Phát hiện, đào tạo và sử dụng cán bộ người dân tộc thiểu số

UÔNG THÁI BIỂU| 30/05/2024 04:53

Khu vực Tây Nguyên hiện nay có hơn năm triệu người, trong đó hơn 1,6 triệu đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Phát hiện, tìm kiếm, thu hút, trọng dụng đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số (DTTS) được các tỉnh trong khu vực tiến hành từ nhiều năm qua, nhưng đến nay, nhiệm vụ này vẫn còn nhiều vấn đề đặt ra cần được tháo gỡ.

Cấp ủy, chính quyền các tỉnh đều có chung đánh giá, vai trò của cán bộ người DTTS là nhân tố quan trọng góp phần thúc đẩy sự phát triển của vùng núi, vùng sâu, vùng xa. Họ là những người nắm bắt những vấn đề phát sinh, những bất ổn về an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội tại cơ sở. Cán bộ người DTTS am hiểu đời sống cư dân, gắn bó với đời sống đồng bào, có nhiều cơ hội nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của quần chúng. Nếu phát huy được bản lĩnh, tri thức, kỹ năng, cán bộ người DTTS sẽ là nhịp cầu quan trọng để tuyên truyền, vận động, triển khai vào thực tiễn đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật của Ðảng và Nhà nước đến với nhân dân. Ðồng thời, họ là người tổ chức, dẫn dắt đồng bào trong sự nghiệp kiến thiết, xây dựng, phát triển quê hương…

Tuy nhiên, theo báo cáo từ năm tỉnh Tây Nguyên, tính trên số dân thì tỷ lệ cán bộ người DTTS còn thấp. Các DTTS chiếm 32% số dân, nhưng trong nhiệm kỳ này, cán bộ người DTTS ở cấp xã toàn khu vực chiếm tỷ lệ 26%, cấp huyện chưa đến 17%. Cán bộ người DTTS trong cấp ủy các tỉnh là 10,9%; lãnh đạo các sở, ban, ngành 12,4%. Tỷ lệ đại biểu là người DTTS trong Hội đồng nhân dân cấp tỉnh trung bình toàn vùng chiếm 28,96%. Trong cơ quan đảng, nhiệm kỳ này, số cán bộ tham gia cấp ủy tỉnh chiếm tỷ lệ 18,52%; cấp ủy huyện chiếm 17,11% và cơ sở là 18,52%. Số cán bộ, công chức, viên chức là người DTTS tại các tỉnh chủ yếu tập trung ở các đơn vị sự nghiệp giáo dục, y tế, còn trong cơ quan hành chính nhà nước chưa tương ứng với tỷ lệ đồng bào DTTS. Nhiều sinh viên người DTTS có trình độ đại học, cao đẳng nhưng trở về các địa phương không được tuyển dụng vì không có ngành nghề phù hợp; chỉ tiêu biên chế, nhu cầu vị trí việc làm tại các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp đã gần như bão hòa cho nên rất khó trong việc bố trí việc làm...

Nhiệm vụ quan trọng này đang gặp nhiều khó khăn trong triển khai bởi nhiều nguyên nhân. Ðể tiếp tục phát hiện, tìm kiếm, thu hút, trọng dụng nhân tài người DTTS, trước hết cần có các giải pháp phát triển toàn diện vùng DTTS và miền núi nhằm nâng cao mức sống, trình độ dân trí, giảm nhanh khoảng cách giàu, nghèo giữa vùng DTTS và miền núi với vùng miền xuôi và thành thị. Ðồng thời, có giải pháp nhằm đổi mới công tác quản lý giáo dục ở những cơ sở giáo dục có đông học sinh người DTTS để nâng cao chất lượng đầu ra; tổ chức dạy tiếng dân tộc ở các trường phổ thông có đông học sinh DTTS; quan tâm đầu tư giáo dục hướng nghiệp, dạy nghề cho học sinh người DTTS; có chính sách hỗ trợ các cơ sở dạy nghề, các doanh nghiệp có đào tạo, huấn luyện lao động người DTTS; nâng cao năng lực cho cộng đồng và cán bộ thực hiện công tác dân tộc các cấp. Có chính sách ưu tiên hơn nữa trong đào tạo, sử dụng cán bộ người DTTS, nhất là cán bộ người DTTS gốc Tây Nguyên. Có chính sách đào tạo và sử dụng giáo viên tiếng DTTS, nhất là tiếng DTTS gốc Tây Nguyên.

Theo nhandan.vn
https://nhandan.vn/phat-hien-dao-tao-va-su-dung-can-bo-nguoi-dan-toc-thieu-so-post811748.html
Copy Link
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phát hiện, đào tạo và sử dụng cán bộ người dân tộc thiểu số
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO