Phát biểu của Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông với đoàn công tác của Chính phủ

Tại buổi làm việc với Đoàn công tác của Chính phủ về tình hình sản xuất kinh doanh, đầu tư công, xây dựng hạ tầng và xuất nhập khẩu, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông đã phát biểu về tình hình địa phương. Báo Đắk Nông trân trọng giới thiệu bài phát biểu này.

Kính thưa:

- Đồng chí Nguyễn Văn Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch- Trưởng đoàn công tác Chính phủ;

- Các đồng chí thành viên Đoàn công tác của Chính phủ;

- Các đồng chí lãnh đạo đại diện của các tỉnh Lâm Đồng, Đắk Lắk, Đắk Nông.

Lời đầu tiên, xin gửi đến đồng chí Bộ trưởng,các đồng chí đoàn công tác Chính phủ và các đồng chí lãnh đạo các tỉnh Lâm Đồng, Đắk Lắk lời chúc sức khỏe, hạnh phúc.

Kính thưa các đồng chí!

Năm 2022, Chỉ số PCI tổng hợp của Đắk Nông đạt 64,87 điểm, đứng vị trí thứ 38/63 tỉnh, thành phố, tăng 14 bậc so với năm 2021. Kết quả này thể hiện sự cố gắng nỗ lực phấn đấu của cả hệ thống chính trị tỉnh Đắk Nông; trong đó có sự đóng góp, hỗ trợ, hướng dẫn, giúp đỡ quan trọng của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cùng các Bộ, ngành Trung ương. Năm 2023, đứng trước nhiều thách thức và cơ hội đan xen từ cả bên trong lẫn bên ngoài. Tuy nhiên,với sự quan tâm hỗ trợ của Chính phủ và các bộ, ngành địa phương, sự nỗ lực phấn đấu của Nhân dân, quyết tâm chính trị cao của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Đắk Nông, tình hình kinh tế xã hội trong những tháng đầu năm 2023 của tỉnh cơ bản vẫn giữ được ổn định và đạt được một số kết quả khả quan.Tốc độ tăng trưởng GRDP quý I ước đạt 4,64%(cao hơn bình quân chung cả nước là 3,32%). Cơ cấu nền kinh tế đã có sự chuyển dịch chuyển dần sang khu vực công nghiệp - xây dựng và dịch vụ. Tổng lượt khách du lịch đến Đắk Nông Quý I/2023 ước đạt 248.600 lượt khách, tăng 119,9% so với cùng kỳ năm 2022. Tổng thu từ hoạt động du lịch trong Quý I/2023 ước đạt 44 tỷ đồng, tăng 360,1% so với cùng kỳ năm 2022.

Trong quý I/2023, Kim ngạch xuất khẩu đạt 358,7 triệu USD, tăng 27,8% so với cùng kỳ. Kim ngạch nhập khẩu đạt 80,6 triệu USD, tăng 16,8% so với cùng kỳ. Trong đó, chủ yếu tăng nhập khẩu nguyên liệu để phục vụ sản xuất.

Thị trường bất động sản chững lại, lãi suất ngân hàng vẫn ở mức cao, các nhà đầu tư gặp khó khăn về vốn, nguồn tiền nhàn rỗi trong xã hội chủ yếu đầu tư vào sản xuất kinh doanh, do đó ảnh hưởng một phần đến hoạt động huy động vốn, kết quả huy động vốn tại các tổ chức tín dụng trên địa bàn giảm so với đầu năm. Trong quý I/2023, tổng nguồn vốn huy động trên địa bàn ước đạt 16.521 tỷ đồng, giảm 19 tỷ đồng tương đương 0,12% so với đầu năm (tăng trưởng thấp so với mức tăng trưởng cùng kỳ năm trước). Tổng dư nợ cho vay ước đạt 40.097 tỷ đồng, tăng 590 tỷ đồng tương đương 1,49% so với đầu năm (kết quả tăng trưởng thấp hơn so với tốc độ tăng trưởng cùng kỳ năm trước).

