Một ngôi nhà bị thiêu rụi hoàn toàn trong trận hỏa hoạn hồi tháng 7 năm 2022, đối diện với Hồ Cazaux, ở thành phố La Teste-de-Buch, vùng Gironde. (Ảnh: LeMonde) |
Thông báo này được đưa ra sau chuyến thăm và làm việc của các Bộ trưởng Nội vụ Gérald Darmanin, Bộ trưởng Nông nghiệp Marc Fesneau, Bộ trưởng Chuyển đổi sinh thái Christophe Béchu và Bộ trưởng Lãnh thổ Dominique Faure tới căn cứ không quân Cazaux, tại thành phố La Teste-de-Buch, tây nam nước Pháp vào ngày 11/4.
Bộ trưởng Nội vụ Gérald Darmanin cho biết, nước Pháp đã phải trải một mùa hè 2022 đầy xáo trộn với những vụ hỏa hoạn “khủng khiếp”.
Cồn cát ven biển Pilat tại thành phố La Teste-de-Buch bắt đầu mở cửa trở lại từ ngày 2/4 vừa qua. Từ độ cao 102m trên đỉnh cồn cát hùng vĩ này, du khách hoàn toàn có thể chứng kiến những tàn dư của trận hỏa hoạn đã tàn phá 30 nghìn hecta rừng và thảm thực vật nơi đây vào mùa hè năm ngoái.
Năm 2022, những đám cháy dữ dội đã gây thiệt hại nặng nề cho 72 nghìn ha rừng, trong khi đó hậu quả trung bình của các trận hỏa hoạn ở thời điểm 10 năm nước chỉ là 13 nghìn hecta. Trong suốt mùa hè năm ngoái, hàng nghìn lính cứu hỏa đã phải chống chọi lại các đám cháy kỷ lục cả về số lượng lẫn quy mô tại các khu rừng ở Pháp, do những đợt nắng nóng và khô hạn kéo dài chưa từng thấy.
Nhiều tỉnh, thành phố của Pháp đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi các trận cháy rừng trong mùa hè năm 2022. Hai vùng Gironde và Landes hứng chịu những đám cháy khủng khiếp nhất với những “bức tường” lửa khổng lồ, khiến hàng nghìn người dân địa phương và khách du lịch phải sơ tán.
Trước tình hình cấp bách như vậy, lực lượng cứu hỏa từ các nước lân cận như Hy Lạp, Đức và Áo cũng được huy động nhằm hỗ trợ Pháp kiểm soát thiên tai.
Năm 2022 là một năm ghi nhận những thống kê thiệt hại rất lớn trong lĩnh vực môi trường tại châu Âu. Theo thống kê của Hệ thống thông tin cháy rừng châu Âu (Effis) và Chương trình biến đổi khí hậu châu Âu Copernicus, có tới 785.000 hecta rừng chìm trong “biển lửa".
Những đám cháy vừa qua đã thải ra khí quyển lượng khí nhà kính ước tính lên tới 9 megaton, cao hơn rất nhiều so với con số trung bình 6,75 megaton trong giai đoạn 2003-2021.
Đó là lý do nước Pháp đã quyết định thông qua một gói hỗ trợ trị giá 180 triệu euro, được phân bổ cho Sở cứu hỏa và cứu trợ (SDIS) các địa phương nhằm phục vụ cho công tác mua sắm bổ sung 1.100 phương tiện và công cụ chữa cháy.
Ông Gérald Darmanin cũng chỉ định, các phương tiện chữa cháy trên không sẽ được bố trí tại vùng Gironde. Cụ thể, 1 chiếc trực thăng cứu hỏa, 4 máy bay ném nước thuộc dòng Air Tractor với bể chứa 3.000 lít và một chiếc khác thuộc dòng Dash có dung tích nước lên tới 10.000 lít sẽ được đặt tại thành phố Bordeaux kể từ ngày 1/7 tới.
Ngoài ra, 2 chiếc phi cơ ném bom nước thuộc dòng Canadair với sức chứa 6.000 lít có thể được huy động tới vùng Gironde trong vòng 48 giờ trước ngay khi có dự báo về nguy cơ cháy rừng có thể xảy ra.
