cơ quan Sở Y tế, các chi cục và khu vực khó khăn chưa có giải pháp khắc phục.
Ngoài ra, việc giữ chân các bác sĩ đang công tác cũng gặp khó khăn, tình trạng chảy máu chất xám tiếp tục diễn ra đối với bác sĩ có kinh nghiệm, thâm niên công tác, chuyên môn sâu,… Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến chất lượng chuyên môn, các dịch vụ kỹ thuật y tế dù đã có bước phát triển nhưng vẫn ở mức thấp so với mặt bằng chung của cả nước, dẫn đến tình trạng phải chuyển tuyến, làm quá tải cho các bệnh viện tuyến trên.
Việc thiếu cán bộ y tế (bác sĩ chính quy, bác sĩ chuyên môn y tế có trình độ chuyên môn sâu, có thâm niên công tác) và năng lực chuyên môn còn hạn chế nguyên nhân do chưa được đào tạo chuyên sâu, trong đó có nguyên nhân về cơ chế đào tạo của tỉnh chưa đáp ứng với nhu cầu cần đào tạo thực tế của ngành, số lượng cử đi đào tạo hàng năm bằng nguồn kinh phí nhà nước còn hạn chế, chỉ đạt khoảng 35% so với nhu cầu cử đi đào tạo, bồi dưỡng của ngành y tế…
Để tiếp tục duy trì, phát huy kết quả đạt được của Nghị quyết số 09/2014/NQ-HĐND nêu trên. Bảo đảm nguồn bác sĩ đầu vào để bù đắp kịp thời số bác sĩ nghỉ việc, chuyển công tác, tránh khủng hoảng trầm trọng nguồn nhân lực chất lượng cao như hiện nay (từ năm 2018 đến nay, tỉnh Đắk Nông có 85 bác sĩ xin thôi việc và 14 bác sĩ chuyển công tác ra ngoài tỉnh). Tiếp tục duy trì tính bền vững, giữ chân nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho định hướng phát triển của ngành Y tế trong những năm tiếp theo.
Trong các năm 2022 và 2023, Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Nông đã xây dựng Dự thảo Nghị quyết quy định chính sách thu hút, đãi ngộ và đào tạo phát triển nguồn nhân lực y tế công lập trên địa bàn. Sau khi trình các cấp có thẩm quyền, xin ý kiến các bộ, ngành trung ương, các cơ quan chuyên môn các cấp, đến nay Dự thảo Nghị quyết cơ bản đã xây dựng hoàn thiện, dự kiến trình thông qua Nghị quyết tại kỳ họp Hội đồng nhân dân tỉnh Đắk Nông vào giữa năm 2024.
Theo dự thảo nghị quyết, các trường hợp sau khi được tiếp nhận viên chức hoặc được tuyển dụng thành viên chức theo quy định (kể cả viên chức tập sự) và được cấp có thẩm quyền phê duyệt cho hưởng thu hút.
Ngoài lương và các chế độ, chính sách theo quy định hiện hành của Nhà nước, các đối tượng thu hút được hỗ trợ một lần, với mức 345.000.000 đồng/người đối với bác sĩ có trình độ sau đại học (tiến sĩ, chuyên khoa II); 320.000.000 đồng/người; đối với bác sĩ có trình độ sau đại học (thạc sĩ, chuyên khoa I và bác sĩ nội trú); 300.000.000 đồng/người đối với bác sĩ tốt nghiệp loại giỏi; 250.000.000 đồng/người đối với bác sĩ tốt nghiệp loại khá.
Đối với các bác sĩ về công tác tại các cơ quan, đơn vị sự nghiệp y tế công lập tại 2 huyện 30a Tuy Đức và Đắk Glong, Trung tâm Pháp Y, công tác ở bộ phận, lĩnh vực tâm thần, ngoài được hưởng hỗ trợ một lần theo mức tương ứng trên còn được hỗ trợ thêm 40.000.000 đồng/người đối với tốt nghiệp loại khá, 50.000.000 đồng/người đối với tốt nghiệp loại giỏi.
Đối với các bác sĩ có trình độ sau đại học về công tác tại các cơ quan, đơn vị sự nghiệp y tế công lập huyện Tuy Đức, huyện Đắk Glong, Trung tâm Pháp Y, công tác ở bộ phận, lĩnh vực tâm thần, ngoài được hưởng hỗ trợ một lần theo mức tương ứng trên còn được hỗ trợ thêm 60.000.000 đồng/người,… Tổng mức kinh phí cho chính sách thu hút, đãi ngộ và đào tạo nguồn nhân lực giai đoạn 2024-2028 là gần 60 tỷ/5 năm, trong đó chính sách thu hút hơn 18 tỷ đồng, chính sách đãi ngộ hơn 26 tỷ đồng và chính sách đào tạo gần 16 tỷ đồng.
Việc Đắk Nông ban hành chính sách đặc thù thu hút những người có trình độ chuyên môn sâu về công tác trong ngành y tế của tỉnh nhằm nâng cao chất lượng, phát triển cả số lượng và trình độ chuyên môn, dịch vụ y tế kỹ thuật cao... đáp ứng yêu cầu công tác khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân trong tình hình mới. Đồng thời là cơ sở để ngành Y tế tỉnh Đắk Nông đạt các chỉ tiêu về y tế đến năm 2025 đạt 21 giường bệnh/vạn dân, 8,9 bác sĩ/vạn dân theo Nghị quyết số 110/NQ-HĐND ngày 11/12/2020 của Hội đồng nhân dân tỉnh Đắk Nông về việc thông qua kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025; Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đề ra chỉ tiêu đến năm 2025 có 10 bác sĩ và 30 giường bệnh/10.000 dân; Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 6/10/2022 của Bộ Chính trị vùng Tây Nguyên đến năm 2023 đạt 32 giường bệnh, 11 bác sĩ/ 10.000 dân.