Tổng kế hoạch vốn đầu tư công tỉnh Đắk Nông được giao năm 2023 là 3.473,163 tỷ đồng. Số vốn đã giao chi tiết đến thời điểm báo cáo là 3.248,112 tỷ đồng (đạt 93,5% kế hoạch vốn). Đến tháng 4/2023 đã giải ngân được 609,2 tỷ đồng, đạt 17,54% so với kế hoạch vốn được giao năm 2023.

Trong quý I/2023, toàn tỉnh đầu tư xây dựng hoàn thành nhựa hóa được 14Km đường, nâng tỷ lệ nhựa hoá đường toàn tỉnh từ 68% lên 68,3%. Tỉnh đã rà soát, bố trí nguồn lực, phối hợp với tỉnh Bình Phước đẩy nhanh tiến độ để thực hiện dự án đầu tư xây dựng cao tốc Bắc - Nam phía Tây, đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước) nhằm gia tăng sự kết nối, góp phần cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Tỉnh có nhiều đổi mới mạnh mẽ, thích ứng linh hoạt trong phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội với những giải pháp, biện pháp cụ thể, thiết thực, hiệu quả. Tập trung lãnh đạo đổi mới, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, cải cách thủ tục hành chính; giải quyết các vướng mắc trong thực hiện các dự án đầu tư công; chú trọng, quan tâm, chủ động kết nối, đổi mới cách làm trong xúc tiến thương mại, đầu tư, du lịch.

Kính thưa các đồng chí!

Bên cạnh những kết quả quan trọng đạt được, tỉnh Đắk Nông vẫn còn một số khó, vướng mắc. Trong đó 02 vướng mắc lớn nhất hiện nay là:

1. Các khó khăn, vướng mắc liên quan đến đầu tư các công trình, dự án nằm trong khu vực khoáng sản và vùng quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến quặng bô xít

a) Vướng mắc đối với các công trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội:

Hiện tại trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đang có rất nhiều công trình, dự án chồng lấn với Quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng quặng bô xít. Qua rà soát, đánh giá kế hoạch đầu tư, quy hoạch sử dụng đất thì có đến 1.062 dự án, công trình có diện tích đất chồng lấn với quy hoạch bô xít và khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia (có tổng mức đầu tư khoảng 20.000 tỷ đồng, trong đó các dự án đầu tư công thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025 khoảng 5.000 tỷ đồng); cùng với đó còn có một số dự án lớn, quan trọng phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh (trong đó có 06 dự án đầu tư công 1.500 tỷ đồng đã được Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025); các dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; Chương trình xây dựng nông thôn mới; Chương trình xóa đói giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 cũng đều nằm trong vùng quy hoạch bô xít. Ngoài ra, trong thời gian qua có rất nhiều nhà đầu tư đến với Tỉnh để tìm kiếm cơ hội, xin chủ trương khảo sát, đầu tư các dự án, đặc biệt là các dự án có quy mô đầu tư lớn như: khu du lịch, khu đô thị, khu chăn nuôi tập trung, các nhà máy chế biến nông sản, xử lý rác thải... đều vướng mắc do nằm trong quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến quặng bô xít. Do đó, chưa thể chấp thuận được chủ trương đầu tư các dự án theo đề nghị của các nhà đầu tư; ảnh hưởng lớn đến công tác kêu gọi, thu hút đầu tư vào Tỉnh.

Một trong những vấn đề vướng mắc hiện nay đang đặt ra đối Đắk Nông đó là: “Tại Điều 53 Hiến pháp năm 2013 quy định tài nguyên khoáng sản là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sử hữu và thống nhất quản lý. Do vậy, việc quản lý và sử dụng khoáng sản yêu cầu tuân thủ theo Luật Quản lý, sử dụng tài sản công theo nguyên tắc bảo toàn và phát triển tránh thất thoát tài sản công. Tài nguyên khoáng sản phải được kiểm kê, thống kê về hiện vật, ghi nhận thông tin phù hợp với tính chất, đặc điểm của tài sản; được quản lý, bảo vệ, khai thác theo quy hoạch, kế hoạch, bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả, đúng pháp luật (Điều 6 Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017). Khoáng sản phải được bảo toàn theo hồ sơ đã được xác định; nếu có thất thoát khoáng sản trong quá trình triển khai xây dựng công trình, tùy giá trị thất thoát xử lý hành chính hoặc hình sự theo quy định của pháp luật. Mặt khác, tại Điểm a Khoản 1 Điều 8 Nghị định số 51/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định không thực hiện dự án đầu tư có mục đích sử dụng đất lâu dài, trừ các công trình hạ tầng kỹ thuật phục vụ lợi ích quốc gia, công cộng trên đất khoáng sản”.

Về nội dung này cũng đã được Thanh tra Chính phủ Kết luận tại Văn bản số 1027/KL-TTCP ngày 28/4/2023 về việc chấp hành chính sách, pháp luật trong quản lý, thực hiện quy hoạch và đầu tư xây dựng các công trình điện theo Quy hoạch điện VII và Quy hoạch điện VII điều chỉnh đó là “việc quản lý sử dụng đất xây dựng các dự án điện gió chồng lấn lên Quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng quặng bô xít tại tỉnh Đắk Nông”; Bộ Công Thương tiến hành kiểm tra công tác triển khai Quy hoạch khoáng sản bô xít trên địa bàn tỉnh Đắk Nông theo Quyết định 1476/QĐ-BCT ngày 26/7/2022, đề nghị: “bổ sung các giải pháp để tăng cường quản lý nhà nước, bảo vệ tài nguyên khoáng sản bô xít đang khai thác và chưa khai thác trên địa bàn tỉnh theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công”.

Hiện nay hầu hết các dự án triển khai trên địa bàn tỉnh đang vướng mắc do liên quan đến quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến quặng bô xít, ảnh hưởng rất lớn đến việc đầu tư công cũng như kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Để tháo gỡ, giải quyết những khó khăn, vướng mắc này, UBND tỉnh Đắk Nông đã báo cáo, kiến nghị, đề xuất các Bộ, ngành Trung ương để xem xét giải quyết (Văn bản số 3995/UBND-NNTNMT ngày 18/4/2022 gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường; Văn bản số 161/UBND-NNTNMT ngày 11/01/2023 báo cáo Thủ tướng Chính phủ). Tuy nhiên, đến nay những khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh chưa được giải quyết đến kết quả cuối cùng, ảnh hưởng rất lớn đến phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

b) Vướng mắc trong việc cấp phép khai thác đất làm vật liệu san lấp tại các khu vực đã được quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác,chế biến, sử dụng khoáng sản:

Đắk Nông với địa hình là đồi núi dốc nên việc đầu tư xây dựng các tuyến đường giao thông, các công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh Đắk Nông yêu cầu cần phải có một lượng lớn về nguồn đất đắp để thi công các công trình; đặc biệt hiện nay là công trình Quảng Trường thành phố Gia Nghĩa và thời gian tới là tuyến đường cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành yêu cầu cần có một lượng lớn đất để được cấp phép làm vật liệu san lấp. Tuy nhiên, hiện nay phần lớn nguồn đất để xem xét cấp phép làm vật liệu san lấp cho các công trình đầu tư trên địa bàn tỉnh nói chung và đối với tuyến đường cao tốc trong thời gian tới nói riêng đều nằm trong các khu vực đã được quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác,chế biến, sử dụng khoáng sản theo quyết định số 167/QĐ-TTg ngày 01/11/2017 của Thủ tướng Chính phủ.

Theo quy định tại Điều 65 Luật Khoáng sản năm 2010: “Đối với khu vực có dự án đầu tư xây dựng công trình phát hiện có khoáng sản thì cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép quy định tại Điều 82 của Luật này quyết định việc thăm dò, khai thác trước khi dự án được phê duyệt hoặc cấp giấy phép đầu tư; Đối với khu vực chưa được điều tra, đánh giá về khoáng sản mà trong quá trình xây dựng công trình có phát hiện khoáng sản thì cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép quy định tại Điều 82 của Luật này quyết định việc khai thác hoặc không khai thác trong phạm vi xây dựng công trình; trường hợp quyết định khai thác thì không bắt buộc phải tiến hành thăm dò khai thác”. Do vậy, để xem xét cấp phép làm vật liệu san lấp các công trình đầu tư trên địa bàn tỉnh đều phải xin ý kiến của Bộ Tài nguyên và Môi trường trước khi cấp giấy phép khai thác đất san lấp hoặc xác nhận bản đăng ký khu vực khai thác đất san lấp nên ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ đầu tư xây dựng các công trình.

2. Về lĩnh vực quản lý đất đai

Việc lập, phê duyệt Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030 và Kế hoạch sử dụng đất năm 2023 còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu của các ngành, lĩnh vực; Quy hoạch còn chồng chéo giữa quy hoạch đô thị, quy hoạch ba loại rừng, quy hoạch các ngành... Một số thủ tục hành chính về đất đai còn chậm, thủ tục còn rườm rà, vẫn còn tình trạng hướng dẫn nhiều lần (nhất là thủ tục đối với hộ gia đình, cá nhân).

Quỹ đất sạch trên địa bàn tỉnh còn ít nên các doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tìm kiếm mặt bằng để đầu tư, kinh doanh, việc giải phóng mặt bằng các dự án còn chậm.

Kính thưa các đồng chí!

Để tháo gỡ khó khăn vướng mắc thuộc thẩm quyền của Trung ương, tỉnh Đắk Nông đã có các kiến nghị cụ thể trong báo cáo gửi Đoàn công tác. Tại buổi làm việc hôm nay, tỉnh Đắk Nông kính đề nghị Đoàn công tác tập trung giải quyết cho tỉnh các nội dung như sau:

1. Các vấn đề liên quan đến thực hiện quy hoạch khoáng sản bô xít

Theo tài liệu quy hoạch, bô xít trên địa bàn tỉnh Đắk Nông rất đặc thù, phân bố trên địa bàn 5 huyện, 01 thành phố và chiếm khoảng 1/3 diện tích toàn tỉnh. Thực tiễn cho thấy, sau hơn 15 năm từ khi có Quy hoạch 167 cho đến nay, chỉ có 01/09 mỏ đã được thăm dò, phê duyệt trữ lượng được cấp phép khai thác, và hàng năm trung bình chỉ khai thác với diện tích khoảng 100 ha để cung cấp quặng bô xít cho Nhà máy Alumin Nhân Cơ với công suất 650 ngàn tấn/năm. Nếu chỉ cung cấp cho nhà máy này thì phải mất gần 400 năm mới khai thác, chế biến hết trữ lượng, tài nguyên bô xít trên địa bàn tỉnh Đắk Nông.

Mặc dù việc thăm dò, khai thác, chế biến bô xít trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đã được xác định trong quan điểm, chủ trương, định hướng theo dự thảo Quy hoạch mới, Quyết định số 09/QĐ-TTg ngày 11/02/2023 của Thủ tướng Chính phủ và Kết luận số 31-KL/BCT ngày 07/3/2022 của Bộ Chính trị về định hướng phát triển ngành công nghiệp bô xít - alumin - nhôm giai đoạn đến năm 2030, định hướng đến năm 2045. Tuy nhiên, để khai thác hiệu quả, hết trữ lượng, tài nguyên bô xít ở tỉnh Đắk Nông chắc chắc cần phải có lộ trình, thời gian rất dài, có thể lên đến hàng chục và trăm năm sau. Chính vì vậy, khi Quy hoạch cũng như việc khai thác bô xít chậm triển khai theo chủ trương, lộ trình đề ra do yếu tố khách quan và chủ quan, điều này sẽ tác động tiêu cực, ảnh hưởng lớn việc hoạch định, xây dựng kế hoạch đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Đắk Nông gắn với yêu cầu bảo vệ, khai thác khoáng sản đảm bảo tuân thủ theo quy định của pháp luật.

Để các vướng mắc liên quan đến các công trình, dự án đầu tư phát triển kinh tế - xã hội cũng như các vấn đề bất cập đặt ra liên quan đến bô xít, quy hoạch bô xít trên địa bàn tỉnh Đắk Nông sớm được tháo gỡ, đảm bảo tính pháp lý về mặt pháp luật và thẩm quyền để tỉnh Đắk Nông kịp thời, đẩy nhanh tiến độ, giải ngân vốn đầu tư các công trình, dự án cũng như hoàn thành các nhiệm vụ, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đề ra; tỉnh Đắk Nông kính đề xuất, kiến nghị Đoàn công tác của Chính phủ quan tâm chỉ đạo các nội dung sau:

a) Đề xuất Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công Thương xử lý theo thẩm quyền hoặc báo cáo Thủ tướng chỉ đạo tháo gỡ vướng mắc, đảm bảo tính pháp lý để tỉnh Đắk Nông:

- Triển khai các dự án, công trình, đặc biệt là các công trình, dự án thuộc danh mục đầu tư công trung hạn; các dự án lớn, quan trọng phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đang triển khai đầu tư; các công trình, dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; Chương trình xây dựng nông thôn mới; Chương trình xóa đói giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 nằm trong vùng Quy hoạch bô xít và khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia (nhiệm vụ cấp bách).

- Có cơ sở và đủ thẩm quyền giải quyết, cho phép các dự án, công trình được đầu tư trên vùng đất có khoáng sản bô xít phân tán, nhỏ lẻ không nằm trong khu vực, phạm vi thân quặng bô xít được cấp có thẩm quyền phê duyệt (nghĩa là khu vực có khoáng sản bô xít phân tán, nhỏ lẻ không nằm trong phạm vi thân quặng bô xít được cấp có thẩm quyền phê duyệt thì không áp dụng theo quy định của Luật, các văn bản dưới Luật quy định về khoáng sản).

b) Do đặc thù, diện tích phân bố quặng bô xít lớn, chiếm khoảng 1/3 diện tích toàn tỉnh cũng như đáp ứng yêu cầu về phân cấp, giải quyết nhanh các vấn đề phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; Tỉnh xin đề xuất Đoàn công tác của Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường:

- Xem xét, ủy quyền cho UBND tỉnh Đắk Nông chấp thuận chủ trương đầu tư các dự án nằm trên khu vực có chứa khoáng sản bô xít, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp thực hiện dự án, cũng như giảm sức ép cho Bộ Tài nguyên và Môi trường khi phải thẩm định và có ý kiến đối với các dự án trên địa bàn tỉnh Đắk Nông. Đối với phần diện tích có khoáng sản trong phạm vi xây dựng dự án, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo các đơn vị liên quan thu gom và quản lý, bảo vệ, không làm thất thoát tài nguyên, khoáng sản.

- Cung cấp bản đồ phân bố khu vực chứa thân quặng bô xít đã được phê duyệt trữ lượng trên địa bàn tỉnh Đắk Nông, làm cơ sở cho UBND tỉnh rà soát các dự án phát triển kinh tế - xã hội chồng lấn với khu vực có chứa thân quặng. UBND tỉnh Đắk Nông cam kết lưu giữ, quản lý thông tin về trữ lượng bô xít theo đúng quy định của pháp luật.

- Xây dựng cơ chế đặc thù cho phép UBND tỉnh cấp xác nhận bản đăng ký khu vực, khối lượng, công suất khai thác đất có lẫn với bô xít làm vật liệu san lấp hoặc cấp giấy phép khai thác đất có lẫn bô xít làm vật liệu san lấp trong khu vực có dự án đầu tư xây dựng công trình để phục vụ cho các công trình có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh như các công trình hạ tầng kỹ thuật: đường giao thông, các dự án điện; các công trình phúc lợi xã hội như trường học, bệnh viện…, đặc biệt là tuyến cao tốc Chơn Thành - Gia Nghĩa.

- Hướng dẫn công tác thăm dò, khai thác các mỏ đất làm vật liệu san lấp, mỏ đá làm vật liệu xây dựng thông thường nằm trong quy hoạch thăm dò, khai thác bô xít hoặc phát hiện có bô xít, đặc biệt là các mỏ phục vụ tuyến đường cao tốc.

c) Về huy động khu vực mỏ Quảng Khê - Đắk Som để bổ sung trữ lượng bô xít cho giai đoạn tới đề cập trong dự thảo Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050:

Khu vực mỏ Quảng Khê - Đắk Som là khu vực có tiềm năng, lợi thế nhất của tỉnh Đắk Nông về du lịch, dựa trên những giá trị nổi bật về cảnh quan, thiên nhiên, văn hóa, địa chất (hồ, sông, núi, rừng tự nhiên, hang động núi lửa - xứ sở của những âm điệu) và đặc biệt Khu du lịch sinh thái văn hóa Tà Đùng với định hướng quy hoạch trở thành khu du lịch trọng điểm của vùng Tây Nguyên và cả nước; nếu khai thác bô xít sẽ không thể phát triển du lịch tại khu vực này. Định hướng phát triển du lịch khu vực này phù hợp với Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 06/10/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Đắk Nông lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020 - 2025, phù hợp với nguyện vọng, kỳ vọng của nhân dân tỉnh Đắk Nông. Do vậy, đề xuất Đoàn công tác của Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ quan tâm xem xét chỉ đạo Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịchcân nhắc, ưu tiên lựa chọn phương án quy hoạch khai thác khu vực này theo hướng phát triển du lịch sinh thái nghĩ dưỡngvà trở thành khu du lịch cấp quốc gia như báo cáo đề xuất của UBND tỉnh Đắk Nông tại Công văn số 1001/UBND-KT ngày 07/3/2023.

2. Bàn giao đất về cho địa phương sử dụng một phần diện tích đất đã khai thác hết trữ lượng bô xít

Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (gọi tắt là TKV) được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp Giấy phép khai thác khoáng sản số 2624/GP-BTNMT ngày 11/11/2016 cho phép đơn vị được khai thác quặng bô xít Nhân Cơ thuộc các xã: Kiến Thành, Đắk Wer, Nghĩa Thắng, Đạo Nghĩa, Đắk Sin, Nhân Đạo, Nhân Cơ và thị trấn Kiến Đức, huyện Đắk R’lấp, tỉnh Đắk Nông với diện tích khai thác 3.074 ha.

Hiện nay, diện tích TKV đã khai thác hết trữ lượng bô xít khoảng trên 350ha, rất có tiềm năng để thu hút các dự án đầu tư phát triển kinh tế - xã hội trong khu vực và có quỹ đất sạch để thực hiện tái định canh, định cư phục vụ dự án khai thác bô xít.UBND tỉnh Đắk Nông đã phê duyệt Phương án sử dụng đất sau khai thác bô xít của Công ty Nhôm Đắk Nông - TKV tại Quyết định số 743/QĐ-UBND ngày 20/4/2022.

Trên cơ sở chỉ đạo của Bộ Tài nguyên và Môi trường tại Công văn số 5554/BTNMT-ĐCKS ngày 20/9/2022, tại Công văn số 5190/TKV-KSH ngày 14/11/2022, TKV thống nhất trả lại 210,52 ha cho địa phương và sẽ thực hiện các thủ tục đóng của mỏ từng phần và đề xuất điều chỉnh ĐTM theo quy định; đề xuất UBND tỉnh Đắk Nông hoàn trả kinh phí đã bỏ ra để thực hiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng TKV đã chi trả.