1 chiếc máy bay ném bom nước thuộc dòng Canadair đang thả nước xuống khu rừng gần Saumos ở vùng Gironde, tây nam nước Pháp. (Ảnh: REUTERS) |
Trước đó, đơn vị thứ tư của Cơ quan chỉ dẫn và can thiệp cứu nạn dân sự quốc gia Pháp cũng đã được Tổng thống Pháp Emmanuel Macron phê duyệt thành lập vào mùa thu năm 2022 với 565 binh sĩ, đặt trụ sở tại vùng Nouvelle-Aquitaine.
Khu vực này ở phía tây nam nước Pháp sẽ là địa điểm căn cứ không quân thứ hai trong tương lai nhằm phục vụ các công tác an ninh dân sự, sau căn cứ Nîmes ở phía nam nước này.
Cùng với đó, chiến lược ứng phó nhằm xử lý những đám cháy ngay khi có dấu hiệu vẫn được tiếp tục duy trì triển khai ngay lập tức trong vòng 10 phút. Nhưng sự bùng phát gần như đồng thời của một lượng lớn đám cháy vào mùa hè năm ngoái đã khiến cơ chế này trở nên khó thực hiện.
Nguy cơ cháy rừng đã lan rộng lên một số khu vực ở phía bắc, ở trung tâm và thậm chí ở vùng Bretagne phía tây bắc nước Pháp đã làm phức tạp hơn công tác huy động quân tiếp viện. Lực lượng cứu hỏa và cứu hộ của các địa phương vốn được đặt vị trí tại phía nam.
Để giải quyết vấn đề này, 7 trạm cứu hỏa tăng cường đã được thành lập, bên cạnh 44 trạm hiện có, cùng gần 500 nhân viên cứu hỏa sẵn sàng can thiệp vào những khu vực có nguy cơ cao nhất.
Nhằm dự báo hiệu quả hơn các đám cháy, một công cụ với tên gọi “Dự báo thời tiết rừng” đã ra đời, đánh giá các rủi ro theo 4 cấp độ. Với ứng dụng này, Cơ quan dự báo khí tượng quốc gia Pháp (Météo France) đưa ra các bản tin dự báo vào cuối buổi chiều mỗi ngày từ giữa tháng 5 đến cuối tháng 9.
Tàn dư của đám cháy rừng kỷ lục ở cồn cát Pilat (vùng Gironde) tháng 7 năm 2022. (Ảnh: AP) |
Theo bài phỏng vấn ngày 12/4 của báo FranceInfo với ông Sébastien Lahaye, cựu lính cứu hỏa và điều phối viên của các dự án châu Âu về quản lý hỏa hoạn, “các biện pháp này có thể đáp ứng nhu cầu hiện nay, nhưng chưa đủ” nếu nước Pháp phải đối mặt với nhiều đám cháy diễn ra cùng một lúc.
Theo các chuyên gia môi trường, biến đổi khí hậu có lẽ là một nguyên nhân chủ yếu dẫn đến sự gia tăng của các trận hỏa hoạn trong thời gian qua. Những đợt nắng nóng khắc nghiệt khiến rừng trở nên khô cằn, do đó nguy cơ cháy rừng ngày nay cao gấp 5 lần so một thế kỷ rưỡi trước.
Hậu quả của những vụ cháy này không chỉ dừng lại ở những tàn dư sau khi ngọn lửa được kiểm soát, mà còn gây ra một lượng lớn khí thải nhà kính. Sự nóng lên toàn cầu vì vậy càng trở nên trầm trọng hơn.
Bộ trưởng Nông nghiệp Marc Fesneau và Bộ trưởng Chuyển đổi sinh thái Christophe Béchu đã ký kết triển khai kế hoạch trồng rừng quy mô lớn do Tổng thống Emmanuel Macron công bố vào mùa thu năm ngoái.
Theo đó, 150 triệu euro được chi cho việc cụ thể hóa kế hoạch thích ứng với thực trạng nóng lên toàn cầu như hiện nay, với mục tiêu trồng 1 tỷ cây trong vòng 10 năm, cùng sự hỗ trợ của Cơ quan quản lý môi trường và năng lượng Pháp (ADEME) Ademe và Cơ quan tài nguyên rừng quốc gia Pháp (ONF).