Tại Điều 82 Luật Đất đai năm 2013 quy định: Nhà nước thu hồi đất không bồi thường về đất trong các trường hợp sau đây: “Đất thu hồi trong các trường hợp quy định tại Điều 64 và các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều 65 của Luật này”. Tại khoản 2 Điều 12 Thông tư số số 37/2014/TT-BTNMT ngày 30/6/2014 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định xử lý trường hợp tổ chức bị thu hồi đất nhưng không được bồi thường về đất như sau: “tổ chức được Nhà nước giao đất không thu tiền tiền sử dụng đất, cho thuê đất trả tiền thuê đất hàng năm khi Nhà nước thu hồi đất không được bồi thường về đất”.

Căn cứ các quy định nêu trên, việc Tập đoàn TKV đề nghị được hoàn trả lại kinh phí bồi thường, giải phóng mặt bằng đối với trường hợp Nhà nước cho thuê đất trả tiền thuê đất hàng năm mà người sử dụng đất tự nguyện trả lại đất hoặc không còn nhu cầu sử dụng đất là không có quy định.

Từ thực trạng nêu trên, đề xuất Đoàn công tác của Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn và yêu cầu TKV đẩy nhanh tiến độ thực hiện các thủ tục hành chính theo quy định để trả lại một phần diện tích cấp phép mà đơn vị đã khai thác hết trữ lượng khoáng sản và bàn giao đất cho địa phương quản lý, sử dụng nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất và an sinh xã hội tại địa phương.

3. Đề xuất điều chỉnh chỉ tiêu đất quy hoạch lâm nghiệp

Tại Quyết định số 326/QĐ-TTg ngày 09/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ về phân bổ chỉ tiêu quy hoạch sử dụng đất Quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; tỉnh Đắk Nông được phân bổ chỉ tiêu đất lâm nghiệp là 292.981 ha. Như vậy, tổng diện tích chỉ tiêu đất lâm nghiệp được giao đến năm 2030 gần tương đương với diện tích quy hoạch đất lâm nghiệp hiện nay, trong khi đó trong thời gian tới Đắk Nông cần nhiều diện tích, không gian để phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là các ngành công nghiệp khai khoáng, năng lượng tái tạo… nên cần thiết phải quy hoạch lại để đảm bảo hài hòa mục tiêu giữa phát triển rừng với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Mặt khác, phần lớn diện tích đất chưa có rừng quy hoạch phát triển lâm nghiệp hiện nay đã bị người dân lấn chiếm sản xuất nông nghiệp ổn định, khó thu hồi để phát triển lâm nghiệp.

Vì vậy, đề nghị Đoàn Công tác của Chính phủ tổng hợp, kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh chỉ tiêu diện tích đất lâm nghiệp tỉnh Đắk Nông đến năm 2030 là 247.565 ha (Nội dung này, UBND tỉnh đã có Báo cáo số 901/BC-UBND ngày 27/12/2021).

Kính thưa các đồng chí!

Tỉnh Đắk Nông xin chân thành cảm ơn sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với chính quyền và Nhân dân tỉnh. Tỉnh sẽ tiếp tục nỗ lực phấn đấu, thực hiện thành công, thắng lợi các mục tiêu đề ra trong năm 2023 cũng như trong những năm tiếp theo.

Thay mặt cho Chính quyền và nhân dân tỉnh Đắk Nông, tôi xin chúc đồng chí Nguyễn Văn Hùng - Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các đồng chí thành viên trong Đoàn công tác, cùng các đồng chí tham dự buổi làm việc mạnh khoẻ, hạnh phúc và thành công!

Xin trân trọng cảm ơn!./.

.

.

.

Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phát biểu của Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông với đoàn công tác của Chính phủ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO